Cái vía hay đi lạc của người Thái
Thứ sáu, 00:00, 05/08/2016

(VOV4) - Ốm tương tư: cầm vía, hay giật mình: cầm vía, ma chay: cầm vía... Trong đời, mỗi người Thái trải qua ít nhất một lần cầm vía. Đây có cũng có thể coi là một khát vọng cho một cuộc sống an bình của người Thái.

 

Theo ông Vi Văn Viễn, Phó trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thì người Thái quan niệm mọi thứ đều có linh hồn. Nếu hồn thất lạc, hay trú ngụ ở đâu đó, thì phải tiến hành nghi lễ cầm vía bằng cách cúng bái, để đưa hồn trở lại.

 

Người Thái quan niệm từ cỏ cây hoa lá cho đến các vật dụng sinh hoạt hằng ngày đều có hồn có vía. Nhất là con người, người Thái quan niệm có 80 hồn, trong đó 50 hồn ở phía sau và 30 hồn ở phía dưới. Sở dĩ con người hoạt động được là do các hồn đó trợ giúp cho thể xác. Một khi hồn nào đó, như hồn ngón chân, ngón tay, hồn mắt... lưu lạc ở một nơi nào đó thì chắc chắn bộ phận đó sẽ yếu đi. Quan trọng nhất với người Thái là hồn khoáy chỏm ở trên đầu, hồn này điều khiển tất cả những bộ phận ở trong cơ thể.

 

 

Buộc chỉ cổ tay là một nghi thức cầu an của người Thái.  Ảnh: baomoi.com

 

Từ khi sinh ra cho đến khi về với mường trời, người Thái ít nhất phải một lần làm lễ cầm vía. "Với trẻ mới sinh, nghi lễ cầm vía có sự phân biệt rõ giữa bé trai và bé gái. Trẻ chào đời nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì người ta nghĩ hồn của đứa trẻ có thể nó bị giật mình, cho nên phải tổ chức lễ cầm vía để cho đứa trẻ hòa nhập với môi trường mới cho đứa trẻ mạnh khỏe. Trong nghi lễ cầm vía của trẻ ấy, còn có các dụng cụ săn bắn, hái lượm, rồi các công cụ lao động sản xuất, cung tên, búa rìu với con trai, con gái lại gắn liền với các dụng cụ dệt, xúc cá... phù hợp với từng giới tính" - ông Viễn cho biết.

 

Những trường hợp phải cầm vía rất phong phú, đa dạng, diễn ra ở bất kỳ đâu, trong bất cứ hoạt động nào trong đời sống sinh hoạt của người Thái. Đối với người lớn, đi qua con suối, qua hòn đá trơn bị trượt chân, hoặc khi tắm nhìn thấy một vật thể lạ nào làm giật mình, người ta cũng tổ chức làm vía. Có những hiện tượng như thế xảy ra, thì người Thái nghĩ cái vía của mình cũng bị dao động hoang mang, nó sẽ bị thất lạc, hoặc bị thần ma bắt đi. Khi đó, các ông mo có trách nhiệm làm vía để đi gọi hồn đó về với thể xác..

 

Theo ông Vi Văn Viễn, việc cầm vía không chỉ dành cho những người đang sinh sống trong cộng đồng người Thái, mà với cả những người đi xa. Khi ấy, chỉ cần có một chiếc áo cũ của người cần làm vía hay mặc thì vẫn có thể tiến hành được: “Những người bộ đội ở chiến trường đêm hay nằm mơ thấy những người đã mất ấy, gia đình ở hậu phương lại phải mời thầy mo về tổ chức cúng, rồi tổ chức cầm vía cầu mong cho những người ở chiến trường hồn luôn luôn gắn chặt với thể xác, để chân tay lúc nào cũng linh hoạt, mắt lúc nào cũng tinh nhanh, chân lúc nào cũng mạnh khỏe để chiến thắng kẻ thù - đó là cầm vía cho người ở xa, ở xa nhưng vẫn có một cái áo để lại ở nhà”.

 

Nghi thức cầm vía với người già cũng vậy. Nếu như ông bà, bố mẹ bị ốm đau, lú lẫn, nhiều khi không nhớ đường về nhà, thì  người Thái cũng nghĩ là vía đã bỏ đi, cần phải gọi vía về. Đây cũng là một cách để con cháu tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, mong cho họ luôn khỏe mạnh, sống lâu. Còn nếu như ông bà, cha mẹ mất đi, người Thái cũng tổ chức cầm vía để người thân sớm tìm được đường về với tổ tiên, hồn vía thanh thản với cuộc sống mới nơi mường trời.

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC