Chỉ đàn bà được tuốt lúa cúng cơm mới
Thứ tư, 00:00, 18/01/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) - Trước kia, người Khơ Mú không ăn Tết Nguyên Đán nên Tết Cơm mới được coi là vui nhất, to nhất của đồng bào.


Bà chủ nhà đi tuốt lúa: thể hiện sự cung kính tổ tiên


Người Khơ Mú ăn cơm mới vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 Dương lịch. Đây là lúc đồng bào chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa mới, có thời gian rảnh rỗi, nên tổ chức ăn cơm mới để cúng cáo tổ tiên sự kiện quan trọng này.


Buổi sáng ngày đầu tiên của tết cơm mới, bà chủ nhà mang theo chiếc bem (một vật dụng bằng mây dùng để đựng thóc) và gùi, lên nương tuốt thóc mang về. 

 

Chị Bạc Thị Vừ, ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên, cho hay, ăn Tết cơm mới, người người đi tuốt lúa. Đàn ông không được tham dự mà phải là người phụ nữ quan trọng trong gia đình:


“Từ xưa đến nay, đi tuốt lúa phải là bà chủ nhà hoặc con dâu. Nhà nào không có con dâu mới bảo con gái đi tuốt. Khi đi tuốt lúa, bà chủ nhà còn trẻ thì bao giờ cũng là bà chủ nhà đi tuốt chứ không phải con hoặc cháu”. 


Vì sao người phụ nữ lại được lựa chọn để làm nghi lễ trọng đại này? Anh Quàng Văn Cá, chồng chị Vừ, cho hay: “Khi nào không có bà chủ nhà hoặc bà chủ nhà già yếu thì người ta mới lấy con đi thay. Phong tục từ trước thế. Nếu bà chủ còn trẻ, mình lấy người khác là không được, là khinh thường bà chủ nhà”.



Giã gạo chuẩn bị cúng lúa mới. Ảnh: langvietonline.vn


Hôm đi tuốt lúa, người ta mượn 10 – 15 người đi tuốt hộ. Phụ nữ tuốt đến đâu đổ vào chiếc giỏ bên hông. Giỏ đầy, đổ vào bem đựng thóc, con trai bưng về đổ về lán dựng tại ruộng. 


Theo anh Anh Quàng Văn Cá, việc bà chủ nhà đi tuốt lúa không chỉ là tôn trọng người phụ nữ trong gia đình mà điều đó còn thể hiện sự cung kính với tổ tiên:


“Cơm này là mời tổ tiên ăn, phải tôn trọng. Cơm mới không bao giờ đàn ông đi tuốt lúa. Vì phụ nữ là người chăm lo mâm cơm bữa hôm đấy được ngon cho tổ tiên". 



Tuốt lúa bằng tay vì sợ “hồn lúa” đau



Đến khoảng nương của gia đình, trước khi khi tuốt lúa, người ta tuốt một vài hạt thóc để lên một chiếc lá xanh để xin phép thần đất cho việc thực hiện nghi lễ diễn ra suôn sẻ. 


Bà chủ nhà cùng những người phụ nữ phụ giúp đều phải tuốt lúa bằng tay. Họ cho rằng vạn vật cũng có linh hồn. Nếu tuốt lúa bằng dao bằng liềm, hồn lúa sẽ đau mà bỏ đi mất, coi như năm ấy mất mùa. Nên cả trong ba ngày cúng cơm mới, người ta đều phải thực hiện công việc này bằng tay. 


“Người ta mang thóc về rang. Rang khô rồi sảy, giã. Người ta sảy lên dao, cày, bừa, cuốc, xẻng để sẵn trên mẹt, cho chúng “ăn” trước. Xong thì người ta đồ riêng cơm mới này cúng tổ tiên rồi con cái trong nhà mới được ăn. Nếu mà bốc ăn trước không được. Tổ tiên chê không lễ phép”. 


Theo anh Cá, cho cày, cho cuốc, cho xẻng “ăn” bởi bà con mong những ngày đi nương an toàn, suôn sẻ. Đó cũng là lời cảm ơn mà bà con dành cho những công cụ đã giúp mình có được vụ mùa tươi tốt. 



Dế mèn không thể thiếu trong mâm lễ cúng



Sau khi cho các nông cụ “ăn” xong, gia đình bắt đầu tiến hành cúng tổ tiên. Đồ lễ, bao giờ cũng phải có đôi gà một trống một mái, bát cơm mới, các loại đỗ, ngũ cốc, rau rừng của nhà làm ra hoặc đi hái được. Nhưng quan trọng nhất, phải có con dế mèn. 


“Nhà có điều kiện người ta thịt cả lợn, con trai đi bắt cá suối. Khi làm xong thức ăn rồi, người ta bắt đầu đồ xôi chín, đặt mâm trên bàn thờ, cho con dế mèn kia vào, mời tổ tiên ăn xong thì con cháu mới được ăn. Con dế mèn đào hố ở dưới đất. Người Khơ Mú lấy nó tượng trưng cho sự chăm chỉ, cũng mong mình như con dế kia để thóc lúa đầy bồ. Cúng cáo tổ tiên xong, gia chủ mới bắt đầu hạ lễ, mời anh em, họ hàng, làng xóm, trưởng bản cùng chung vui Tết Cơm mới của gia đình” - anh Cá nói.

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC