Thần Nhím, thần Kiến – các vị thần bảo hộ cuộc sống
Trong tín ngưỡng của người Pa cô có thần Kiến. Đây là vị thần đã chở che, cứu vớt người Pa cô trong đại nạn xa xưa. Theo truyền thuyết của người Pa cô, xưa họ chỉ có cây rừng tên a rựu làm thức ăn, cái đói bủa vây. Nhờ có kiến đem hạt lúa tặng cho con người, người Pa cô nhờ thế mà thoát nạn.
Họ bỏ cây a rựu để trồng lúa, đời đời con cháu người Pa cô được ấm no. Chính vì vậy, trong các nghi lễ của người Pa cô, bao giờ họ cũng mời thần kiến về để tạ ơn.
Nghi lễ A tan Pa nuôn - lễ tạ ơn vị thần linh tạo ra của cải vật chất cho bản làng Pa cô no đủ. Ảnh: baothuathienhue.vn
Ông Kray Sức, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, cho hay: “Người Pa cô quan niệm nhờ có kiến mới có cây lúa. Không biết con kiến tha từ đâu đến. Bởi thế hàng năm mình phải cúng tế cho con kiến. Nếu mình không cúng, kiến sẽ phá mùa. Khi mình trỉa xong, kiến sẽ chuyển đi. Đó là cách nhìn để tăng thêm niềm tin đối với cây lúa và trọng con kiến”.
Ngoài thần Kiến, người Pa cô còn nhờ có thần Nhím mới thoát khỏi nạn đói năm nào. Thần Nhím đã hy sinh chính con cháu mình để loài người sống sót. Nhớ ơn cứu vớt của thần Nhím, người Pa cô cúng thần.
“Truyền thuyết ngày xưa nói rằng con người và thú lúc đó như nhau và cũng biết nói chuyện với nhau. Khi loài người khát đói, nhím sẵn sàng giúp đỡ. Giúp đỡ bằng cách nộp mạng cho người, khi cam kết kết nghĩa: các người cứ ở nơi cửa, bọn tôi ra là các người cứ bắt” - ông Kray Sức nói.
Ngày trước, khi người Pa cô còn săn bắt muông thú trong rừng, mỗi khi đi săn nhím, bao giờ họ cũng phải cúng thần Nhím để xin phép thần, sau đó các hoạt động săn bắt mới diễn ra. Trong nhà có người ốm đau, họ cúng thần Nhím, mong thần bảo vệ.
Thần Lửa, thần Mưa – vị thần khí hậu
Năm trời đại hạn, con sông con suối bị vắt khô, nương sắn nương ngô đất nứt nẻ, năm ấy, người Pa cô phải tế thần Lửa, mong thần ban mưa.
Họ cho rằng thần Lửa là một vị thần dữ tợn, hung hăng, loài người làm phật lòng, thì vị thần này sẽ làm rừng cháy, nhà cửa cũng bị thiêu rụi hoặc hạn hán khắp nơi. Mỗi lần như vậy, người Pa cô lại cúng thần lửa để xin thần tha thứ hoặc ban ơn.
Người ta sẽ chặt cây chuối giả làm trâu bò, giả làm xôi đem bày thành mâm lễ đặt ở ngoài đường. Phụ nữ mặc trang phục được tết bằng rơm, bằng lá rồi hò reo nhảy múa xung quanh. Thần Lửa động lòng thương xót ban mưa xuống.
“Ngày xưa người Pa cô mình phụ nữ kiêng nhảy múa ngoài đường. Nhưng người ta tổ chức như thế để thần Lửa cười, ông chảy nước mắt, ông thấy tội, ông thương tâm là thành mưa đó. Con gái kể khổ để ông trời thấy được dưới trần cả phụ nữ cũng khổ. Nữ giới nhảy ra múa ở ngoài đường đội rơm, đội lá thấy thương tâm lắm. Ông khóc ra mưa" - theo ông Kray Sức.
Người Pa cô cũng có thần Mưa để ban tiết trời yên ấm, hài hòa, để vạn vật sinh sôi, mùa màng thuận lợi. Khi ngập lụt, mưa bão liên miên, người Pa cô sẽ cúng thần Mưa để được thần cứu giúp.
Còn rất nhiều vị thần khác như thần nhà cửa, thần cây, thần sông, thần suối, thần che chở cho việc buôn bán…. Người Pa cô tin rằng, mỗi vị thần đều bảo vệ cho cuộc sống của cộng đồng.
Thậm chí, người Pa cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có một vị thần bản mệnh, bảo vệ thân thể, cuộc sống của riêng mỗi người Pa Cô. Người Pa cô gọi là Giàng Cợt.
Chị Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Với người Pa Cô, cha mẹ phải sắm cho đứa con khó nuôi đó một hột mã não. Chỉ con đó được đeo thôi, không cho người khác được, bởi vì đó là do Giàng Cợt. Cợt ngự trị và bảo vệ con của mình, không được mang hột mã não đó cho người khác".
Các vị thần ở trong tâm thức của đồng bào Pa Cô. Những dịp như Tết A Za (Tết cơm mới), cầu mùa, người ta sẽ tạ ơn các vị thần.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận