(VOV4) - Ngày cưới, chàng rể người Xá Phó phải có thịt chuột ống, bánh dày và rượu bỗng mang biếu nhà gái, bố mẹ và họ hàng bên vợ mới vui lòng.
Dâng thịt chuột tỏ lòng nhớ tổ tiên
Người già kể, xưa kia, khi vũ trụ còn hoang sơ, làng người Xá Phó gặp nạn do cơn đại hồng thủy ập đến. Vạn vật đều bị nhấn chìm trong biển nước, còn lại hai anh em may mắn thoát nạn do chui vào quả bầu. Để người Xá Phó tồn tại và phát triển, anh trai bàn với em gái là hai người phải lấy nhau, nhưng cô em không đồng ý bởi họ là anh em ruột.
Người anh bèn nói: Anh sẽ vào rừng kiếm đủ 7 chiếc lá dáy, mang về ngăn giữa chỗ ngủ của hai anh em. Nếu lá rách, có nghĩa là thần linh đã đồng ý, hai anh em buộc phải lấy nhau để duy trì giống nòi. Em gái đồng ý. Sau khi vách ngăn là 7 chiếc lá dựng lên, một buổi sáng thức dậy, cô em nhìn thấy một chiếc lá bị rách từ bao giờ. Kể từ đó, hai người chính thức làm vợ chồng và sinh ra con người như bây giờ.
Nhưng trong lúc làm đám cưới, vợ chồng không có vật gì làm chứng để báo tổ tiên. Vô tình con chuột chạy qua, người chồng bèn túm lấy làm thịt, rồi chia vào trong 9 ống nứa làm lễ vật. Từ đó, trong đám cưới của người Xá Phó không bao giờ thiếu thịt chuột.
Anh
Nguyễn Ngọc Thanh, Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, cho biết, theo quy
định, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới đều phải có 9 ống thịt chuột. Thịt chuột
sẽ do ông mối và cánh đàn ông bên nhà trai đi bắt. Trước ngày cưới 2 – 3
ngày, họ sẽ vào rừng đặt bẫy rồi chặt vầu làm ống đựng. Chuột, sau khi
bắt đủ, mang về thui, bỏ hết nội tạng, rửa sạch sẽ rồi bóp muối, trộn
với bột gạo hoặc ngô. Sau đó bỏ thịt vào ống.
Người bỏ thịt vào ống sẽ là ông bố chàng trai và những người có tuổi.
Đầu tiên, ông bố phải cho thịt chuột vào 2 ống vầu to và 6 ống vầu nhỏ
để dâng cúng tổ tiên nhà gái. Số còn lại, tùy theo lượng người bên nhà
gái có bao nhiêu người, họ sẽ cho vào bấy nhiêu ống vầu nhỏ rồi mang
sang trước ngày cưới một ngày.
Ngoài ra, đồ đặt lễ phải thêm 2 ống thịt chuột to, 6 ống nhỏ. Rượu bỗng cũng được cho vào vầu. Thông thường, lễ cưới của người Xá Phó phải có 18 ống thịt chuột, 18 ống rượu bỗng, 25kg gạo nếp và tẻ, 15kg thịt lợn và 1 triệu đồng tiền mặt.
Một đám lễ của người Xá Phó. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh
Đo ống thịt chuột bằng tay ông mối
Bạn có biết, độ dài, ngắn của ống vầu đựng thịt chuột sẽ tính như thế nào không? Anh Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: họ sẽ gập tay phải của ông mối lại, đo từ khuỷu tay đến đầu ngón út. Đó sẽ là chiều dài của ống vầu đựng thịt chuột và đựng rượu. Cho nên, những ông mối thấp bé, tay ngắn sẽ được nhiều gia đình nhờ làm mối.
“Thịt chuột, theo quy định của người Xá Phó trong hôn nhân, phải bẫy chứ không được bắn. Bẫy tre, bẫy kẹp hình tam giác, mang vào các chân nương lúa vì mùa cưới thường vào tháng 10 cho đến mùa xuân. Nếu bắn, có kim loại vào, tổ tiên người ta sẽ không hài lòng với việc dâng thịt. Phải bắt sống về mổ”.
Gia đình sẽ huy động những người con trai trong họ đi bẫy chuột. Chuột đồng to bằng cổ tay, thịt thơm, bắt về thui sạch, thái miếng, xóc muối, rắc ít thính gạo rồi cho vào 9 ống nứa, nút bằng lá chuối. Thịt dậy mùi chua, là lúc đoàn nhà trai do ông mối dẫn đầu mang sang nhà gái.
“Bây giờ biến đổi rồi, ống thịt chuột đó không phải toàn bộ là thịt chuột mà chỉ là ở trên miệng thôi. Nhà trai mang sang nhà gái, nhà gái kiểm tra bên trên là thịt chuột là được rồi. Ở dưới là thịt lợn hoặc là thịt trâu. Bởi vì bây giờ ở rừng chuột không còn nhiều nữa” – anh Thanh nói.
Khi sang đến nhà gái, ông mối nhà gái sẽ làm nhiệm vụ kiểm kê thịt chuột. Họ lấy một viên đá đặt lên miệng ống, sau đó lấy một que gõ xem lượng thịt nhiều hay ít. Nếu hụt ít nhà gái sẽ nhận, ngược lại, nhà trai phải bổ sung cho đầy ống. Và quan trọng, trong ngày cưới, cô dâu, chú rể không được để tay chân động chạm đến thịt chuột, nếu không, lấy nhau về sẽ không được may mắn.
Ngoài lễ vật thịt chuột, bánh dày cũng là lễ vật đặc biệt trong đám cưới của người Xá Phó. Nhà trai sẽ làm một đôi bánh dày to và 18 chiếc bánh dày nhỏ để tỏ lòng với nhà gái.
“Bánh dày tượng trưng cho bầu trời tròn, đồng thời cũng mang tính chất phồn thực, tượng trưng cho sinh thực khí của phái nữ. Một đôi bánh dày to, tượng trưng cho người bố và người mẹ, người nam và người nữ. Và các bánh dày nhỏ, tượng trưng là các con. Người ta cũng mong đôi vợ chồng lấy nhau, trở thành bố, thành mẹ có con cái hạnh phúc” - anh Thanh nói.
Ở rể đời được của
Trai gái người Xa Phó yêu nhau, khi quyết định tiến tới hôn nhân, chàng trai sẽ dẫn người yêu về ra mắt. Để chứng tỏ sự đồng thuận của mình và cũng là để nhắc nhở những thanh niên khác rằng cô gái đã có chủ, mẹ chàng trai sẽ lấy ba sợi chỉ buộc vào tay cô gái. Người Xá Phó gọi đó là đánh dấu con dâu, coi cô gái như một thành viên trong gia đình. Sau đó, hai bên gia đình sẽ lựa chọn ông mối, bà mối thành người đại diện cho hai họ để bàn bạc mọi chuyện.
Trước đây, trong vùng người Xá Phó khá phổ biến hình thức ở rể. Chàng rể, khi đến nhà bố mẹ vợ ở, sẽ sinh hoạt bình thường như những thành viên khác trong gia đình. Anh ta phải chăm chỉ làm lụng, chịu thương, chịu khó, thể hiện là một người trách nhiệm với gia đình nhà gái.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thanh, nếu gia đình chàng trai khó khăn, hoặc nhà gái không có con trai, chàng rể sẽ ở hẳn bên nhà gái, trở thành trụ cột, gánh vác mọi công to việc nhỏ của gia đình bên vợ:
“Thường khi chuyển về đấy thì sẽ đổi sang họ vợ và sẽ là người chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sau này. Và con của người con rể đấy sau này sẽ mang họ mẹ. Khi nhập vào thì mời thầy cúng về để chuyển họ, chuyển tên, coi như người con trai của gia đình”.
Mặc dù những đứa con sinh ra sẽ mang họ vợ, nhưng chàng rể ở rể cả đời sẽ được bố mẹ vợ phân chia tài sản như những thành viên trong gia đình, thậm chí là hơn, hay là được cả.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận