Chiếc quẩy tấu gắn bó với đời phụ nữ Mông
Thứ ba, 00:00, 28/02/2017 Phượng 2 ảnh Phượng 2 ảnh

(VOV4) - Muốn tìm cho mình một chiếc quẩy tấu thật đẹp, bạn hãy đến chợ phiên vùng cao. Ở đó, bạn không chỉ thấy được hồn tre nứa, mà còn thấy cả cuộc đời người phụ nữ trong hình ảnh chiếc quẩy tấu thân quen.


 

Chợ phiên Đồng Văn sáng sớm. Các bà, các chị người Mông ríu rít váy áo, ô xòe, và không thể thiếu chiếc quẩy tấu trên lưng. Quay bên này là cân muối, thịt lợn, quay bên kia là can rượu ngô, rau cải, bên kia nữa là xấp vải bảy sắc cầu vồng, kia nữa lại là một em bé má đỏ hây nằm ngủ ngoan trong quẩy tấu.

 

Chị Giàng Thị Hoa, ở bản Xín Chải, cười nói rổn rảng: "Không có cái này thì không yên tâm đi chợ. Đựng đủ thứ này: củi, rau cỏ, muối, cuộn chỉ thêu...".

 

Khi lên nương, quẩy tấu dùng đựng cuốc, dao; khi về đưa cuốc dao về, đựng thêm rau củ lấy từ rừng. Vào mùa thu hoạch đựng ngô, thóc, sắn, đậu. Ở nhà, lu cở để đựng lương thực, thực phẩm, quần áo. Tiện lắm, đi lại cũng dễ dàng.

 

Bé, em dùng chiếc gùi bé...

 

Là vật dụng gắn bó, gần gũi với người phụ nữ Mông, quẩy tấu theo họ từ lúc sinh ra, lớn lên đến khi trưởng thành. Các em nhỏ vừa sinh hay còn bé xíu được mẹ cho ngồi trong quẩy tấu địu trên lưng, theo mẹ đi làm nương, đi chợ, hái rau… Rất an toàn, chắc chắn, bé có thể ngủ ngon lành trong quẩy tấu khi mẹ trèo đèo lội suối.

 

Lớn thành thiếu nữ, chiếc quẩy tấu đeo trên lưng như nói với  các chàng trai rằng mình sẽ là người con gái đảm đang, khéo léo, biết thu vén. Khi lấy chồng, chiếc quẩy tấu lại theo các chị lên nương xuống chợ. Rồi các chị lại đặt con ngồi trong quẩy tấu… Cứ thế, đời trước nối đời sau, chiếc quẩy tấu gần gũi không thể tách rời, dù đi làm gì và ở đâu.

 

Chị Thào Mí Sý, ở xã Xín Lủng, Đồng Văn, Hà Giang, cho biết: "Nữ hay nam đều đeo nhưng nhiều nhất là phụ nữ. Thường dùng trong dịp đi ăn cưới, đi chợ. Trước kia dùng để nước, nhưng bây giờ bể gần nhà rồi thì địu củi, địu rau lợn, địu rượu và ngô, đi ăn cưới... Đựng được nhiều mà cũng đựng quen rồi".

 

Gùi là vật dụng quen thuộc của phụ nữ nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông ở Đồng Văn

 

Cô gái trẻ Lò Thị Dương, ở xã Phố Là, Đồng Văn, kể: theo tập tục của người Mông trắng, con gái về nhà chồng sẽ được bố đan tặng cho chiếc hòm bằng tre, đựng đầy đủ các vật dụng làm của hồi môn. Nhưng cũng có khi các cô tự tay đan cho mình chiếc quẩy tấu, bởi nó đã gắn bó suốt từ thuở ấu thơ:

 

"Cũng không biết từ bao giờ, khi về nhà chồng sẽ có một loại khác để mình cầm về, cũng giống như một chiếc hòm nhưng đan bằng tre. Con gái nhà khá giả thì bố mẹ mang cho cái hòm, nhưng nhà không khá giả thì sẽ mang cái này, tất cả quần áo bố mẹ anh em họ hàng cho thì sẽ đựng vào đó mang về nhà chồng. Em vẫn tự hào vì là mình tự tay làm. Vì đây là truyền thống của cha ông để lại, nếu không học thì dần mất đi, em là dân tộc sống trên đồi cần phải dùng cái này nên phải học".

Trong ánh chiều tà, tôi nhìn theo mãi những người phụ nữ Mông bước thấp bước cao. Quẩy tấu nhún nhảy trên lưng họ, in bóng lên lưng trời và hắt xuống những con đường gập ghềnh đồi núi…

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Phượng 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC