Cây nêu đánh dấu lãnh thổ của người Mạ
Thứ sáu, 00:00, 16/09/2016

(VOV4) - Trong hệ thống nghi lễ của người Mạ ở Lâm Đồng, cây nghi lễ (Nêu)là một trong những thành tố hết sức quan trọng. Mỗi nghi thức lại có một loại nêu riêng. Trong lễ ăn trâu mừng một nghìn gùi lúa, người Mạ dựng những 3 cây nêu. Vì sao vậy?

 

Dựa vào mục đích sử dụng, có thể tạm chia hệ thống cây nêu trong nghi lễ ăn trâu mừng lúa mới của người Mạ thành 2 loại: cây nêu uống rượu và cây nêu ăn trâu. Cây nêu để Giàng uống rượu cần được làm từ lồ ô, cao khoảng 1-1,5m, nhỏ gọn, dựng chính giữa sàn nhà dài, ở vị trí gian chủ. Nêu được chạm khắc, trang trí cầu kỳ nhiều hình khối tượng trưng cho chim thú, buộc những nhúm xơ lồ ô nhuộm màu sặc sỡ. Dưới gốc nêu luôn được buộc kèm một tố (ché) rượu cần ngon nhất. 

 

Dân làng múa chiêng quanh cây nêu, mời Giàng về dự lễ hội. Ảnh: baomoi.com

 

Còn cây nêu để ăn trâu gồm 2 cây, được trồng ngoài sân, trang trí gần như cây nêu uống rượu, nhưng cao và to hơn nhiều. Cây nêu để ăn trâu thứ nhất (gọi là Cơ-nơng-rờ-pu) cao khoảng 6m. Và bên cạnh là cây nêu để ăn trâu thứ hai (gọi là Đáh), cao gần chục mét. Đều là vật dụng để cúng thần linh, nhưng khi nghi lễ kết thúc, mỗi cây nêu lại có số phận khác nhau.

 

Già làng K’Bôi kể: “Hai cây nêu cao, xong lễ là mình chặt. Còn cây nêu buộc con trâu phải để dành. Cây gòn nó tự mọc, mình không nên chặt. Chỗ ăn trâu nhà cũ mình đang còn 2 cây gòn đó, đang mọc, đang to. Cây trong nhà là mình để đấy, không được bỏ". 

 

Trong quan niệm của người Mạ, cây nêu là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế. Còn cây nêu, tức là thần còn ở, còn phải có rượu, có thịt dâng thần. Do đó, về nguyên tắc, sau khi nghi lễ kết thúc, người ta phải loại bỏ các cây nghi lễ này. Vậy tại sao cây nêu uống rượu vẫn được giữ lại?

 

Tiến sĩ Ngọc Lý Hiển giải thích: “Cây để thần uống rượu cần trong nhà có thể giữ đến khi nào hỏng thì thôi, vì trong một năm, người Mạ tổ chức rất nhiều hoạt động nghi lễ khác và không phải mất công làm lại. Cứ có nghi lễ gì, đặt cái ché là gọi thần được rồi. Thì cây đó có thể tồn tại trong thời gian dài hơn cây khác".

 

Người Mạ nhảy múa bên cây nêu. Ảnh: baomoi.com

 

Ông Nguyễn Huy Cao, Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Cát Tiên, cho biết: “Trong quan niệm của đồng bào Mạ ở Cát Tiên, cây nêu uống rượu được bôi càng nhiều máu con vật hiến sinh thì càng linh thiêng. Nhà có thể bỏ, nhưng cây nêu uống rượu này luôn phải giữ gìn cẩn thận. Cháy nhà, họ giật cái đấy chạy ra đầu tiên. Nếu dời nhà họ cũng mang theo".

 

Cây Cơ-nơng-rờ-pu, cây nêu buộc trâu, được làm từ 2 loại cây gòn rừng là  Sa mon và Pơ lang. Sau lễ, người ta không chặt bỏ cây này mà chỉ tháo đi vật trang trí. Nếu nó đâm rễ, mọc lên, người ta cho đấy là may mắn. Còn nếu nó chết đi thì dân làng để tự mục. Khi làm lễ ăn trâu mới, người Mạ phải làm cây nêu buộc trâu mới. Vào các làng người Mạ, thấy trong sân có bao nhiêu cây gòn nghĩa là làng đó đã tổ chức bấy nhiêu lễ ăn trâu mừng một nghìn gùi lúa.

 

Theo tiến sĩ Ngọc Lý Hiển, việc giữ lại cây nêu cột trâu, ngoài ý nghĩa tâm linh, còn là hành động nhằm đánh dấu lãnh thổ cư trú khá khôn ngoan của người Mạ: “Theo những gì tôi biết về văn hóa Mạ thì đây là một cách đánh dấu buôn cũ. Người Mạ ăn rừng xong thì bỏ hoang 1 thời gian, tìm đất khác. Đây là hình thức đánh dấu chỗ mình từng cư ngụ để con cháu sau này biết đường mà về. Khi mình bỏ làng đi rồi, có một ông nào đó đến đất mình làm rẫy thì sao? Mình phải nói: cái cây ngày xưa tôi ăn trâu vẫn còn gốc ở đây này. Đất này là đất của tôi đã phụng sự thần linh thì có cơ sở nào mà ông đến giành. Cây nghi lễ đó khi lên rồi, đâm hoa kết quả rồi nghĩa là thần linh đã xác nhận sở hữu này rồi. Anh không thể nói dối được, nói dối thì sợ bị trừng phạt. Trong quá khứ có sự tranh chấp đó”.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC