Cả chục gia đình ở ngôi nhà dài tít tắp - ấy là mẫu hệ!
Thứ ba, 00:00, 19/07/2016 Huệ bt .1 Huệ bt .1

(VOV4) - Trong số các tộc người cư trú ở vùng Trường Sơn, Tây Nguyên, Ê đê là tộc người theo chế độ mẫu hệ điển hình. Hôn nhân cư trú bên nhà vợ. Con gái phải đi hỏi chồng. Chỉ có dân tộc Ê đê có những ngôi nhà dài hàng mấy chục mét với nhều gia đình cùng 1 dòng họ ngoại chung sống.

 

Tính chất mẫu hệ Ê đê thể hiện rõ trong hôn nhân gia đình với vai trò quan trọng của người phụ nữ. Họ là người chủ động tạo lập gia đình, quản lý gia đình, quản lý tài sản, phân công lao động cũng như chăm lo cuộc sống cho cả gia đình.Theo ông Ama Vi ở  Tp  Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, thì các cô gái Ê đê khi đến tuổi trăng tròn thường chủ động đi tìm bạn đời. Sau lễ cưới, chàng trai về ở bên nhà vợ. “Con gái muốn lấy chồng là đi hỏi con trai. Nó thích rồi là mời ông cậu của con ấy làm lễ trao vòng, rồi sau đó, nhà gái chuẩn bị các đồ lễ rồi cưới. Người Ê đê có con gái là người ta mừng. Vì sau này có con rể, nó theo cái mẫu hệ. Con gái cưới chồng là nó theo họ mẹ”.

 

 

Các cô gái Ê đê khi đến tuổi trăng tròn thường chủ động đi tìm bạn đời.  Ảnh:baomoi.com

 

 

Như vậy là người con gái hoàn toàn chủ động trong hôn nhân. Yêu ai, thích ai thì làm quen, chàng trai ưng thì về thưa với cha mẹ. Rồi họ sẽ nhờ ông mối đem chiếc vòng đồng sang nhà trai để hỏi chồng. Khi chàng sờ tay vào chiếc vòng đồng, nghĩa là đã thuận lòng, người ta sẽ làm lễ nhận vòng. Từ đó, hai người mới đi lại, tìm hiểu nhau. Hai nhà chính thức là sui gia, cùng bàn bạc, thỏa thuận sính lễ. Chị H’Hoa Niê, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, kể: “Trước khi cưới chồng về thì cũng có quá trình tìm hiểu và phải quen biết nhau, rồi hẹn hò. Khi đã chấp nhận rồi thì mình phải đi hỏi nhà trai, mang các lễ vật”.

 

Thuở xưa, có trường hợp nhà trai thấy nhà gái giàu có bèn thách cưới rất cao. Nào 1 con trâu biếu bố chú rể, nào 8 bát bằng đồng tặng mẹ chồng. Còn nếu nhà gái nghèo quá, không sắm được lễ vật thì trước khi cưới chồng về phải đi “làm giàu” cho nhà chồng. Làm giàu nghĩa là như thế nào? Chị  H’Oan Mlô, ở xã Ea Hồ, huyện K’rông Năng, giải thích: “Đi làm giàu có nghĩa là đi ở bên nhà chồng 2 hoặc 3 năm xong mình kêu chồng mình về nhà mẹ. Như là để trả công ơn bố mẹ chồng. Mình phải làm giúp bố mẹ chồng”. Chuyện làm giàu này có vẻ như tương tự chuyện ở rể ở các dân tộc hôn nhân phụ hệ.

 

 

Trong gia đình người Ê đê, tiếng nói của người phụ nữ đặc biệt được coi trọng. Ảnh:baomoi.com

 

Trong gia đình người Ê đê, tiếng nói của người phụ nữ đặc biệt được coi trọng, nhất là người phụ nữ lớn tuổi. Làng mở hội, khui ché rượu quý, người được mời đầu tiên chính là người phụ nữ cao tuổi nhất làng. Họ là chủ gia đình. Tuy nhiên, không có nghĩa là họ đơn phương ra quyết định mà thường vẫn có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng, điều mà chị H’Oan Niê gọi là “Phải hỏi ý kiến nhau, từ việc nhỏ, việc lớn đều hỏi cả hai vợ chồng, không tự mình quyết định. Xưa cũng thế, bây giờ vẫn vậy”.

 

Theo truyền thống, người con gái út trong gia đình Ê đê thường là người thừa kế tài sản gia đình mẫu hệ, đồng thời có trọng trách chăm lo săn sóc bố mẹ khi về già. Chị H’Hoa Niê là con gái út trong gia đình, cho nên xác định rõ vai trò của mình theo phong tục: “Là con út thì mình luôn luôn mong mỏi bố mẹ sống thật lâu dài. Mình  là người kế thừa và sau này sẽ là người nuôi dưỡng bố mẹ mình. Mình  có trách nhiệm giữ gìn tài sản. Và đặc biệt hơn nữa sẽ phải chăm sóc kỹ càng bố mẹ mình. Các anh chị khác cũng đều có trách nhiệm đối với bố mẹ. Có ra ngoài ở thì đều có trách nhiệm về thăm bố mẹ, chăm sóc tận tình. Nhà cửa, của cải vẫn chia cho các chị em khác. Thế nhưng con gái út sẽ được hưởng nhiều hơn, nhà cửa, tiền bạc và kỷ vật của bố mẹ”.

 

Ngày trước, nếu người mẹ là chủ bến nước thi khi bà qua đời, người con gái út sẽ thay mẹ làm chủ bến nước. Chả là người Ê đê xưa, trước khi lập làng mới, họ thường cử người có uy tín, người bà đứng đầu dòng họ đi tìm bến nước cho cả làng.

 

 Mẫu hệ ở ngôi nhà dài “như tiếng chiêng ngân”

 

Không chỉ biểu hiện rõ nét trong quan hệ hôn nhân, tính chất mẫu hệ Ê đê còn thể hiện khá đậm nét trong cấu trúc, trang trí của ngôi nhà sàn dài, nhất là thiết chế xã hội của đại gia đình Ê đê. Ở Tây Nguyên, chỉ người Ê đê có nhà sàn dài. Đó là nơi sinh sống của đại gia đình mẫu hệ. Nhà dài trông giống như một con thuyền, trên phình ra, dưới thót lại và chia làm nhiều gian. Mỗi gian là không gian riêng của một cặp vợ chồng. Chị H’Oan Mlô tự hào về ngôi nhà dài riêng có của dân tộc mình: “Hồi xưa nhà dài như thế này, người ta sống nhiều thế hệ, nhưng là 1 dòng họ. Nhưng họ phải ăn riêng. Nhà của ông ngoại, bà ngoại mình trước dây rất là dài, mười mấy gian, cái K’Pan đặt ở gian khách cũng  dài đến 15 mét”.

 

 

Ngôi nhà dài truyền thống của người Ê - đê. Ảnh:baomoi.com

 

Ngôi nhà sàn dài Ê đê tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội có 9 gian. Gian nào cũng có cửa sổ. Chị H’Hoa Niê nói rằng cánh cửa sổ khép hay mở là tín hiệu hôn nhân của người con gái trong gia đình đó. “Nếu cửa sổ mà đang mở thì người con  gái trong gia đình chưa lấy chồng. Thế nhưng khi lấy chồng rồi thì cánh cửa đó sẽ khép lại”.

 

Xưa, có ngôi nhà dài hàng trăm mét và dung chứa hàng chục gia đình. TS Lưu Hùng, nhà nghiên cứu dân tộc học, cho rằng: “Nhà dài Ê đê là yếu tố văn hóa vật chất điển hình của thiết chế xã hội mẫu hệ. Theo truyền thống thì nhà dài là nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ. Những gia đình đó thường là của 1 ông bà tổ sinh ra, cỡ một vài chục bếp thì trước đây là phổ biến. Trên đó nó phơi lộ ra, nó thể hiện đầy đủ cái yếu tố văn hóa mẫu hệ. Ví dụ như cái cầu thang ván hoặc 1 số các cây cột ở gian khách được tạc, lộ rõ đôi bầu sữa của người phụ nữ. Đó là dấu hiệu rất đặc thù, nhìn vào đó là người ta thấy yếu tố mẫu hệ rất rõ ràng. Nó có những trang trí như hình trăng non rất đặc sắc”.

 

Đôi bầu sữa mẹ và hình trăng khuyết được tạc ngay tại cầu thang chính của ngôi nhà, ở phía trước ngôi nhà, gọi là cầu thang Cái, cầu thang dành cho khách và những người đàn ông.

 

 

Chiếc trống H’Gơr – biểu tượng cho người bà quyền uy trong gia đình

 

Khi trống H’Gơr chưa lên tiếng thì chiêng không được âm vang

Tính chất mẫu hệ Ê đê còn thể hiện ở cả ở hệ thống nhạc cụ Ê đê, trong diễn  tấu chiêng, trống ngày lễ hội.

Dàn cồng chiêng Ê đê không thể thiếu chiếc trống H’Gơr – biểu tượng cho người bà quyền uy trong gia đình. Và thường thì nó  mang tên 1 người phụ nữ có uy tín, đã khuất. Theo NSUT Vũ Lân, chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, thì khi diễn tấu cồng chiêng Ê đê cùng với trống, bao giờ trống H’Gơr cũng đóng vai trò chỉ huy, giữ nhịp, là hiệu lệnh để cả dàn chiêng cất tiếng: “Ngay cả trong cách diễn tấu chiêng thì cũng có cái quan niệm rất rõ trống là người bà. Chiêng cứ đánh. Nhưng hiệu lệnh bắt đầu hay dừng bài chiêng là cái trống. Nghệ nhân diễn tấu trống cứ đánh 2 tiếng một, đuổi nhau, đuổi nhau là chiêng bắt đầu vào. Vào thì chiêng K’Nati là con gái lớn là cất tiếng trước, chứ không phải đàn ông được cất tiếng trước đâu. Trong quá trình diễn tấu bài chiêng ấy thì trống vào 3 lần. Nhưng đến lần thứ 3 dứt là 3 tiếng trống ngắt. Cái trống chính là biểu trưng cho người bà, người phụ nữ có uy tín nhất trong dòng tộc”.

 

Chỉ riêng Ê đê Bhi, phụ nữ đánh chiêng

 

Trống H’Gơr, 1 mặt trống được bịt bằng da trâu đực, mặt kia bịt  bằng da trâu cái, đặt trang trọng trên chiếc K’pan – chiếc ghế thiêng của người Ê đê. Bao giờ mặt trống bịt bằng da trâu cái cũng để quay ra cửa chính như chính quyền uy của người bà mà nó biểu tượng.

 

Bà Ngô Thị Kim Cúc, nguyên GĐ Bảo tàng tỉnh Đắc Nông, với những nghiên cứu của mình, cho biết trong 5 nhóm Ê đê ở Tây Nguyên thì nhóm Ê đê Bhi tính chất mẫu hệ nổi bật nhất. Ở các nhóm khác chỉ đàn ông đánh chiêng, riêng nhóm Ê đê Bhi ở buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, thì diễn tấu chiêng, trống trong các lễ hội nhất định phải là phụ nữ. Đội chiêng nữ Buôn Trấp có 7 người, 6 người đánh chiêng và 1 người đánh trống H’Gơr dẫn nhịp. “Phụ  nữ Ê đê Bih thể hiện cái quyền lực và trách nhiệm của họ trong gia đình và ngoài xa hội rất rõ nét. Mọi việc trong gia đình là người phụ nữ, vừa làm chủ kho lúa, chủ bếp lửa, vừa là người chăm sóc gia đình, chồng con. Trong các lễ hội, các bà, các chị đi đầu trong diễn tấu chiêng, trống. Một đội có 6 cái chiêng gọi là chiêng Zô, 1 cái trống H’gơr.  7 người phụ nữ cùng thể hiện luôn”.

 

Ngày trước, người phụ nữ lớn tuổi bao giờ cũng được mời uống rượu trước. Trước đây, gia đình nào cũng có 1 đám rẫy “thiêng” trồng lúa chỉ dùng để cúng thần linh, tổ tiên. Không ai được vào đám rẫy đó, trừ bà chủ nhà, từ đốt rẫy, gieo hạt, chăm sóc cho đến khi gặt hái, đem lúa về nhà đều do một tay bà làm. Thậm chí hồn lúa trong tâm thức Ê đê cũng là 1 cô gái, cô gái vô cùng xinh đẹp, nết na. Có lẽ hiếm cộng đồng nào mà người phụ nữ ở không gian nào cũng là “trung tâm” như ở tộc người Ê đê!

 

Bài tiếp theo: "Mẫu hệ Ê đê bây giờ có còn?"

 

Minh HUệ/VOV4

 

Huệ bt .1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC