(VOV4) – Nhà gái rào kín cổng, nhà trai phải tìm đủ mọi cách để được vào nhà. Người Khmer gọi đó là nghi lễ “cướp cô dâu”.
Lên chùa cắt hoa cau để tạ ơn cha mẹ
Đám cưới Khmer diễn ra trong 3 ngày, đều được tổ chức tại nhà cô dâu. Ngày đầu, chú rể sẽ đưa bạn bè mình sang nhà cô dâu cất rạp cưới. Nhà gái sẽ chuẩn bị 2 mâm cơm cúng tổ tiên, xin phép cho chàng trai về nhà mình làm rể.
Trong khi đó, bố mẹ chú rể mượn hai thanh niên chưa vợ lên chùa cắt hoa cau. Một mâm lễ nhỏ có xôi, rượu, thịt và mâm trầu cau được hai thanh niên đem đến cúng, xin phép được hái cau về. Hoa cau buộc thành 3 bó: Bó thứ nhất có 21 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng, bó thứ hai gồm 12 sợi cau, bó thứ ba có 6 sợi cau. Những bó hoa cau được buộc với lượng trầu, cau tương ứng. Đây là lễ vật không thể thiếu của nhà trai mang sang nhà gái.
Nhà nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng, TS Nguyễn Mạnh Cường lý giải: “Người ta gọi hoa cau là cành vàng cành bạc. Họ quan niệm con người có 3 cái phải trả. Một là trả ơn cha, dùng 21 sợi hoa cau buộc thêm quả cau, miếng trầu. 12 cành để tạ ơn mẹ và 6 cành để tạ ơn anh chị em trong nhà”.
Sau đó, dưới sự hướng dẫn của ông Acha maha, nhà trai đưa chú rể đến nhà
cô dâu làm lễ nhập gia. Đoàn người mang lễ vật gồm thủ lợn, vịt luộc,
rượu nếp, bánh mứt, trái cây, trầu cau… cầm dù lớn che đầu, đi theo là
một tốp người chơi nhạc dây “Vong phlêng ka”.
Đưa chú rể sang nhà cô dâu. Ảnh: thatsonchaudoc.com
Đi “cướp” cô dâu
Từng tham dự lễ cưới của người Khmer ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, TS Nguyễn Thị Tuấn Linh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nói rằng hôm đó là một ngày vui nhộn. Nhà gái rào kín cổng, nhà trai phải tìm đủ mọi cách để được vào nhà:
“Chú rể cùng bạn bè, hàng xóm vừa đi vừa đánh la, đánh trống. Đến nhà cô dâu họ đóng cửa. Nhà chú rể phải ra múa, làm đủ trò, đến khi nào nhà gái cảm thấy ưng ý mới mở cửa để nhà trai vào. Cái lễ đấy rất vui vẻ. Việc đóng cửa thể hiện danh giá của người con gái. Đến cổng, đoàn nhà trai muốn vào, ông Maha (người uy tín, am hiểu phong tục) phải bày mâm lễ vật dâng nhà gái, xin được vào nhà, xin đất làm nhà, xin giếng múc nước… Ông Maha rút dao ra múa mở rào. Múa xong, nhà gái đồng ý thì đoàn nhà trai mới vào. Họ vui vẻ, trêu đùa. Mục đích là gây cười”.
Theo TS Nguyễn Mạnh Cường, những thử thách mà nhà gái đặt ra cho nhà trai đó, trong tín ngưỡng còn là cuộc đấu tranh giữa các vị thần và ác quỷ để đôi vợ chồng có thể sống với nhau hạnh phúc.
Có nơi, khi biết bên nhà trai sắp đến, nhà gái bèn cài nhánh gai ở cổng nhà. Khi ấy, ông Maha phải dùng kiếm múa 3 điệu rồi mới vạch nhánh gai để xin mở cổng rào. Khi cổng rào mở, người mẹ cùng cô dâu tay mang vòng hoa ra đón chú rể. Vậy mà khi ấy chú rể vẫn chưa được công nhận làm chồng.
“Cho chú rể bước vô xong, nhưng mà chưa vô tới nhà. Cho cô dâu ra, mình lấy miếng trầu, mình nhúng nước dừa xong mình lau chân chú rể. Dạng như là mình đồng ý đây là chồng của mình rồi đó. Khi mà lau xong thì mình dắt tay chồng đi vô” - chị Neáng Kunh Thia, ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nói.
Tối hôm ấy, nhà gái sẽ mời các nhà sư và họ hàng thân tộc đến nhà để cầu kinh và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Cô dâu, chú rể ngồi đối diện với các nhà sư, còn bà con họ hàng thì quây quần chung quanh, cùng chắp tay cầu nguyện. Tại lễ tụng kinh, cô dâu chú rể sẽ được răn dạy cách cư xử.
Lễ cột chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể. Ảnh: thatsonchaudoc.com
Nhuộm răng cho cô dâu
Ở một số vùng miền núi phía Bắc, các cô gái đến tuổi trưởng thành, trước khi lấy chồng phải nhuộm răng đen để thể hiện nét đẹp, thì với người con gái Khmer, chỉ đến khi đám cưới tổ chức, nghi lễ nhuộm răng mới được thực hiện.
Nghi lễ nhuộm răng cho cô dâu được thực hiện vào lúc 12 giờ đêm ngày thứ hai của đám cưới. Buổi sáng trước đó, các nhà sư sẽ đến nhà gái để làm lễ tụng kinh chúc phúc cho đôi vợ chồng và sau đó tiến hành lễ cắt tóc.
Người Khmer quan niệm cắt tóc là việc làm nhằm làm đẹp cơ thể, cắt bỏ ưu phiền và đem lại những điều tốt đẹp. Tục cắt tóc này có nguồn gốc từ Bà-la-môn giáo, cắt tóc là một trong những nghi thức của lễ San-sa-kar, làm cho thanh khiết cơ thể. Ngoài ra, còn mang ý nghĩa công nhận cô dâu, chú rể là những người đã trưởng thành, có trách nhiệm trong cuộc sống gia đình tương lai.
“Lễ cắt tóc chỉ là hình thức thôi. Ông Maha cầm cái kéo múa xung quanh cô dâu, chú rể. Và múa những điệu múa cắt tượng trưng thôi, để cắt đi những gì không tốt xưa kia của hai người và từ đây sẽ sang một cuộc sống khác. Sau đó, chú rể trình diện thần bảo hộ trong phum sóc gọi là thần Neakta, với ý nghĩa để thần công nhận những thành viên mới trong phum sóc” – TS Tuấn Linh nói.
Đúng 12 giờ đêm, người ta sẽ làm lễ nhuộm răng cho cô dâu. Ngày xưa, mỗi cô dâu Khmer đều bắt buộc phải làm điều này. Nhưng ngày nay, nghi lễ này chỉ còn là hình thức. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thuyết của người Khmer về hoàng tử Thông lấy công chúa rắn Theravan. Vốn rằng rắn có nhiều nọc độc, nhuộm răng là thử nọc độc của rắn. Và người ta sẽ nhuộm răng lúc 12h đêm với ý nghĩa nọc độc của rắn sẽ hết đi. Cuộc sống vợ chồng sẽ bình yên từ đấy.
Đêm tân hôn, 4 người đàn bà tại 4 góc giường
Đến ngày thứ ba, khi trời bắt đầu trời hửng sáng, ông Maha sẽ dẫn chú rể đến làm một bàn lễ ngoài trời, đặt ở giữa sân, mặt quay về hướng đông với hàm ý đón mặt trời mọc, rồi tiến hành làm lễ cúng. Nếu chẳng may hôm đó trời mưa, chú rể phải chờ có một con chim hoặc một đàn chim bay qua thì mới tiến hành các nghi lễ tiếp theo. Nhưng nguyên tắc này cho đến nay đã không còn nữa.
Trong ngày này, những nghi lễ quan trọng mới được tiến hành như lễ xoay đèn, lễ cột chỉ tay, lễ nhập phòng... Trong lễ cột chỉ tay, cô dâu chú rể cùng quì trên đôi chiếu hoa, cha mẹ hai bên sẽ dùng sợi chỉ hồng cột hai ngón tay của cô dâu chú rể vào nhau. Kể từ đây, hai người mới chính thức trở thành vợ chồng.
Sau lễ cột chỉ tay, cô dâu chú rể, dưới sự chỉ dẫn của Maha, tiến vào phòng tân hôn. Chú rể theo sau, tay nắm lấy vạt áo cô dâu. Lễ thức này bắt nguồn từ truyền thuyết hoàng tử Thông cưới công chúa con gái Long Vương. Trên đường về Long cung, do hoàng tử sống trên cạn, không thể đi được dưới nước nên công chúa đã nghĩ kế cho chồng đi sau vạt áo của mình theo đường rẽ nước mà tới. Nhờ kế sách đó mà hai người đến được Long cung, sống cuộc đời hạnh phúc. Vì vậy, đây là lễ thức không thể thiếu trong mỗi đám cưới của người Khmer.
Tại đây, sẽ có một người phụ nữ đức hạnh, con cái đề huề, ăn nói dễ nghe đến trải chiếu cho cô dâu chú rể. Họ sẽ úp đôi chiếu mặt phải vào nhau. Sau đó dọn bánh trái, trà, cau, nhang đèn cúng tổ tiên. Thụ lễ, cô dâu chú rể cùng cho nhau ăn, hàm ý tạo nên một tình yêu đậm đà, một cuộc sống tâm đầu ý hợp và sinh được nhiều con cái.
Ăn uống xong, cô dâu chú rể bước vào màn. Khi đó sẽ có 4 người phụ nữ đông con, giàu kinh nghiệm sống đến nằm ở 4 góc giường trong 3 đêm liền để hướng dẫn hai người về chuyện vợ chồng. Trong 3 ngày đó, cả cô dâu chú rể và 4 người phụ nữ đều không được bước chân ra ngoài, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong phòng tân hôn.
“Những bà này phải được lựa chọn rất kỹ, phải là những người đã có gia đình, con cái phương trưởng, đức hạnh, sống tốt với mọi người trong phum sóc. Họ, với tư cách giám sát sự trinh tiết của cô dâu, họ tư vấn về buổi đầu của các cặp vợ chồng, rồi trò chuyện nghĩa vụ của người vợ với người chồng. Ngày nay cái đấy không còn nữa” – TS Cường cho hay.
Ngày nay, các nghi thức trong hôn nhân của người Khmer đã đơn giản hơn.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận