(VOV4) - Lẩu Then hay lẩu Pựt là các hình thức cúng thần linh do các thầy Then, thầy Pựt thực hiện, nhằm kết nối giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình. Các thầy có khả năng liên hệ với các vị thần trên mường Trời để cầu chữa bệnh, cầu tuổi thọ, cầu sự bình an cho con người nơi trần gian. Người Tày tin các vị thầy này có khả năng sai khiến âm binh làm việc cho mình.
Theo nghệ nhân Mông Văn Hoàng (Định Hóa, Thái Nguyên) thì lẩu Then hay lẩu Pựt đều giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về quá trình diễn xướng. Đồ nghề phục vụ cho các nghi lễ trong Then và Pựt cũng có nhiều điểm khác:
"Then xuất phát là từ văn hóa bản địa, Pựt là văn hóa Phật giáo đã được đồng hóa, người ta dịch ra tiếng dân tộc là Pựt (ông Bụt). Thầy Then là phải có đàn, làm Pựt không có đàn. Làm thầy Pựt chỉ có mỗi cái chuông thôi, gọi tất cả ở trên trời xuống. Làm Then vất vả, mồm hát, tay đánh đàn, chân xóc nhạc. Bài cúng cũng như thế, nhưng hát Then, hát Pựt khác nhau.Do tính chất của mỗi nghi lễ mà gia chủ cần cân nhắc tới việc mời thầy nào cho hợp lý với điều kiện kinh tế của gia đình".
Thầy Pựt làm lễ. Ảnh: baomoi.com
Ông thầy Pựt cần lễ vật lớn. Khi thầy làm lễ xong, chủ nhà phải tốn bao nhiêu đôi gà, bao nhiêu cân lợn hậu tạ vì thầy phải khao quân, báo với tướng bề trên. Còn với ông Then, một gia đình kinh tế không được dư dả cũng có thể đáp ứng được những yêu cầu lễ vật của thầy. Trong tâm lý của người Tày, khi ốm đau, ông thầy Then đến, nghe tiếng đàn, nghe lời thầy cầu nguyện mà người được cúng thấy an tâm hơn, khỏe mạnh hơn, tin tưởng hơn.
So sánh về uy tín hay thầy Then, thầy Pựt cao tay hay không, người tai tính đến số lượng âm binh mà các thầy có thể sai khiến. Ban đầu, thầy thường chỉ có 360 quân bảo vệ. Thầy đi đâu âm binh theo đó, để bảo vệ và nghe sự chỉ đạo của thầy.
Điều này được nghệ nhân Then Lưu Xuân Lai (Định Hóa, Thái Nguyên), giải thích: “Cấp tăng tháp thì có 3.600, còn cáo lão thì có 36.000 quân. Quân đi theo đến cổng làng là đặt người gác, vào đến cửa nhà là phải có quân gác. Nếu mà đi xa, phải mang nhiều quân bảo vệ các ngả đường. Còn đi gần, chỉ cần gác cổng ngoài, thì hai người thôi. Còn vào cửa nhà, yêu cầu 4 người lính ngồi 4 góc, tôi ngồi giữa. Ai vào đây tôi đuổi ra ngoài, không được quấy”.
Khi đi cúng, thầy Then, thầy Pựt không có âm binh sẽ rất nguy hiểm, bởi theo quan niệm dân gian thì có nhiều thầy Mo, thầy Then cao tay khác có thể sẽ làm hại. Do vậy, cần có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Thường các thầy Then, thầy Pựt nếu đi xa, thì luôn chọn quân dữ dằn, còn quân ở nhà thường là quân hiền lành.
'Những gia đình có người ốm đau, người ta mời mình đi, thì mình phải mang quân đi theo để bảo vệ mình. Ví dụ đang ngồi mà không có quân, thì người khác cũng làm thầy, người ta giỏi hơn, "trâu buộc ghét trâu ăn, quan võ ghét quan văn dài quần”. Mình không có quân ác, thì có khi tự dưng có một con rắn bò quanh mâm của mình, rắn hổ mang to lắm. Con gà của nhà chủ ấy, gà chín đặt trên bàn, tự bay xuống mâm ông thầy này" - thầy Then Lưu Xuân Lai nói thế.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận