Hình ảnh gà trống, gà mái trên ngôi nhà Tà ôi
Thứ hai, 00:00, 12/10/2020 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên, người Tà ôi là cư dân bản địa, cư trú lâu đời. Với dân số trên 43.000 người, họ tập trung chủ yếu tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Nam.


Cặp gà trống – mái trên đầu hồi
Người Tà ôi thuộc nhóm nhón ngữ Môn – Khơ me, ngữ hệ Nam Á. Mỗi làng người Tà ôi là một đơn vị tự quản, cư dân trong làng thuộc nhiều dòng huyết thống khác nhau. Mỗi dòng huyết thống sống trong những ngôi nhà sàn dài. Và đứng đầu là chủ hộ. Già Hồ Viên Pưa, ở xã Nhâm huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế là một chủ của ngôi nhà sàn có tới 20 nóc.
"Ngôi nhà người Tà ôi mình trước đây là nhà sàn. Hiện nay nhà cấp 4. Trong một nhà sàn thấp nhất là 20 hộ. Dân tộc mình tình cảm là số 1, không kể anh em mình mà cả họ hàng khác, ở một chung nhà. Riêng nhà sinh hoạt chúng ta có nhà rông.


Những cô gái Tà ôi. Ảnh: Làng Văn hóa

Ông Pưa nói, trên hai đầu hồi ngôi nhà luôn có cặp gà trống - mái bằng gỗ. Bà con điêu khắc con vật gần gũi với đời thường như một lời cảm ơn đến loài vật đã giúp người Tà ôi trong cuộc sống. Giờ đã có điện thoại, đồng hồ báo thức, nhưng xa xưa là gà trống.

"Nếu có gà trống mà không có mái thì không có phát triển. Phải có mái, có trống. Giống con người phải có nam, có nữ". 
Đó là lý do người Tà ôi luôn dựng nhà phải có cặp gà trống, mái trên hai đầu hồi. Ngôi nhà là nơi quan trọng, gia đình có yên ấm, sự thịnh vượng, phát triển mới lâu bền.

Cả làng nuôi khách
Cứ có một thành viên mới xây dựng gia đình, ra ở riêng, căn nhà dài của người Tà ôi lại được nới thêm và lại được dài ra thêm. Dù vậy, nhưng tôn ti trật tự vẫn luôn quy củ.

Vật liệu cất nhà chỉ là gỗ, tre, nứa, dây rừng. Với con dao, chiếc rìu và đôi bàn tay khéo léo, những người đàn ông Tà ôi đã cùng nhau dựng nên ngôi nhà sàn chắc chắn của dòng họ mình.

Mỗi khi nhà có công chuyện, người chủ hộ - tức người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình sẽ giải quyết. Khách đến nhà nào nhà đó tiếp. Nhưng nếu số lượng khách có tới 10 - 15 người đến làng, cả làng sẽ nuôi khách tại nhà rông - ngôi nhà cộng đồng của người Tà ôi.

"Một phần mình yêu khách, một phần tình cảm để khách hiểu mình, mình hiểu khách. Cái gì mình ăn uống là phải quan tâm cho khách. Vì khách ở làng mình không đem lương thực, thực phẩm thì mình phải nuôi".
Hiếu khách là vậy, nhưng người Tà ôi cũng có phép tắc riêng dành cho khách đến làng mình. Và nếu bạn có ý định trải nghiệm văn hóa của người Tà ôi, thì hãy bỏ túi những lưu ý của già Hồ Viên Pưa: "Đánh nhau ra máu là kiêng. Ông già làng phải xử lý, phạt con gà, con lợn để cúng lại, thừa nhận cái sự trái. Một cặp vợ chồng chưa được công nhận, làng bên kia đuổi, làng này chưa biết mà họ đi bên làng mình, sau này mình phải đi hỏi lại cái làng kia. làng kia nói hai người này làm sai nên bị làng đuổi. Khi đó chúng tôi không cho hắn ở bên làng mình, mình cũng đuổi".

Mỗi dòng họ một vật tổ 

 Cũng như nhiều dân tộc sinh sống ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên, người Tà ôi quan niệm vạn vật đều có linh hồn và tín ngưỡng đa thần chi phối hầu hết các mặt trong đời sống của họ. 
Các thần Nước, thần Sông, thần suối, thần núi, Giàng, tức là Trời, thần đất, thần rừng… đều có vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Trước đây, hàng năm người Tà ôi luôn có nghi lễ để cúng các vị thần của mình. Như cúng trời đất thường phải 10 – 12 năm/lần và khi cúng phải có trâu. Khi làng giàu có phải tổ chức cúng tạ ơn.
"Từ nhà, từ cây cối cũng có linh hồn. Đến đất, đá cũng có linh hồn. Mình tin như nớ. Cây đa cao nhất trong làng hằng năm mình phải cúng. Cây nớ ít đổ, ít gãy, bắt buộc phải cúng. Khi mình cúng là có người mơ thấy. Mơ thấy hắn nói tôi "ưa" ở với làng anh, tôi sẽ giúp thì mình cúng. Nếu mơ thấy họ ưa “ăn” mình, phải tổ chức cúng". Già Pưa cho biết.
Vạn vật có linh hồn và con người cũng vậy. Với người Tà ôi, mỗi khi ai đó ốm đau thì tức là hồn người đó bị đi lạc. Khi ấy người ta phải cúng gọi hồn về.
Xưa kia, người Tà ôi còn có tục lấy than chấm lên trán đứa trẻ 8 tháng tuổi hoặc được 1 – 2 tuổi nếu chúng đi ra ngoài đường trời tối. Họ tin rằng, làm như vậy sẽ giữ được hồn đứa trẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, trong xã hội cổ truyền, thiên nhiên có sức mạnh kỳ bí với con người. Mỗi thị tộc có một quan hệ huyết thống mật thiết với một loài động vật hoặc thực vật nào đó. Từ ý niệm ban sơ ấy, họ coi thiên nhiên, vạn vật mang ý nghĩa thần linh như vật tổ biểu trưng để che chở cho họ họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Và người Tà ôi cũng không nằm ngoài ý niệm đó. Dù ngày nay nếp sống hiện đại đã len lỏi trong mỗi nếp nhà, nhưng mỗi dòng họ người Tà ôi vẫn còn điều kiêng kị đến vật tổ.
"Họ Viên là họ con chó nên kiêng chó. Không được ăn thịt chó. Dòng họ Việt kiêng chim. Họ Ta zưl là con ngựa kiêng ngựa... Mình chỉ nuôi, không được bán, không làm hại, không ăn thịt"...

Thu Cúc/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC