Ăn lá lúa, lá bí trong rẫy cũng phải làm lễ
Thứ tư, 00:00, 28/09/2016

(VOV4) - Khi lúa được hai tháng, người Xơ Teng tổ chức nghi lễ ăn lá lúa, lá bí. Nếu chưa làm lễ này mà lên rẫy hái rau sẽ bị thần quở phạt.


Theo tiến sĩ A Tuấn, công tác tại Viện nghiên cứu văn hóa, (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cũng là người Xơ Đăng, nhóm Xơ Teng: "Nghi lễ ăn lá lúa, lá bí, là nghi thức không chỉ cầu mong cho lúa và hoa màu phát triển, mà còn mở cửa rẫy để cho mọi người có thể vào trong khu rẫy của mình, có thể hái rau quả của nhau mà không bị thần linh trách phạt vì tội đi qua rẫy người khác không xin phép".

 

Khi công việc làm cỏ lúa đợt hai đã xong, tùy từng làng, già làng tập trung những người đàn ông chủ gia đình để thống nhất ngày và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho nghi lễ ăn lá lúa, lá bí.

 

Sáng sớm ngày làm lễ, vợ chồng chủ nhà và người nhà cùng lên khu rẫy của mình. Khi lên rẫy, người vợ cõng theo chiếc gùi thiêng để đựng rau sẽ hái về nấu đồ cúng. Theo quan niệm của người Xơ Teng, phải đi sớm, tránh việc nghe thấy tiếng chim lạ kêu. Nếu như gặp tiếng chim kêu bên trái, thì năm đó gia đình không được mạnh khỏe và mùa màng không được bội thu. Nếu đi mà nghe thấy chim kêu bên trái, thì họ quay lại một đoạn rồi mới đi tiếp.

 

Nghi thức cúng lúa của người Xơ-teng. Ảnh: baomoi.com

 

Đến khu rẫy thiêng, trước khi vào hái các loại lá rau, người chồng khấn" "Hỡi các thần! Hôm nay chúng tôi lên rẫy/ Xin các thần cho chúng tôi hái các loại lá trên rẫy/ Để chúng tôi làm lễ ăn lá lúa, lá bí/ Xin các thần cho phép". Khấn xong, người chồng tung hai miếng pa-geng lên. Nếu một miếng úp, một miếng ngửa, đồng nghĩa với việc các thần đã đồng ý. Nếu chưa được, phải thực hiện việc đó cho đến khi nào được thì mới thôi.

 

Người vợ sẽ là người đầu tiên hái các loại lá trong khu rẫy thiêng của mình. Mỗi loại lá, hái bảy hoặc chín lá. Tất cả số lá này được bà để trong chiếc gùi thiêng của gia đình. Sau đó, các thành viên khác mới được hái. Trong khoảng thời gian vợ chồng chủ nhà và những người khác hái lá lúa, lá bí trên rẫy thì những thành viên còn lại ở nhà chuẩn bị các món ăn truyền thống, đổ nước vào ghè rượu.

 

Chiếc gùi thiêng đựng cá loại lá, về, sẽ được treo một vị trí cao trong nhà để tránh người hoặc các loại súc vật, gia cầm bước qua. Sau đó, người phụ nữ chiln - người phụ nữ duy nhất trong gia đình được phân công chăm sóc hồn lúa, tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị nấu đồ cúng. Tại gian bếp chính của gia đình, người chồng cắt tiết gà, vẩy lên các loại lá ăn được cùng với gạo dùng để cúng.

 

Những loại lá hái về, nhưng không ăn được, thì chiln bó lại, treo trên giàn bếp cho khô, giã ra, rồi rắc lên rẫy để trừ các loại sâu bọ tới hại rẫy của mình. Chiln lấy những loại lá ăn được và gạo, bỏ vào nồi thiêng (là chiếc nồi chỉ để nấu đồ cúng cho các nghi lễ), rồi nổi lửa. Lòng gà được làm sạch cũng cho vào nấu. Riêng lá gan phải để nguyên. Trong lúc đợi đồ cúng chín, bà lấy một ít các loại lá hái trên rẫy đặt trên miệng ghè rượu cúng.

 

Lúa mang về được rang khô, giã và nấu một nồi cơm lớn, chỉ có người trong gia đình được ăn. Ảnh: baomoi.com

 

Đồ cúng chín, được múc ra một bát con, đặt trên chiếc nia có ống rượu cần đã được hút sẵn và miếng gan gà. Ông chủ nhà cầm ống rượu lên, cắt một ít gan bỏ trong ống rượu, sau đó ông rưới xuống đất một ít, với mong muốn bỏ đi những điều không may mắn, đồng thời mời thần đất về chứng kiến.

 

Ông khấn: Hỡi các thần! Hôm nay nhà tôi làn lễ ăn lá lúa, lá bí/ Lá đã nấu chín, gà đã làm theo lời đã hứa/ Rượu đã được hút/ Chúng tôi xin mời các thần về chứng kiến/ Xin phù hộ cho gia đình tôi được khỏe mạnh/ Cho lúa ra nhiều hạt/ Xin đừng cho chim, chuột, sâu bọ phá hoại/ Xin cho mùa màng tươi tốt, bội thu/ Xin các thần cho phép chúng tôi được qua lại rẫy của nhau/ Được phép hái rau quả trong rẫy của nhau/ Cầu xin cho mọi người ai cũng khỏe mạnh...

 

Khấn xong, ông chủ nhà lấy bát đựng cơm có trộn các loại rau cho chiln ăn đầu tiên, vì bà là người hái lá đầu tiên và cũng là người chăm lo phục vụ đồ cúng cho các nghi lễ liên quan đến cây lúa. Bà ăn phép một miếng, sau đó đem vãi ra ngoài sân cho chim và các loại gia cầm ăn. Việc làm này ngụ ý: gia đình cho chim chóc và muông thú ăn trước, xin chúng đừng tới phá khu rẫy nhà mình. Thủ tục hoàn thành, các thành viên trong gia đình cùng nhau thưởng thức rượu cần và ăn cơm cúng.

 

Trong nghi lễ này, cơm cúng trong chiếc nồi thiêng chỉ những người trong gia đình được ăn. Còn khách mời xa gần và dân làng sẽ được ăn cơm canh và các loại thịt khác. Khi các nghi thức trong nghi lễ ăn lá lúa, lá bí tiến hành xong, bà con các nhà đem rượu, thịt tới nhà rông để cùng chung vui. Trong thời gian diễn ra các nghi lễ vòng đời cây lúa, thì dân làng không được trao đổi, buôn bán với người ngoài. Chỉ khi làm xong nghi lễ này, mọi hoạt động mới được diễn ra. Và cũng kể từ khi hoàn thành nghi lễ này, người trong buôn làng và cả người các buôn làng khác mới có thể vào rẫy của nhau để hái rau quả mà không sợ thần quở phạt.

 

Khoảng tháng 9 dương lịch, người Xơ Teng lại nhắc nhau chuẩn bị cho lễ ăn mừng lúa mới. Khi ấy, các nghi thức chăm sóc, mời hồn lúa từ rẫy về nhà lại được diễn ra. Và theo người Xơ Teng, đó là một trong những nghi lễ lớn nhất và vui nhất của buôn làng.

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC