Chàng rể Cống trổ tài thịt gà trong gầm ghế mây
Thứ hai, 00:00, 12/12/2016

(VOV4) - Chuẩn bị kết thúc thời gian ở rể, gia đình chàng trai sẽ đem theo đôi gà, rượu, chè, thuốc lá đến nhà gái thỏa thuận thủ tục, lễ vật đám cưới. Lễ cưới được tổ chức sau đó vài ngày. Thử thách cuối cùng chàng rể phải vượt qua trước khi đưa vợ về nhà là thịt gà trong gầm ghế mây!

 

Trước ngày tổ chức đám cưới, cặp vợ chồng người Cống phải đưa nhau về nhà trai, chuẩn bị lễ vật như đã định trong ngày ăn hỏi. Đến ngày lành tháng tốt, nhà trai mời ông bà mối, anh em trong gia đình đến giúp và mang vật lễ sang nhà gái.

 

Bà Chang Thị Khá, ở bản Nậm Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, Lai Châu, liệt kê: "Cưới thì bên nhà trai chuẩn bị đủ thức ăn, chuẩn bị 18 con cá khô, 1 con gà luộc chín và một gói cơm, đặt lên mâm đan bằng tre. Chồng đội cái mâm này, vợ thì gùi một cái chum nhỏ sang nhà gái. Nhà trai còn chuẩn bị tiền nuôi dưỡng con gái lớn cho bố mẹ vợ. Tùy theo điều kiện, có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Sang bên nhà gái thì họ đón mình rất nồng hậu".

 

Theo anh Bùi Quốc Khánh, Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, 18 con cá khô là thứ lễ vật thể hiện sự trân trọng của gia đình nhà trai: "Đây là văn hóa của cư dân thung lũng, sống gần sông suối, thì con cá là của quý. Có câu tục ngữ là “Lúng ta đến nhà, không gà cũng cá”. “Lúng ta” là bên họ ngoại. Họ còn có câu “Gà hầm đem biếu không bằng cá nướng đem cho”. Con cá là thứ thức ăn thường xuyên nhất. Còn sản phẩm chăn nuôi chủ yếu phục vụ cho nghi lễ".

 

Lễ vật đem sang nhà gái.  Ảnh: dantri.com


Anh Bùi Quốc Khánh khẳng định nét độc đáo riêng trong phong tục hôn nhân của người Cống mà không dân tộc nào có, là tục “thịt gà trong gầm ghế mây”. Chú rể phải tự tay đun nước, cắt tiết, làm lông, mổ một con gà mà không có người hỗ trợ. Đặc biệt, gà phải được cắt tiết, làm lông và mổ trong gầm một chiếc ghế mây, chỉ cao chừng 30 cm.

 

"Trong đám cưới của người Cống, đáng chú ý nhất là việc chú rể bị gia đình nhà gái thử tài bằng việc mổ gà. Họ cho rằng chú rể khéo léo trong việc xử lý con gà trong tình huống khó như vậy thì trong cuộc sống gia đình, gặp tình huống khó khăn, chú rể mới giải quyết được".

 

Thế nên người Cống mới có tục xem đầu và chân gà để suy đoán tương lai của cặp vợ chồng mới. Đầu và chân gà do chú rể vừa mổ sẽ được người già hai nhà dùng để xem bói tương lai của đôi vợ chồng.

 

Đầu tiên, người ta nhổ xương mỏ gà ra, xem 3 đỉnh xương ở cuống mỏ. Đỉnh ở giữa tượng trưng cho con người, bên phải đại diện cho cây trồng, bên trái thuộc về chăn nuôi. 3 đỉnh này, nếu cân đều, không gãy thì mọi việc tốt đẹp. Xong, người ta lột da đầu gà ra, quan sát xương sọ. Xương sọ trắng đều nghĩa là tốt đẹp, còn xương sọ bị thâm tức là điềm xấu.

 

Với chân gà, người Cống quan niệm ngón chân giữa tượng trưng cho gia đình cặp vợ chồng trẻ, hai ngón còn lại tượng trưng cho người ngoài. Ngón giữa đè lên 2 ngón kia, được hiểu là hai vợ chồng làm ăn thuận lợi, hạnh phúc hơn người ngoài và ngược lại.

 

Tất cả những biểu hiện này đều liên quan đến quá trình chú rể làm thịt gà trong gầm ghế mây. Nếu chủ rể ra tay nhanh gọn, không để con gà giãy đạp, va đụng, thì sẽ cho kết quả như ý, đồng nghĩa với việc chú rể khéo léo, nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Sâu xa hơn, người Cống muốn nhắn nhủ con cháu mình rằng, hạnh phúc, thuận hòa, no ấm hay không đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC