Bếp lửa, không gian thiêng của người Tày
Thứ tư, 00:00, 11/01/2017 Tâm - CT,  P 2 ảnh Tâm - CT, P 2 ảnh

(VOV4) - Người Tày phải tìm đất tổ mối để làm bếp đun trong ngôi nhà sàn của mình. Và xung quanh bếp lửa còn nhiều câu chuyện linh thiêng, thể hiện tính nhân văn trong phong tục của dân tộc Tày.




 

Tìm đất tổ mối làm bếp

 

Ngày vào nhà mới cũng là ngày người Tày làm bếp. Vì ở nhà sàn, lại đun củi, nên khung đặt bếp thường được bà con kén chọn vật liệu kỹ càng. Khung bếp được làm bằng gỗ lý - một loại cây rắn chắc, khó bén lửa; hoặc bằng lõi của cây nghiến.

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư, người Tày ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn, cho biết: "Vào trong rừng sâu, rừng núi đá để lấy các loại củi nghiến, cây mạy thán, cây mạy phoòng. Các cây nghiến dẫu có to đến mấy nhưng cụt ngọn thì không bao giờ lấy. Cây phải có ngọn, vươn cao thẳng. Ngày xưa làm gì có cưa, mà phải dùng củi đốt ở gốc, rồi áng chừng cây gỗ này bao nhiêu ngày nữa thì đổ. Khi cây đổ, để đi dập lửa ở gốc, họ vác 2 cây chuối đi dập".

 

Khung bếp phải do người thợ khéo tay, lành nghề, và hợp tuổi chủ nhà đảm nhiệm. Người chịu trách nhiệm chính thi công ngôi nhà sàn, cũng đồng thời là người làm khung bếp.

 

Không gian trên bếp lửa là nơi để sấy thịt, treo hạt giống. Ảnh: BP

 

Khung bếp lửa của người Tày có hình chữ nhật. Chiều dài khoảng 2 sải chân, chiều rộng 1 sải, độ sâu quãng 1 gang tay. Hoàn thành khung bếp, bà con còn phải đan một cái vỉ bằng tre đặt xuống dưới, rồi bóc thân chuối rải một lớp lên trên. Nồi hông, chõ hỏng được đập nhỏ, trải lên trên lớp bẹ chuối, tiếp đến là lớp đất sét đã được làm tơi.

 

Theo ông Hoàng Tuấn Cư, đất sét phải lấy ở khu đầm trũng, cạn nước, nơi mà trước đây đã từng lấy đất làm ngói âm dương. Đất này phải được làm nhuyễn bằng cách cho trâu quần liên tục cả tuần: "Đất màu đỏ vàng, phải đào sâu khoảng 1m thì mới thấy loại đất ấy. Đất sét đánh tơi lên như tổ kiến, đến mức khi vun lên là đất nó tự từ từ chảy xuống. Đồng bào gọi là phui mật. Sau đó cho một chút nước rồi trộn. Cho nước vừa phải thôi, chứ nhão thì đắp bếp nhanh nhưng sẽ bị nứt, tạo khe hở dễ cháy gỗ ván ở phía dưới. Đất sét không được trộn với cát, không được để lẫn hòn đá. Nếu có đá, khi đun nóng, đá vỡ, sẽ làm hỏng bếp".

 

Người có nhiều kinh nghiệm làm bếp còn có thể chọn một loại đất đặc biệt khác. Trong rừng sâu núi đất, rừng rậm, lá xuống nhiều, có nhiều tổ mối. Chọn tổ mối đã đùn đất lên. Đất đó rất tơi, độ ẩm vừa phải. Gánh đất về, lại làm tơi một lần nữa, sau đó rải lên, đầm nhẹ. Độ dày của lớp đất này khoảng 15-20 cm.

 

Bà con giải thích rằng: làm bếp cẩn thận như vậy sẽ dùng được lâu dài, không tốn củi, và mới được thần bếp phù hộ. Mà được thần bếp, thần lửa phù hộ thì gia đình mới khỏe mạnh, ấm no.

 

Mọi công đoạn xong xuôi, ông chủ nhà đặt chiếc kiềng lên, đợi tới giờ Dậu thì bắt đầu nổi lửa. Đầu tiên là đun một nồi lá thơm để xông  bàn thờ tổ tiên.

 

Ngày nay, nhiều gia đình người Tày không còn dùng bếp củi, mà chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện. Thế nhưng, dù thế nào thì không gian ấm áp, linh thiêng của bếp vẫn được duy trì, và chiếc kiềng bếp từ ngày vào nhà mới vẫn vững chãi ở vị trí đó.

 

Trong ngôi nhà sàn của người Tày, bếp thường được đặt ở phía trong cùng của gian chính, sau bàn thờ tổ tiên. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, đó là một không gian đầm ấm và linh thiêng của người Tày.


 

Phụ nữ không bao giờ được ngồi phía trước bếp.  Ảnh: BP

 

Nơi linh thiêng và những điều cấm kị

 

Trong gian bếp của người Tày, bao giờ cũng có một bàn thờ, bà con vẫn gọi là bàn thờ thần bếp và thần lửa. Bàn thờ này được làm khá đơn giản, bằng khung tre, dài 50cm, chiều rộng 20 cm, treo bên cạnh bếp. Bát hương cũng bằng ống tre.

Ngày vào nhà mới, bà con mổ một con lợn, làm cơm dâng cúng tổ tiên và cúng thần bếp lửa. Chị Hoàng Thị Viện, ở Tràng Định (Lạng Sơn) kể rằng: phải cho thần bếp ăn bánh, ăn thịt và uống rượu vào ngày lễ, tết. Mùng 1, hay 15 thì đều phải thắp hương. Thắp hương bàn thờ thì cũng phải thắp bát hương ở bếp.


Cửa bếp lửa, nơi đưa củi vào phải hướng về phía sau, chứ không được quay về hướng cửa ra vào. Và đã thành quy tắc, mà bất cứ người Tày nào cũng nằm lòng là phụ nữ bao giờ cũng ngồi ở phía sau. Nhà chưa thôi tang, cô dâu mới của hàng xóm, người chửa đẻ còn ở cữ, họ tự biết là không được vào gian bếp.

Khi đun bếp, chủ nhà phải tuân thủ nghiêm những điều kiêng kị, như đưa củi vào bếp thì không được đưa phần ngọn vào trước. Không được cho lá tươi vào bếp, vì làm vậy thì sau này mặt mũi dễ bị héo úa!

 

Bên bếp lửa, người đàn ông được ngồi ở phía trước, sát với bàn thờ. Còn phía đối diện và hai bên bếp là chỗ dành cho phụ nữ. Ai chẳng may phạm phải quy ước ấy, phải mua gạo xôi, con gà và một chút rượu trắng về cúng tạ lỗi với thần bếp.

 

Trong gian bếp của người Tày thường có 2 bếp, là bếp chính và bếp phụ. Bếp chính dùng để nấu ăn hàng ngày. Còn bếp phụ, thường được đắp như bếp lò, dùng để nấu rượu và nấu cám lợn. Nấu cám lợn trên bếp chính là điều mà người Tày rất riêng. Thậm chí thịt trâu, thịt bò thì không được xào ở bếp chính, mà phải xào ở ngoài sân, ngoài vườn. Người nhà nếu có ăn thì về nhà cũng không được nói là đã ăn thịt trâu, thịt bò.

 

Chị Hoàng Thị Mến, ở Chi Lăng, Lạng Sơn, còn bảo ban con cháu mình rằng: "Trước đây, người già thường hơ quần áo bên bếp lửa, thì cũng kiêng không cho họ khác về phơi lên bếp nhà mình".


Người Tày ở Văn Quan kể với nhau câu chuyện: khi gia chủ đang cất rượu, thì rất kiêng người lạ đi vào bếp. Ai đó chẳng may vô tình đi vào, thì không hiểu sao rượu ngừng chảy. Lúc đó, người khách phải tìm cách hóa giải bằng cách xởi lởi đi vào, thò tay vào chậu nước để làm nguội, sau đó cúi xuống đẩy củi vào và khen: ôi, chắc là được nhiều rượu lắm đây!

 

Muốn đắp bếp, hay sửa bếp, người Tày thường phải chọn ngày lẻ - tháng chẵn, hoặc ngày chẵn - tháng lẻ âm lịch. Sửa bếp cũng phải sửa lễ cúng trước khi tiến hành.

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Tâm - CT, P 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC