Chọc sàn, ngủ thăm tìm người yêu
Thứ hai, 00:00, 29/08/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) – Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng chọc sàn, ngủ thăm là hành động “ăn cơm trước kẻng”. Vậy, hiểu thế nào cho đúng về tập tục này của người Thái?


Ngủ thăm để… “đánh dấu bản quyền”

 

Theo chị Lang Thị Hoa, người Thái trắng ở Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, Nghệ An, chọc sàn, ngủ thăm là cách thức tìm người yêu của trai gái quê chị. Nam thanh nữ tú đến tuổi cập kê, ưng nhau, tối có thể đến nhà người yêu thổi kèn môi hay chọc sàn:

 

“Người mình yêu đến gần mình rồi, họ lấy cái que chọc sàn để cho mình biết ra mở cửa cho họ lên. Họ ngồi uống nước, nói chuyện, sau họ về. Cạch một cái là họ biết người của mình. Nơi nào cũng có nhưng nay ít thôi. Ngày xưa thì có nhiều”.




"Nghe tiếng lách cách chọc sàn, người yêu mình nó nhận ra ngay". Ảnh minh họa: cuocsongtoday.com


Chị Hà Thị Phượng Vân, ở thôn Thủy Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, kể, đi tán gái, con trai thường mang một cây gậy dài 40 – 50cm. Đến nhà người thương, đứng tại nơi cô gái nằm, anh ta sẽ lấy cây gậy chọc lên, ngụ ý: “Anh đã đến với em”. Cô gái ưng bụng, sẽ mở cửa ra ngồi tâm sự với anh chàng.

Đến khi đã yêu, đã say nhau, họ sẽ “ngủ thăm”. Việc này cũng sẽ được bố mẹ cô gái đồng ý. 

Đồng bào Thái ở miền núi phía bắc ngủ thăm thể hiện sự hiếu khách của mình. Vào mùa đông, nhà có khách tới chơi và ngủ lại, chủ nhà sẽ chui vào chăn cho ấm trước, sau đó mời khách nghỉ ngơi. Còn người Thái ở Nghệ An và Thanh Hóa, tục ngủ thăm lại lkhác. Chị Hà Thị Phượng Vân bảo nó như một minh chứng cho tình yêu chung thủy của đôi lứa:

“Chàng trai vào ngủ với cô gái trong màn. Họ nằm bên nhau nhưng không có cử chì gì khác là nằm cạnh nhau để tâm sự. Chứng tỏ là hai người đã có ý, có tình với nhau, sẽ chung thủy với nhau. Không bao giờ nhận lời với chàng trai và cô gái khác”.

 

Còn chị Lang Thị Hoa lại ví ngủ thăm như một sự “đánh dấu bản quyền”, ngụ ý cô gái đã là hoa có chủ, không một chàng trai nào khác được bén mảng làm quen. “Ngủ chung nhưng không làm gì cả, chỉ là trò chuyện, là giữ người mình yêu, không cho người nào đến nữa. Nghĩa là nhà này đã có người đến ở rể rồi” – chị Lang Thị Hoa hóm hỉnh.

Có được chọc sàn, ngủ thăm cũng phải được sự đồng ý của bố mẹ cô gái. Hợp thì đến với nhau. Còn không, hai người cũng có thể tìm duyên mới mà chẳng ai đem lời dèm pha, dị nghị. 

 

Bây giờ tục chọc sàn, ngủ thăm không còn nhiều, chỉ lác đác ở vài bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An. 

 

Thử rể - Thử cả chục năm!

 

Thử rể là luật bất thành văn của đồng bào Thái. Đây cũng là cách chàng rể bày tỏ tấm lòng với bố mẹ vợ tương lai. Việc đến ở rể được đồng bào gọi là “mia cáo” – tức chưa thành vợ, thành chồng, mới chỉ là thử thách.

Vậy đồng bào Thái sẽ thử rể như thế nào? Theo bà Lò Thị Phớ, người Thái Đen ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, người ta thử đủ thứ. Từ lên nương, làm rẫy, chăn trâu, đến xẻ gỗ, làm nhà, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Nếu rể chăm chỉ, tài giỏi, người ta sẽ nhanh gả con gái cho. Còn không, rể sẽ bị trả về. Anh trai bên nhà chồng bà Phớ được nhà gái thử 17 năm, tậu xong cái nhà mới được bố mẹ vợ cho cưới:

 

“Nhà đấy không gả cho về ấy chứ. Bên nhà vợ ấy bắt đi lấy cây đủ một bộ để làm nhà cho bố mẹ vợ. Mà ở rể 17 năm, bố mẹ vợ cũng khá, lúc cưới họ cho nhiều quà: trâu, bò, chăn, đệm, xoong, nồi… đầy đủ hết đồ dùng trong nhà. Làm nương được mấy bồ thóc, khi cưới họ cũng cho một bồ. Phong tục người Thái ngày xưa nặng nề lắm, giờ thì bỏ qua hết rồi. Trước thử rể 2 – 3 năm hay nhiều hơn tùy vào bên nhà gái”.

Thử rể lâu vậy nhưng khi sang nhà bố mẹ vợ tương lai, chàng trai phải ở buồng riêng, không được ở gần cô gái. Cưới xong mới được đưa vợ về nhà. Nếu nhà gái yêu cầu ở rể vài ba năm, chàng trai cũng không được khước từ.


Tằng cẩu – người Thái đen, Thái trắng khác nhau

 

Khi một cô gái Thái có chồng, trong ngày cưới, họ sẽ được làm lễ tằng cẩu, tức búi tóc lên đầu. Nếu phụ nữ Thái đen ở Sơn La, ở Điện Biên búi tóc lên đỉnh đầu, thì phụ nữ Thái trắng ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, lại tằng cẩu sang phía bên trái đầu.

Chị Nguyễn Thị Phú, người Thái Trắng ở bản Kẻ Mẻ, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, cho hay: “Khi tằng cẩu sẽ có một đôi trâm, để thể hiện từ ngày đấy mình trở thành một người vợ hiền, con dâu thảo. Ngoài đôi trâm ra còn có khăn cuốn đầu. Về nhà chồng, bà mối sẽ thực hiện nghi thức đấy. Chọn giờ tốt để làm. Cô dâu ngồi yên cho bà mối thực hiện. Có họ nhà trai, họ nhà gái chứng kiến. Cái đấy rất thiêng liêng với người phụ nữ”. 

 

Một khi phụ nữ Thái trắng đã thực hiện nghi lễ tằng cẩu, họ sẽ không được thả tóc xuống. Chỉ lúc chồng chết, họ mới được thả xuống. 3 tháng sau sẽ búi lại bình thường. Về điều này, phụ nữ Thái đen ở Điện Biên lại có phần khác một chút. Họ cũng thả tóc để tỏ lòng tiếc thương chồng, nhưng chỉ thả xuống trong ngày chồng nhắm mắt. Sau đó, tóc sẽ được búi thấp phía sau đầu. Khoảng 6 – 7 tháng, hoặc 1 năm sau người ta mới lại búi lên như cũ. 

 

Chị Quàng Thị Tiến, người Thái đen ở bản Đó, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên giải thích: “Kiêng hồn ma. Nếu không làm như thế sợ quấy rối. Phải lấy tóc xuống một thời gian. Làm lễ xong mới túm lên được cơ mà. Người Thái bảo là để siêu thoát phải đi lên trời, đi qua được vũng nước. Nói chung là cũng làm lễ nhiều, mổ lợn, gà, cũng phải 8 – 9 con gà. Nếu lợn 1 – 2 con là đủ”.

 

Phụ nữ Thái đen ở Điện Biên còn kiêng không thả tóc xuống trong những ngày chồng đi xa, sợ chồng gặp điều chẳng lành. Ngay cả gội đầu cũng không được thả tóc lâu. Tóc khô là búi lên ngay. Người già bảo tóc cũng có “hồn”, “hồn” đã được đưa lên trên đầu, không bao giờ được bỏ xuống. Có như thế mới hạnh phúc, sum vầy, không ốm đau, bệnh tật.

 

 

Lâm Thanh/VOV4



Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC