Đặc sắc đám cưới người Dao đỏ ở Lục Yên
Thứ hai, 00:00, 27/02/2017

(VOV) - Trong đám cưới của người Dao đỏ, có rất nhiều tục lệ chứa đựng các giá trị về mặt văn hóa, lịch sử của tộc người. Đám cưới diễn ra chủ yếu ở nhà trai. Mời bạn dự đám cưới của anh Triệu Tài Đình và chị Trịnh Thị Ân, ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, qua ảnh.

 

 

Trước khi lễ cưới diễn ra, thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ báo cáo lên tổ tiên là con cháu nhà mình hôm nay tổ chức cưới


Sau đó, con cháu cùng dâng lên những người đã khuất các lễ vật như cơm, rượu, thịt....


Các trai làng chuẩn bị thực phẩm làm cỗ. Người già chuẩn bị lạt nhuộm màu hồng để buộc xôi, buộc thịt treo...


Trong đám cưới người Dao đỏ, nhà gái sẽ tự đưa dâu về nhà trai


Khi đoàn nhà gái cách nhà trai khoảng 100m thì sẽ dừng để chỉnh trang trang phục cho cô dâu và các thành viên trong đoàn


Sau đó, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, trống, chiêng và chũm chọe ra đó. Dẫn đầu đoàn nhà trai là Phàn Tị Ông (người được giao thổi kèn) quàng vải đỏ. Tiếp đến là bố mẹ, các bác, cô chú thuộc bề trên của chú rể.


Dẫn đoàn nhà gái là bố mẹ, ông mai - bà mối và những người thân thiết của gia đình cô dâu


Sau khi hai họ gặp nhau, đội kèn trống sẽ dẫn đoàn về một điểm đất trống để làm các thủ tục  gắn kết tình duyên. Thông thường điểm dừng chân này của nhà gái cách nhà trai khoảng 30-40m


Nhà gái sẽ quàng khăn đỏ và cắm hoa bạc lên mũ cô dâu


Tiếp theo, ông thổi kèn sẽ dẫn đầu đội kèn trống đi vòng tròn, rồi hình số 8 quanh phái đoàn nhà gái, với ý nghĩa cho đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc; nghĩa tình thông gia, họ hàng thêm bền chặt. Trong lúc đại diện hai bên làm các thủ tục thì nhà trai phải mời nước chè, thuốc, rượu nhà gái để thể hiện lòng tôn trọng


Cô dâu đi về nhà chồng dưới sự che trở của nhiều lớp phụ nữ. Chỉ có những người đàn ông có nhiệm vụ mới được phép đến gần cô dâu.


Trước khi vào nhà, cô dâu phải ngồi trước cửa ngôi nhà khoảng 15 phút để làm lễ. Ngôi nhà truyền thống của người Dao thường có 3 hoặc 5 gian, cô dâu sẽ ngồi ở gian giữa, lưng hướng vào trong nhà. Phù dâu ngồi trước mặt cô dâu.


Trong lúc đợi cô dâu làm lễ vào nhà trai, phái đoàn nhà gái được được nhà trai chuẩn bị khoảng 10 chậu nước ấm và khăn mặt bê đến tận chỗ ngồi mời nhà gái lau mặt, rửa chân tay

 
Cô dâu vào nhà bái đường là phần quan trọng nhất trong ngày cưới. Theo truyền thống, trai đứng bên trái, gái đứng bên phải, hướng lên bàn thờ để làm lễ bái đường. Chú rể cầm rượu, khăn, nước...


Các cụ ông, cụ bà và bề trên nội tộc của cô dâu, chú rể chứng kiến. Nghi lễ này có ý nghĩa là cảm ơn ông bà, cha mẹ đã nôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã trở che cho con cháu đã lớn thành người.

Sau lễ bái đường, cô dâu, chú rể mới chính thức được lộ mặt trước họ hàng hai bên và khách mời


Trong đám cưới truyền thống người Dao đỏ, câu đối chúc phúc là điều không thể thiếu. Những cấu đối này được các gia đình họ hàng của chú rể tặng, với nhiều nội dung và ý nghĩa sâu xa.


Xong thủ tục phần lễ, sẽ là chương trình giao lưu văn nghệ và liên hoan


Mỗi mâm khách nhà gái, nhà trai sẽ chọn một người ngồi cùng để lau bát đũa, kiểm tra thức ăn, rót rượu và gắp thức ăn cho nhà gái. Trước đây, người Dao Đỏ thường tổ chức ăn cưới 2-3 ngày. Ngày nay, thời gian ăn uống giảm xuống chỉ còn 1 ngày. Các thủ tục trong cưới tuy được rút ngắn nhưng vẫn phải tiến hành tuần tự, đầy đủ.

 

 

 

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC