Đám cưới người Dao
Thứ hai, 07:42, 28/06/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Xưa kia, trong hôn nhân, người Dao đỏ ở Lào Cai có nhiều tục lệ. Đám cưới chủ yếu do cha mẹ quyết định. Nếu sau lễ ăn hỏi, nhà gái thay lòng sẽ phải chịu phạt rất nặng. Với người Dao áo dài ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, họ có lễ cầu tự khi một cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái.

Nhà gái thay lòng sẽ bị phạt nặng
"Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" là tục lệ trong hôn nhân của người Dao đỏ ở Bát Xát, Lào Cai xưa. Cô gái nào đến tuổi cập kê, được bố mẹ chàng trai "để mắt", họ sẽ được nhà trai đến nhà dạm hỏi. Buổi gặp mặt đầu tiên sẽ có lễ đặt vòng. 

Tẩn Tả Mẩy ở Bản Xèo, Bát Xát cho biết, trong lễ này nếu cô dâu ưng thuận sẽ nhận vòng. Và kể từ đó cô gái sẽ ở nhà chăm chỉ, cần mẫn thêu cho mình những bộ quần áo mới để chuẩn bị cho hôn sự của mình.

Gia đình sửa soạn cho cô dâu. Ảnh:laocai.tintuc.vn

"Vào nhà người ta mình phải thêu trang phục mình mặc trong lúc làm đám cưới. Nhà trai đưa đồng bạc, đưa chỉ mình khắc tự thêu. Ở nhà một năm để thêu 1 – 2 bộ. Đến mùa đông cưới mình khắc có quần áo mặc đi lấy chồng đấy". 
Còn chị Lý Thị Ký bảo, sau nghi thức đặt vòng sẽ là lễ ăn hỏi. Một khi đã tiến đến bước này, cô gái sẽ không được trả vòng lạ. Nếu không sẽ bị gia đình nhà trai phạt nặng.
"Mới đặt vòng thì chưa bị phạt. Mình mang về, mình không ưng con trai đấy thì mình không bị phạt. Nếu nhà trai mà đã mang con gà, con lợn đi ăn hỏi. Có cả rượu, cả gạo nữa, mình không ưng mang đi giả sẽ bị phạt gấp đôi".
Không thể thiếu lợn và bạc trắng
Trong lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ thách đồ sính lễ để ngày cưới nhà trai đi đón dâu sẽ mang sang. Ông Tẩn Vần Siệu, người Dao đỏ ở Tả Chải, Sa Pa, Lào Cai cho hay, đồ thách ngoài tiền còn có thịt lợn. Khi xưa, nhà nào muốn lấy vợ cho con phải chuẩn bị khá nhiều bạc trắng và lợn. Ngoài thể hiện giá trị của cô dâu còn là tình cảm của bố mẹ chồng dành cho dâu mới.

"Trước đây thách cưới 6 tạ lợn. Tương đương 7 con lợn. Tiền thì trước đây 80 đồng. Cái tiền đấy là cho bố mẹ để thêu, may quần áo cho đứa con gái đi lấy chồng. Tiền, thịt lợn là không thể thiếu được".

Theo chị Lý Tả Mẩy, ở xã Bản Xèo, lúc đưa dâu về nhà chồng người Dao đỏ nơi này chỉ có anh ruột đưa đi. Đến nhà chú rể, họ sẽ được gia đình tặng mỗi người một đùi lợn mang về làm quà. 

Tiếng kèn ngày cưới mừng cô gái Dao về nhà chồng. Ảnh: vov.vn

Chuyện làm dâu
Ngày về nhà chồng làm dâu cả đời người phụ nữ Dao đỏ sẽ phải thực hiện những quy định nghiêm ngặt do tổ tiên đặt ra. Sáng sớm, nàng dâu mới phải dậy đun nước cho bố mẹ chồng rửa mặt. ròn một tháng về nhà chồng, cô dâu mới được về nhà bố mẹ đẻ lại mặt.
Đã làm dâu người phụ nữ đó phải biết ý tứ trong cách đi, đứng, nói năng, ứng xử, làm tròn đạo hiếu. "Mới về làm dâu ngày xưa phải ngồi xổm chứ không được ngồi ghế đâu. Có mặt ông bố chồng hoặc anh chồng, cậu của chồng, bác của chồng ăn cơm mình không được ngồi. Phải đứng hoặc ngồi xổm. Bây giờ thì cải tiến rồi không phải ngồi xổm nữa, đớ vất vả hơn". - Chị Ký chia sẻ.

Người Dao còn có nhánh địa phương gọi là Dao Thanh phán, sinh sống chủ yếu ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Cũng như các nhanh địa phương người Dao khác, sính lễ thách cưới của đồng bào Dao Thanh phán trước kia rất nặng nề. Bởi vậy bà con nơi đây còn quy định: nếu sống với nhau, hai vợ chồng không còn yêu thương nhau nữa, mỗi người một ngả. Người vợ đi bước nữa, người chồng mới phải trả hết số lễ vật mà trước kia anh chồng cũ đã dâng cho người vợ này.

Anh Dường Cắm Hếnh ở xã Đồng Văn, Bình Liêu lý giải: Lúc mình lấy đã phải vay lợn, vay gà, của anh em họ hàng. Thời điểm ly hôn chưa trả được hết thì bên vợ cũng phải lấy cái nợ đó đi theo để giả nợ cho họ hàng. Ý là khi người chồng mới lấy vợ này phải chấp nhận. Khi ly hôn xong người chồng mới này cũng phải đến nhà người chồng cũ hỏi trước. Hỏi còn những sính lễ, chỗ vay, chưa trả được hết còn bao nhiêu. Bên nhà chồng đồng ý thì sẽ phải trả cái phần đấy. Giúp chồng cũ trả cái dư nợ đấy". 
Múa cầu tự 
Với người Dao áo dài ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, khi đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con, họ phải làm lễ cầu tự, xin bà Mụ ban phát con cái.
Người Dao Áo dài quan niệm, bà Mụ là người có quyền phân phát con. Gia đình đông con hay ít con sẽ do bà mụ phân phát. Trong trường hợp hiếm muộn người ta phải cầu xin bà mụ ban phát đứa con này.
Trong lễ cầu tự, lễ vật chủ yếu là những sản vật bình thường như xôi, gà, rượu. Đặc biệt, phải đón các thầy cúng đến làm lễ. Người thầy cúng sẽ mặc áo đỏ, đeo mặt nạ và cầm thanh gỗ có hình dạng tựa sinh thực khí nam quấn vải đỏ bao quanh rồi tiến hành múa cầu tự.

Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì phân tích: Động tác múa miêu tả việc là gia đình không có con là một việc đáng xấu hổ, cho nên phải muối mặt đi xin con. Xin bằng cách ông thầy cúng đại diện cho gia chủ đi tán bà mụ. Việc tán tỉnh này cũng là một việc không phải nên bắt buộc phải đeo mặt nạ.

"Việc thầy cầm thanh gỗ có quấn vải đỏ có hình dạng sinh thực khí mang hàm ý muốn khoe anh chồng này không có những khiếm khuyết về cơ thể. Việc không có con là do trời bắt tội nên họ phải đi xin đứa con ấy. Cuối buổi lễ, thầy cúng sẽ đưa ra ba chén rượu. Ba chén rượu này tượng trưng cho lời đáp từ của bà mụ với đôi vợ chồng hiếm muộn. Hai vợ chồng, đặc biệt là người vợ phải uống hết chén rượu đó hàm ý đón nhận con mà bà mụ ban tặng. Kết thúc, thầy cúng để tỏ vẻ rất xấu hổ anh ấy phải chạy vào một chỗ kín để thay quần áo. Sau khi thay xong, anh ấy còn chạy trước đám đông bảo: ôi, ở đây làm gì mà vui thế này để che giấu cái sự xấu hổ, ngượng ngùng khi phải làm cái việc nó không đúng. Rất là vui. Múa cầu tự là một nét rất độc đáo của người Dao Áo dài". - Ông Nhân nhận định.

Đỗ Quyên/VOV4

 


 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC