Cô dâu người Hoa phải đạp rào để vào nhà chồng
Thứ hai, 00:00, 16/01/2017

(VOV4) - Người Hoa rất xem trọng lễ nghĩa. Những cuộc hôn nhân truyền thống nhất thiết phải thực hiện đủ và đúng lễ nghĩa. Ngoài 3 lễ chính: dạm, hỏi và cưới, nghi thức cưới hỏi của người Hoa còn có một số điểm đặc biệt.

 

Nếu đôi trẻ hợp tuổi, chàng trai cùng bố mẹ và người mối sẽ làm lễ chạm ngõ hay xem mặt (coi mắt). Lễ này gộp cả các công việc của lễ Nạp thái và Vấn danh. Nhà trai mang 1 đôi gà, hai chai rượu, một khoanh thịt lợn và 10 bơ gạo nếp sang nhà gái. Nếu nhà gái ưng thuận, sẽ dùng thực phẩm đó tổ chức nấu ăn hai bên vui vẻ. Sau đó chàng trai và bố mẹ ra về, bà mối ở lại cùng nhà gái thỏa thuận ngày giờ tổ chức, lễ vật và tiền dẫn cưới.

 

Người Hoa chọn ngày hoàng đạo, ngày đại cát, ngày tốt để đón dâu. Sau khi thống nhất ngày lành tháng tốt, hai gia đình sẽ tổ chức lễ thân nghinh (gồm lễ cưới, lễ vu quy, tân hôn) cho đôi trẻ nên nghĩa vợ chồng.

 

Đám cưới truyền thống người Hoa. Ảnh: baomoi.com

 

Ngày cưới, nhà trai mang đến mâm lễ tương tự như lễ hỏi nhưng khác ở thịt đùi heo. Lễ hỏi thì luôn là đùi heo trước nhưng lễ cưới là đùi heo sau, dính liền đuôi heo, ở chót đuôi còn một túm lông, vì người Hoa quan niệm có tiền có hậu. Khi chú rể vào đến nhà gái thì phải thắp hương cho tổ tiên nhà gái. Lúc đưa con dâu ra cửa, nhà trai đặt lên bàn một mâm lễ gồm vàng hương, 3 chén rượu, 1 miếng thịt.

 

Lợn sống, nhà trai mang sang từ hôm trước để nhà gái chuẩn bị cho tiệc cưới ngày sau. Đoàn nhà trai đi đón dâu khoảng 15- 16 người, ông mối bà mối đi trước, quan làng và phù dâu phù rể đi sau, mang 7 lá cờ đỏ.

 

Trong ký ức của bà Chéng Thị Lè, ở thành phố Hà Giang, hình ảnh đẹp nhất trong đám cưới cổ truyền là cô dâu chú rể. Cô dâu bới tóc, giắt trâm hình cành hoa đỏ và lá trắc bá diệp tươi, đội mũ phụng, mặc xiêm áo màu hồng bằng gấm thêu. Chú rể đội mũ quả bí, cài bông hoa to màu đỏ trên ngực.

 

"Ngày cưới mà lại, không thể thiếu màu đỏ, cho nên cô dâu phải mặc áo đỏ, choàng khăn đỏ, đeo hoa đỏ; chú rể bông hoa to tướng vắt chéo ở ngực, bây giờ vẫn có bông hoa cài ở tay. Con rể mặc áo xanh nhạt, dài đến đầu gối" - bà Lè nói.

 

Cô dâu về nhà chồng được ngồi lên kiệu, đội khăn màu đỏ che mặt. Cô dâu chú rể ra khỏi cửa nhà cô dâu là được ngồi lên kiệu. Kiệu chú rể đi trước, kiệu cô dâu đi sau, bà mối đi cùng đoàn đón dâu. Đến cổng nhà trai, cả đoàn dừng lại trước tấm bảng "Tân hôn", hai cột cổng gắn hai lồng đèn màu đỏ, trên dán hai liễn đối bằng giấy hồng điều, với nội dung chúc những điều tốt lành. Chữ "song hỷ" được cắt thật to, giấy đỏ, dán giữa nhà. Khi cắt, người ta rất cẩn thận không để bị đứt lằn ngang nối hai chữ "hỷ", vì sợ bị đứt đoạn, chia lìa.

 

Ngoài cổng, nhà trai còn dựng một hàng rào cốt để cô dâu đạp đổ trước khi bước vào nhà. Hàng rào dựng làm phép, đan bằng tre nứa. Sở dĩ có nghi thức này vì người Hoa sợ trên đường có ma tà bám theo cô dâu, nên dựng rào ngăn ma tà không cho vào nhà.


Khi cô dâu chú rể bước vào nhà trai, bố mẹ chồng nếu hợp tuổi với cô dâu thì ra đón, nếu xung khắc thì tránh gặp mặt và đợi cô dâu vào nhà thì mới xuất hiện. Lúc này sẽ có một em nhỏ ăn mặc chỉnh tề bưng nước mời, hàm ý chúc mừng hạnh phúc. Cô dâu tươi cười nâng ly, cảm ơn rồi lấy tiền ra “lì xì”. Cô dâu cũng phải để ý đối đãi thật tốt với những em nhỏ gặp ở nhà chồng:

 

Bà Lè bảo: "Bao giờ nhà gái cũng phải sắm quả óc chó, lạc rang, hạt bí cho cô dâu. Khi nhà trai đến, có bao nhiêu trẻ con thì cô dâu mang ra phát. Sau khi đón dâu về đến nhà trai thì những nhà có con nhỏ người ta cũng đưa vào cửa buồng, cô dâu phải cho quà, luộc cả trứng nhuộm đỏ để cho".

 

 

Thu Hòa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC