Bản sắc người Dao Quần chẹt ở Ba Vì
Thứ sáu, 11:04, 10/09/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Xã Ba Vì là xã duy nhất trong toàn huyện Ba Vì, Hà Nội có người Dao Quần chẹt sinh sống. Với số dân khoảng 2.200 người, cộng đồng người Dao Quần chẹt chiếm đến 98% dân số trong toàn xã. Nhiều bản sắc của người Dao Quần chẹt đến nay vẫn được bà con gìn giữ.

Tín hiệu văn hóa người Dao ở chân núi Ba Vì

Tên gọi Dao Quần chẹt bắt nguồn từ trang phục của bà con vùng này. Con trai mặc quần trắng, quấn khăn. Con gái mặc áo thêu hoa văn cây tùng, con chim đậu... Đặc biệt, xà cạp quấn từ bắp chân đến đầu gối đích thị người Dao Quần chẹt. 

Xưa, người Dao Quần chẹt còn có tên gọi khác là Mán Sơn đầu vì tụ dùng sáp ong sơn đầu.

Mùa rùa trong lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh: langvietonline.vn

Người Dao Quần chẹt ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, một bộ quần áo của phụ nữ rất đắt tiền. Ngoài thêu thùa công phu, họ còn có trang sức 5 vòng cổ, dây xà tích quả đào, vòng tay. Đến chơi những dịp Tết, hay hội hè, lễ trọng, những sắc màu trang phục truyền thống ấy càng thêm rực rỡ ở các xóm nhỏ người Dao.

Sống ở vùng núi bán sơn địa, những ngôi nhà nửa sàn, nửa đất của người Dao Quần chẹt luôn ở thế đất cao, lưng tựa vào núi, mặt tiền hướng ra khoảng không rộng rãi. Bao đời, các thế hệ người Dao Quần chẹt vẫn dạy con cháu mình dựng nhà như thế cho tiện làm ăn.
Trước năm 1963, cộng đồng người Dao Quần chẹt chủ yếu sinh sống trên núi ở độ cao cốt 400 – 700m. Sau năm 1963, với chính sách định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, người Dao Quần chẹt hạ sơn. Từ đây, bà con biết cày bừa, làm ruộng nước, thay hẳn hình thái canh tác đốt nương làm rẫy xa xưa.
Nhưng dù đi đến nơi đâu, người Dao Quần chẹt luôn mang theo những cuốn gia phả ghi lại gốc tích của mình để răn dạy cháu con, luôn nhớ về cội nguồn, tiên tổ.
"Người Dao có gia phả, tức là người ta đi đến đâu người ta ghi đến đấy. Thậm chí, gia phả như của mình vào Hoàng Bồ ở bao nhiêu năm, sang Phú Thọ bao nhiêu năm, sang Ba Vì bao nhiêu năm có hết. Người Dao Quần Chẹt sang đây khoảng 800 năm, từ thế kỷ 13". - Ông Vượng nói.

Múa chuông trong lễ mừng nhà mới của người Dao quần chẹt. Ảnh: langvietonline.vn

Biểu tượng của dòng họ 

Truyền thuyết vượt biển của người Dao kể rằng, khi tổ tiên lênh đênh trên những con sóng để tìm nơi ở mới, bão to. Có thuyền bị thủng, người ta đã lấy con chó để chặn không cho nước tràn thuyền. Thoát nạn, người Dao một lòng tôn thờ con vật đã cứu nguy.
Trong mỗi nếp nhà người Dao Quần chẹt, nơi linh thiêng nhất là nơi thờ tự đặt ở góc tường gian nhà chính. Bàn thờ chỉ rộng 15cm, trên đó gia chủ treo 2 bức tranh thờ bằng giấy của người Dao. Ngoài biểu tượng tổ tiên, trên bức tranh thờ này người ta còn vẽ thuyền buồm, thuyền viên, những người chèo thuyền và cả con chó.
"Hai tranh nhỏ chỉ rộng 20 phân. Tranh thứ nhất vẽ thuyền buồm, chó. Tranh thứ hai vẽ những người đầu tiên sinh ra người Dao, tổ tiên của mình, sau đó đến con chó cứu nhân độ thế lần 2".
Người Dao Quần chẹt nổi tiếng với những bộ tranh thờ. Người ta sẽ treo tranh thờ trong những dịp lễ trọng như Tết nhảy, làm đám chay, cấp sắc và làm lễ trong tang ma.

Theo ông Lý Sinh Vượng, tranh thờ gồm 15 tấm tranh, rộng tầm 40 phân. Khi làm lễ, người ta sẽ treo đầy đủ. "Nó vẽ những biểu tượng người nào làm tướng, người nào làm quân…15 bức tranh biểu tượng cho 12 họ. Ngày xưa người Dao có 12 họ, nhưng giờ sang đây điểm lại có 15 – 16 họ. Họ Triệu có 6 họ Triệu khác nhau, lấy nhau được. Cũng là Triệu nhưng có Triệu con, Triệu đỏ, Triệu mốc, Triệu xanh, Triệu hạt, Triệu gói. Còn Dương, Phùng, Bàn, Đặng, Trịnh, Lý, Lăng…".

Ông Lý Sinh Vượng nói, tranh thờ không chỉ là biểu tượng của các dòng họ người Dao Quần chẹt, mà khi dòng họ làm lễ tạ mả khao tổ tiên, sự xuất hiện của tranh thờ cũng là một trong những điều kiện cần có để các dòng họ người Dao Quần chẹt được phép thực hiện nghi lễ này.

Người Dao treo tranh thờ trong Tết nhảy. Ảnh: nhandan.vn

Ăn Tết năm cũ
Tết đến xuân về có lẽ là dịp vui nhất của người Dao Quần chẹt. Từ đầu tháng 12 âm lịch, các gia đình người Dao Quần chẹt ở chân núi Ba Vì bắt đầu ăn Tết năm cũ. Đây cũng là thời gian người Dao gác lại một năm làm việc vất vả, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên để ăn Tết năm cũ, chuẩn bị đón Tết năm mới.
Trước ngày ăn Tết năm cũ, vào những ngày cuối tháng 11 âm, bà con người Dao Quần chẹt sẽ làm lễ hạ điền, tức trả lễ cho một năm làm ăn thuận lợi. Trong lễ đó, người ta tạ ơn thần linh, chúa đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, làm ăn tấn tới. Làm lễ trả xong, các gia đình người Dao Quần chẹt sẽ bước vào tháng ăn Tết năm cũ.
Ăn Tết năm cũ, nhà nào có điều kiện, anh em đông sẽ mổ hàng tạ lợn, làm cả chục mâm cơm mời họ hàng đến dự. Càng đông, càng vui, dòng họ càng gắn kết.
"Dòng họ người ta đến đông chứ. Ví dụ, 6 hộ gia đình ăn nhé, thì nhà chú có hai vợ chồng chẳng hạn thì đi hai nhà thôi còn 4 nhà kia thôi. Bắt đầu mùng 1 tháng 12 âm người ta ăn nếu có ngày 30 thì ăn hết ngày 29 là 30 người ta nghỉ. Đồng loạt nghỉ tất". 
Ăn Tết năm cũ cũng là dịp các gia đình mời tổ tiên về ăn Tết. Ngày tổ chức, với gia đình có bàn thờ riêng, họ sẽ bày 5 mâm lễ và mời 5 thầy về cúng. 

"Mâm lễ cúng cụ tổ có con gà sống thiến. Mâm lễ cúng ông bà có con gà trống đẹp. Lễ thứ 3 là lễ tổng hợp, cúng cả tổ tiên rồi ông bà, ông vải, những người gần nhất ví dụ chết trẻ chẳng hạn. Lễ thứ 3 mới có lợn. Lễ thứ 4 có cả lợn, gà cũng được, người ta cúng từ ông với bố đẻ ra mình. Còn lễ thứ 5 là cúng thần bếp, cúng gà thôi. Thần linh, chúa đất người ta cúng trong lễ đấy là đều có hết". 
Lớp học truyền thống
Sau khi ăn tết năm cũ xong, bà con người Dao Quần chẹt bắt đầu ăn Tết năm mới. Và có một truyền thống bao đời thực hiện: ăn Tết xong, những lớp học của người Dao lại được thành lập để giữ gìn văn hóa cha ông.
"Cứ mùng một Tết đến rằm người ta dạy cho con cháu. Con gái dạy thêu thùa, ban đêm dạy hát. Con trai thì học chữ Nho để biết được chữ của mình. Ngày xưa chưa mai một người ta có phong trào người ta học đông hơn, bây giờ mai một rồi cũng phải dạy bảo con cháu không thì nó không biết viết. Xã nhà chú hiện còn một thôn đang dạy ban đêm. Dạy thêu thùa phải dạy năm mới. Con trai người ta tranh thủ học ban đêm. Con gái học hai thứ: thêu ren, đan khăn. Bộ quần áo của con gái có rất nhiều thứ phải đan. Muốn bảo tồn để có những cái trang phục truyền thống của mình phải giữ lại. Con gái học bám vào mẹ, vào chị biết hát thì mình đến đấy học hát". 
Ông Lý Sinh Vượng bảo, trước kia những lớp học của người Dao rất đông, cứ 50 – 60 người một lớp. Nhưng ngày nay, do thầy dạy thưa dần, mọi người lại đi làm ăn xa nên khó tổ chức lớp, nên ngày Tết họ mới có dịp học chữ, học thêu thùa. Phần lớn, họ sẽ tổ chức giảng dạy trong gia đình. Các lớp học kéo dài đến rằm tháng Giêng sẽ kết thúc. 
"Học theo nhóm, học theo anh em, học theo bạn bè. Chữ viết được truyền dạy cho các đời sau này chữ đầu tiên là học cái chữ đầu tiên đấy là để dạy người đã. Đầu tiên là dạy sách nó thấp, kiểu như sách mẫu giáo, sách lớp một. Người ta dạy về lối sống, về cách làm người. Sau hiểu về lối sống, cách làm người của con người. Quyển sách đó tên là Nhân Chi Sơ. Học đầy đủ chữ Nho thì học sang Nôm, sang chữ Hát. Ví dụ hát hò năm mới, hay là sách vào đình, vào đám… là con người ấy sẽ hiểu được nhiều hơn. Những người mà người ta học nhiều, người ta biết chữ nhiều, biết các phong tục tập quán nhiều mà các loại đình đám nói đến đám gì người ta có thể vào cuộc được ngay thì những người đấy được bà con tôn sư, trọng đạo ác lắm. Đối với người Dao là người ta rất tôn trọng những người hiểu biết về phong tục tập quán, hai là chữ Nho, chữ Nôm, chữ Hát này…". - Ông Vượng cho hay.
Với người Dao Quần chẹt, học chữ không chỉ để biết viết, biết đọc mà còn để học làm người. Bởi thế, dù ngày nay cuộc sống có những thay đổi, các gia đình người Dao Quần chẹt vẫn tận dụng thời gian rảnh rỗi của tiết xuân để dạy cho con cháu mình chữ viết.

Và việc may vá, thêu thùa được rèn giũa đầu năm của họ cũng có lý do riêng. Đó là để gìn giữ được bộ trang phục truyền thống. Bởi, mỗi người Dao Quần chẹt khi chết đi, đều phải có cho mình bộ trang phục của ông bà. Như thế, khi về bên kia thế giới, họ mới được tổ tiên đón nhận.

Lâm Thanh/VOV4


 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC