Có thờ mới được tổ tiên phù hộ
Thứ ba, 00:00, 13/09/2016

VOV) - “Người Thái nếu không cúng giỗ nghĩa là không có tổ tiên. Không thờ cúng tốt thì không được ông bà tổ tiên phù hộ".

 

Với đồng bào Thái đen ở Điện Biên, tổ tiên mình là thiêng liêng. Họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu. Họ phù hộ và cưu mang cho con cháu khi gặp tai ương, hoạn nạn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn; khích lệ con cháu làm điều thiện và cũng quở trách khi chúng làm những điều tội lỗi... Mỗi khi đến dịp lễ tết, nhà có việc hiếu hỷ hay gặp chuyện khó khăn đau ốm, con cháu làm cơm đặt mời ông bà tổ tiên về hưởng, nghe con cháu kể chuyện, giãi bày hay cầu xin những điều tốt đẹp đến trong cuộc sống.

 

Ông mo Lường Văn Súm, ở bản Hồng Líu, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: “Người Thái nếu không cúng giỗ nghĩa là không có tổ tiên. Không thờ cúng tốt thì không được ông bà tổ tiên phù hộ. Thờ cúng là để cầu mong sức khoẻ, may mắn và cuộc sống an lành".

 

Người Thái đen quan niệm khi một người chết đi thì chỉ có thể xác là tan dần theo năm tháng, còn linh hồn vẫn hiện hữu. Những người còn sống phải làm cơm cúng người đã mất. Đây là lễ cúng vô cùng quan trọng, không được khinh suất, nếu không linh hồn của người đã khuất sẽ không tìm được lối về với con cháu, không thể thành ông bà tổ tiên, không có nơi để ở. Lễ cúng được thầy mo dẫn dắt, thầy mo sẽ đại diện gia đình mời linh hồn người đã khuất về ăn bữa cơm. Thầy mo kết nối thế giới người âm với người nhân gian.

 

 

 

Người Thái đen quan niệm không cúng giỗ tức là không có tổ tiên. Ảnh minh họa: dantri.com

 

Ông mo Lò Văn Sơn, ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, nói: "Thầy mo, thầy cúng rất quan trọng. Họ làm cầu nối giữa người trần thế với thế giới thần linh để tế lễ cho họ hưởng lễ vật của con cháu và cầu cho họ phù hộ con cháu mạnh khoẻ, ăn nên làm ra. Đặc biệt, khi trong nhà có người chết, thầy cúng càng quan trọng hơn, họ làm nhiệm vụ dẫn dắt linh hồn người đã khuất về với tổ tiên và trở thành ông bà tổ tiên của gia đình, của dòng họ".

 

Từ xa xưa, đồng bào Thái đã có lịch theo chu kỳ cứ 10 ngày lại quay vòng một lần. Dựa theo lịch này, mỗi gia đình, dòng họ chọn lấy ngày đẹp cho gia đình để cất nhà, cưới xin, đi đường xa, hay làm lý cúng bái ông bà tổ tiên. Ngoài những dịp này, đồng bào duy trì hình thức 5 ngày hoặc 10 ngày làm cơm cúng ông bà tổ tiên một lần, gọi là "Pạt tống". Trong mâm cúng "Pạt tống" này, người ta không quá nặng về hình thức là phải mâm cao cỗ đầy mà đồng bào quan niệm con cháu sinh hoạt như thế nào, ăn uống ra sao thì ông bà tổ tiên cũng vậy.

 

Bà Lò Thị Thời, ở Đội 15, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cho biết: “Tuỳ từng nhà, từng dòng họ mà người ta chọn lấy ngày theo lịch vạn niên của người Thái để thờ cúng tổ tiên nhà mình. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên những ngày này, tuỳ theo điều kiện, có nhà thì cúng cá, cúng thịt và có thể có thêm cả rau, cả măng. Không phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy như những dịp lễ tết, chủ yếu là thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên nhà mình".

 

Người Thái ngoài thờ cúng đằng nội, đồng bào còn giữ phong tục thờ cúng đằng ngoại. Nếu gia đình nào chỉ sinh được con gái, khi bố mẹ mất đi, người con gái cả sẽ giữ trọng trách thờ cúng bố mẹ mình. Bà Lò Thị Đôi, ở bản Ban, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, cho biết: "Nhà nào mà không có con trai, cha mẹ mất hết, thì người con gái cả phải dựng nhà nhỏ để thờ cúng cha mẹ mình. Mặc dù đã đi lấy chồng, nhưng con gái cả vẫn mang trọng trách thờ cúng cha mẹ mình, đây là phong tục có từ lâu đời của người Thái chúng tôi".

 

 

 

Lò Oanh/VOV-Tây Bắc

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC