Bà góa đi cầu mưa
Thứ hai, 00:00, 04/04/2016

(VOV) - Trước đây, hệ thống mương phai chưa được xây dựng kiên cố, sản xuất nông nghiệp của người Thái phụ thuộc chủ yếu vào nước trời nên mùa màng bấp bênh. Thế nên bà con phải bày lễ cầu mưa.


Đồng bào Thái quan niệm: Vạn vật đều do trời cai quản. Con người cũng do trời phái xuống trần để xây bản, dựng mường. Cho nên khi hạn hán, con người sẽ tế các thần linh như thần rừng, thần mây, thần gió để trời cho mưa xuống.

 

Ông Lò Văn Phớ, ở bản Him Lam 2, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết:


- Ngày xưa, người Thái thường tổ chức cầu mưa khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch, năm nào hạn hán, không đủ nước cày cấy, đến mùa gieo hạt không có mưa. Người ta tế thần rừng. Có rừng mới có nước. Tế đến thần mây, thần gió, thần sấm làm mưa xuống. Các thần này khi nghe lời cầu thỉnh của con người mới cho mưa xuống, có mưa mới gieo trồng được, người dân mới có cái ăn.

 

IMG_20140315_093350 copy.jpg

Mâm lễ cúng cầu mưa của người Thái


Trước khi cầu mưa, bà con lựa chọn một goá phụ có tuổi làm trưởng đoàn và đại diện cho dân bản vì bà con quan niệm bà goá khi lên tiếng cầu mưa sẽ được trời thương tình, thấu hiểu hơn. Cộng đồng người Thái thường ít xúc phạm, làm tổn thương đến goá phụ vì sợ trời phạt vạ. Đi cùng đoàn là thanh niên trong bản. Nam thanh niên thì quẩy bung (một vật dụng chuyên dùng để gánh thóc), nữ thì đầu đội nón, đeo clếp (dụng cụ để đựng đồ đan bằng tre phụ nữ Thái hay dùng) đi từ đầu bản đến cuối bản. Bà goá thay mặt cả đoàn cất tiếng xin mưa.

 

Bà Tòng Thị Ban, ở bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, năm nay đã 90 tuổi, còn nhớ biết bài khấn cầu mưa như thế này: “Ở nhà đấy bà thím ơi, chúng tôi đến xin nước làm ruộng, đến xin nước mưa để cấy,  xin nước mưa để trồng ngô nếp, cây lúa trên nương đang chết khô vì hạn, men trên gác bếp khô giòn vì khói lửa... Xin cho hạt mưa to bằng quả vả, xin cho mưa to như quả muổi, để cho sông suối đều đầy ắp nước, cho nước tràn đầy ruộng, mưa cho nước ở núi củ chảy về bản, nước ở núi có chảy về mường...”.

 

Khi đoàn người đi cầu mưa đến từng nhà cầu xin, gia chủ đứng trên đầu cầu thang xí nặm (ngày xưa nhà sàn người Thái dành một góc đầu thang để chứa các ống nước gọi là xí nặm) hắt nước xuống tượng trưng cho mưa.  Nhà nào có hạt bông thì ném cả hạt bông xuống đoàn người đến xin mưa. Gia chủ té nước xong, có cơm, có thức ăn, nước uống thì gói cho đoàn, nam thanh niên có trách nhiệm đón nhận. Cứ như thế, đoàn người đi lần lượt các gia đình trong bản, liền 3 tối. Đêm kết thúc lễ cầu mưa bà con đến tụ tập tại bến nước trong bản, cùng nhau ca hát, đập nước, gọi mưa: mưa đi mưa đi... Những thực phẩm gom được từ các gia đình được bày ra, thưởng thức.

 

Đến nay tục cầu mưa của đồng bào Thái đen vẫn được lưu giữ ở một số vùng Tây Bắc, với mong ước về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.



Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC