Cây lúa rất quan trọng với người Xơ teng
Thứ sáu, 00:00, 02/12/2016

(VOV4) - Đời sống của người Xơ teng gắn liền với nương rẫy. Do đó, họ có nhiều nghi lễ liên quan tới nương rẫy như ăn cơm mới, cúng hồn lúa, cúng trỉa lúa hay nghi lễ ăn lá lúa lá bí. Người Xơ teng có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh cây lúa.





 

Theo TS A Tuấn, thuộc Viện nghiên cứu văn hóa- Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, thì đặc điểm văn hóa nổi trội người Xơ teng, cũng giống như các tộc người Tây Nguyên khác, chính là tín ngưỡng đa thần. Bà con quan niệm mỗi gốc cây, ngọn cỏ, con suối, các dụng cụ lao động sản xuất… đều có linh hồn. Và cây lúa cũng vậy. Hồn lúa nằm ở những khu rẫy thiêng. Để nhận biết sự tồn tại của hồn lúa thật dễ dàng:

 

"Khi một bông lúa chín, nếu xuất hiện màng nhện quanh bông lúa, họ sẽ cắt bông lúa đó về để trong kho lúa và cho rằng màng nhện đó chính là nơi hồn lúa trú ngụ. Trong kho lúa của người Xơ teng, trên nóc kho lúa sẽ thấy người ta treo các bông lúa có màng nhện bọc quanh".

 

 

Trong kho lúa của người Xơ-teng sẽ có những bông lúa có màng nhện bọc quanh. Ảnh: baomoi.com

 

Và hồn lúa cũng có lúc dỗi, lúc hờn, biết buồn chán. Và nếu buồn chán, hồn lúa sẽ rong chơi, thậm chí quên đường về.

 

"Nhiều khi hồn lúa cũng bị thất lạc hay mải mê đi chơi thoát khỏi màng nhện đó. Lúc mà cái màng nhện đó có một lỗ bị rách thì họ cho rằng hồn lúa buồn chán thoát ra để đi chơi. Chính vì thế,  trước khi trỉa lúa thì người ta làm một cái lễ gọi hồn lúa về, để cho kịp mùa sản xuất" - TS A Tuấn nói.

 

Để cây lúa sinh sôi, phát triển thì chắc chắn phải cần đến nước, nhưng với người Xơ teng lại khác. Khi gần đến ngày trỉa lúa, họ không bao giờ dùng nước sông, nước suối để làm ướt những bông lúa, mà chỉ sử dụng nước đọng trong các ống tre, nứa, lồ ô., phải là nguồn nước tự nhiên. Điều này gắn với một câu chuyện khá thú vị xoay quanh mối tình tay ba giữa thần sấm sét, thần lúa và thần nước:

 

Thần sấm sét lấy thần lúa nhưng thần sấm sét là người trăng hoa, cho nên lúc thần lúa ngủ đông thì thần sấm sét đi lăng nhăng với thần nước. Tây Nguyên vào mùa đông  những khe suối nước rất là ấm. Lý do nước ấm là do thần sấm sét đang ngủ với thần nước. Chính vì thế, thần lúa rất ghét nước.

 

Nghi thức cúng lúa của người Xơ-teng.  Ảnh: baomoi.com

 

Với người Xơ teng, thần lúa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Thần lúa cho thóc đầy kho, đầy gùi. Do vậy, xung quanh những khu rẫy thiêng, người Xơ teng trồng các loại cây mọc nhanh, có nhiều bông, nhiều nhánh như hành hay hoa mào gà, với ngụ ý làm “nhân tình” cho lúa. Ngay cả những cây dùng để chọc lỗ tra hạt, khi dùng xong cũng được cắm lại đó như một người bảo vệ cho cây lúa.

 

Người Xơ teng  yêu cây lúa, trân trọng, tôn kính thần lúa. Vì vậy, khi chưa thực hiện các lễ nghi cho cây lúa thì tuyệt đối chưa thể thu hoạch hoặc xâm phạm vào những khu vườn, khu rẫy của nhau. Một quy định ngầm nhưng rất chặt chẽ, thậm chí mang tính thiêng. Ai cũng tin rằng, nếu làm trái sẽ gặp những hậu quả khôn lường. Điều này được thể hiện khá rõ trong nghi lễ ă lá lúa, lá bí.

 

Khi chưa làm lễ thức xóa bỏ kiêng kỵ thì người trong làng không được phép bước vào khu rẫy của người khác và cũng không được hái bất kỳ một loại hoa quả nào chủ đó trồng. Nếu bạn bước vào, nếu một người lạ vô tình bước vào, tai họa sẽ ập đến với gia đình đó. Người Xơ teng họ tự ngầm hiểu với nhau rằng khu vườn đó đã có chủ rồi, có những điều cấm kỵ rồi, nếu mình lỡ chân bước vào sẽ bị trừng phạt.

 

Theo tiến sỹ A Tuấn, nếu tự ý vào nương, vào rẫy mà chưa có sự đồng ý của gia chủ  thì có những hình phạt thích đáng:

 

"Trộm cắp hay lỡ tay hái đồ cuả người khác mà không xin phép thì bị phạt, nếu như bị phát hiện sẽ phải trả gấp đôi hoặc gấp 3. Nhưng thông thường, vì niềm tin thần linh rất mạnh cho nên rất hiếm khi người ta dám làm những việc ấy bởi vì họ sợ mang họa không chỉ đối với bản thân mà còn đối với cả gia đình. Theo tôi nghĩ đó là ý nghĩa nhân văn trong đời sống cộng đồng, bởi vì đó là cách họ ứng xử với thiên nhiên và còn là cách ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với cả cộng đồng".

 

Người Xơ Teng là một trong 5 nhánh của tộc người Xơ Đăng, bao gồm Xơ Teng, Tơ Đră, Mơ Nâm, Ca Dong và Hà Lăng. Đây là nhánh có số dân đông nhất trong các nhánh của tộc người Xơ Đăng, chủ yếu sinh sống ở hai huyện Đắc Tô và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.

 

Đời sống văn hóa, tinh thần của họ rất phong phú, nổi bật là các nghi lễ trong nông nghiệp như lễ ăn trâu, lễ trỉa lúa hay nghi lễ ăn lá lúa, lá bí… tất cả các nghi lễ đều thể hiện tín ngưỡng đa thần.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC