Cưới một cô vợ mất cả trăm đồng bạc trắng
Thứ ba, 00:00, 02/08/2016 Hải Huyền bt bài .1 Hải Huyền bt bài .1

(VOV4) – Khi xưa, người Dao Tiền, nhà nào muốn cưới vợ cho con trai phải chuẩn bị khá nhiều bạc trắng. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị quà cưới là một bộ trang sức để tỏ lòng yêu quý con dâu.


Bạc trắng định theo thời giá và chuyển thành tiền mặt

 

Sau khi đã so tuổi cho đôi trẻ, thấy hợp, nhà trai sẽ nhờ bà mai đến nhà cô gái đặt lễ làm tin. Sau đó, nhà trai tiến hành dạm ngõ, hay còn gọi là lễ ăn trầu. Lúc này, bố chú rể sẽ mang theo con gà, chai rượu đến nhà gái bàn bạc, định ngày ăn hỏi. 


Trong lễ ăn hỏi, nhà gái có quyền thách cưới. Nếu nhà trai thấy không đáp ứng được, có thể đưa ra những lý do để nhà gái rút bớt sính lễ. Nhưng nếu nhà trai không có ý kiến, họ phải nộp đầy đủ lễ vật trong ngày cưới.

 

Thạc sĩ Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam (người Dao Tiền, quê ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), cho hay xưa gia đình người Dao thách cưới lên đến 60 đồng bạc trắng. Mỗi đồng tương đương 1 – 1,3 triệu. Ngoài bạc trắng, phải có rượu, gạo, lợn… Đặc biệt, nhà trai phải có một bộ trang sức dành cho cô dâu. Bộ trang sức này gồm 5 vòng cổ, đôi khuyên tai, hai đôi vòng tay, một bộ chuông bạc, tính ra cũng tầm 60 – 70 triệu đồng.


Đến nay, nhiều gia đình người Dao Tiền vẫn giữ tục lệ này. Bạc trắng vẫn là món đồ gia bảo, mẹ truyền cho con nếu phải chuẩn bị lễ thách cưới. Nhưng bạc trắng đã được định theo thời giá và chuyển thành tiền mặt.




Cô dâu, chú rể mời khách trong đám cưới. Ảnh: http://dantocviet.cinet.gov.vn

  

Theo TS Lý Hành Sơn, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hôn nhân ở hầu hết các nhóm Dao đều có thách cưới nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là cách để vợ chồng có thể gắn bó dài lâu với nhau:

 

“Hầu như các nhóm Dao đều có hôn nhân hình thức là mua bán. Điều này có từ lâu đời. Nó cũng có cái lợi, cái hại. Cái lợi là gắn kết hơn đôi vợ chồng, để sau này việc ly hôn khó. Vì trước đây kinh tế khó khăn, chưa phải là sung túc như bây giờ, anh lấy được vợ về, nếu như người vợ mà bỏ về phải trả lại chồng toàn bộ số tiền bố mẹ đưa trước đó là bạc trắng”.



Vợ ngoại tình, nhà trai phạt gấp đôi quà cưới

 

Để lấy một cô dâu, gia đình nhà trai đã phải mất rất nhiều của cải, lễ vật. Nếu người vợ không chung thủy, gia đình nhà chồng sẽ phạt rất nặng.

“Ví dụ lễ cưới ấy người ta bỏ ra 100 triệu, người ta có thể đòi phạt 200 triệu hoặc hơn thế nữa. Số lượng phạt ấy gấp bao nhiêu lần là do nhà trai đề ra. Bắt buộc nhà gái phải đền lại họ số bạc ấy. Cho nên tỷ lệ ly hôn của người Dao rất ít. Khi đã phạt rồi có nghĩa là người ta không ở với nhau nữa. Người ta sẽ hủy hôn. Phụ nữ Dao mà bỏ theo người khác, xã hội rất coi thường. Cho nên họ thường phải bỏ quê mà đi. Người ta coi cái đức hạnh, trinh tiết của người phụ nữ rất cao”  – ThS Bàn Quỳnh Giao nói.

Vì thế, khi chọn con dâu, người Dao Tiền chọn rất kỹ.  Nhưng dù thế nào, thì đạo đức, nề nếp vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Ông Lý Đức Tuyền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Bể, Bắc Cạn, bảo: “Chọn người khỏe, sống có hiếu với bố mẹ, mồm mép tốt. Người ta cũng kén, chủ yếu là về đạo đức, sức khỏe. Được rồi thì người ta mới đi xem ngày. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ đi tán hộ mà. Cưới về đến nhà mới biết là vợ mình”.

Nếu trai nhà nghèo không đủ bạc dâng lễ vật, có thể chọn cách ở rể. Khi ấy, mọi chuyện nhà gái sẽ lo liệu. Nhưng, một khi anh đã ở rể nhà gái, con cái sinh ra sẽ không được mang họ bố. Khi đó, chàng trai phải lo toan, gánh vác gia đình nhà vợ như một người đàn ông trong gia đình nhà gái.

 

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài .1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC