Cô dâu Si La lén lút về nhà chồng
Thứ ba, 00:00, 29/11/2016

(VOV4) - Trong nghi thức đón dâu của người Si La, việc xin dâu luôn diễn ra vào lúc gà chưa gáy sáng. Cô dâu thậm chí còn phải lên rừng trốn, không để cho ai thấy mặt và chỉ đến khi trời tối mịt mới được đưa về nhà chồng.




 

Mùa cưới của người Si La thường vào khoảng tháng 11 – 12 âm lịch. Đợi đến ngày lành tháng tốt được chọn sẵn, em gái hoặc chị gái của chú rể sẽ thay mặt nhà trai đến nhà gái liên tục trong 3 buổi sáng sớm, trước khi gà gáy, ngỏ lời xin dâu. 

 

Bà Hù Cố Xuân, ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu, kể rằng chị của chú rể đến xin dâu chỉ được đứng ngoài vách nói vọng vào. Bố mẹ cô dâu chỉ ho hắng, hoặc cựa mình để báo hiệu là đã biết, chứ không nói thêm lời nào:

 

“Người ta không nói như thế vì kiêng kị nói ra sẽ gặp điều không hay. Thí dụ con gái có người yêu khác nên người ta giữ cho kín đáo. Vì có thể anh chị thích nhau, do hoàn cảnh không lấy được nhau, con trai kia sẽ hại con gái này, đón ở dọc đường, lấy kéo cắt váy. Có ý nghĩa tôi là người yêu của cô, mà không lấy được nhau, kiếp sau chúng ta đến với nhau”.

 

Đến đêm thứ 4, em gái của chú rể sẽ rủ thêm nhiều bạn bè đến nhà gái xin dâu. Mẹ cô dâu lúc này mới đưa cô dâu ra cửa, dặn dò, rồi trao cho đoàn rước. 

 

Đám cưới người Si-la. Ảnh: baomoi.com

 

Anh Bùi Quốc Khánh, Sở VH-TT&DL Lai Châu, cho biết đoàn rước sẽ đưa cô dâu lên rừng trốn suốt một ngày, đợi đến đêm khuya mới đưa cô dâu về nhà chồng: 

 

“Người Si La có tục là sau khi xin được đón dâu, chưa tổ chức nghi lễ gì giữa hai bên gia đình. Các em gái và bạn bè chú rể đưa cô dâu vào rừng chứ không đưa về nhà trai. Nơi mà họ vào phải là nơi ít người qua lại. Tốt nhất là vào hang, mục đích để trốn cho kĩ, không để ai thấy. Đến tối họ mới về. Họ cũng kiêng đốt đuốc mà mò mẫm trong bóng tối. Trong lúc đi về họ cảnh giới không để bất kì ai nhìn thấy”.

 

Người Si La có nguồn gốc từ vùng Tây Tạng, Trung Quốc, di cư qua Lào đến Việt Nam cách đây khoảng 150 năm. Trong quá trình di cư, người Si La vấp phải sự phản đối và xung đột với các tộc người bản địa. Do đó, có những luồng ý kiến không chính thức cho rằng có thể trong quá khứ, đoàn rước dâu của người Si La bị đánh đuổi đến mức phải chạy vào rừng. Từ đó về sau, việc đưa cô dâu đi trốn và rước dâu bí mật trở thành cái lý để con cháu làm theo. 

 

Về đến nhà trai, trưởng họ hoặc thầy cúng sẽ làm lễ trình báo cho tổ tiên biết gia đình kết nạp một thành viên mới. Lễ vật gồm 2 nắm cơm nếp, một quả trứng gà luộc và một ống rượu cần. Xong, thầy cúng đưa cho cặp vợ chồng trẻ mỗi người một nắm xôi và một nửa quá trứng. Vợ chồng mới ăn xôi và trứng ngay tại cửa nhà.

 

Anh Bùi Quốc Khánh giải thích: “Người Si La quan niệm những lời răn của thầy cúng (hay trưởng họ) là lời răn của tổ tiên, đã ngấm vào nắm xôi quả trứng. Cô dâu, chú rể ăn hai thứ này chính là nuốt lời răn của tổ tiên vào bụng. Đồng thời, 2 nửa quả trứng cũng có ý nghĩa “tuy hai mà một”. Chỉ vợ chồng mới được ăn quả trứng này. Lúc này, chàng rể đứng trong ngưỡng cửa, cô dâu vẫn ngồi ngoài hiên”

 

Cô dâu đứng ở ngoài hiên, đợi khách khứa ăn uống xong, chờ mẹ chồng đem quần áo, khăn đội đầu, trang sức ra. Chị em gái, bạn bè của cô dâu đứng quây kín để cô dâu thay đồ ngay ngoài hiên rồi mới được vào nhà. 

 

Đêm đầu tiên sau lễ trình báo tổ tiên, cặp vợ chồng mới cưới phải ngủ nhà ngoài, đêm hôm sau mới được vào ngủ trong buồng riêng. Đây có lẽ là dấu ấn văn hóa còn lưu dấu lại của cư dân du mục vùng Tây Tạng. Bởi trong thời kì còn ở lều, khách khứa ăn uống bên trong, cô dâu không tiện thay quần áo. Khi khách khứa say sưa, ngủ lại trong lều, cô dâu và chú rể phải ra ngoài ngủ để nhường chỗ cho khách.  

 



Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC