Người Mông hoa Sơn La hoa lấy cây lanh làm chất liệu tạo nên trang phục. Mùa nông nhàn, phụ nữ Mông hoa sẽ tước lanh, nối sợi dệt vải, nhuộm chàm làm váy áo. Khi ấy, đi đâu, làm gì họ cũng dắt bên mình cuộn lanh.
Nghề trồng lanh, làm vải của người Mông hoa có từ lâu đời. Mỗi cô gái Mông hoa từ khi 13 - 14 tuổi đều được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, may vá, làm lanh. Hoa văn trên trang phục của người phụ nữ Mông có nhiều kết hợp của kỹ thuật tạo hình như: ghép vải, thêu, in sáp ong.
Áo phụ nữ may theo lối xẻ nách, cài cúc cạnh, hoa văn được trang trí nhiều ở tay áo. Hoa văn dày đặc trên thân váy. Những họa tiết đối xứng nhau được kết hợp một cách khéo léo
Thắt lưng chít eo thon mềm mại
Phụ nữ Mông hoa mặc váy xòe rộng, nhiều nếp gấp. Đứng xa nhìn ngắm, gấu váy xoay tròn theo mỗi bước chân.
Phần thân yếm phía trước thêu tinh tế với những hoa văn hình học đối xứng
Cổ áo cũng rặt những hoa văn hình xương cá, hình vuông... xanh, đỏ, tím
Chiếc xà cạp quấn quanh chân tạo sự kín đáo cho người phụ nữ
Đồ trang sức của phụ nữ Mông hoa gồm vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai, được đúc bằng bạc hoặc đồng tạo nên nét sang trọng cho người phụ nữ
Phụ nữ Mông hoa khi chải đầu thường để tóc rụng lại, rồi se thành sợi, để thành búi to, khi đi đâu thường vấn thành vành tóc đó quanh đầu, họ quan niệm vành tóc càng to thì càng đẹp.
Cô gái Mông hoa rực rỡ giữa miền sơn cước. Có được màu sắc phong phú của bộ trang phục ấy là cả một đời cần mẫn xe lanh, dệt vải, nhuộm màu, thêu thùa từ bàn tay đảm của phụ nữ Mông hoa. Người Mông sẽ không bao giờ từ bỏ nghề xe lanh, dệt vải, in sáp ong của mình. Bởi khi chết đi, mỗi người đều phải có một bộ váy áo truyền thống để "gia nhập" vào thế giới tổ tiên.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận