Đám cưới trọng đại của người Pa Cô
Thứ sáu, 00:00, 29/07/2016

(VOV4) - Trong số những nghi lễ vòng đời, người Pa Kô coi trọng đám cưới. Trước kia, trong tất cả các gia đình người Pa Kô, hễ con trai con gái đến tuổi dậy thì, là cha mẹ, thậm chí cả anh em, họ hàng đã bắt đầu tính tới chuyện phải chuẩn bị các lễ vật.

 

Nhà nào có con trai, thì chuẩn bị tiền, vàng bạc, bò, heo, thau, chiếu… Còn gia đình nào có con gái thì chuẩn bị zèng (thổ cẩm), chiếu a lơơq, gạo ngon các loại, gà, vịt, cá… Số lượng lễ vật nhiều hay ít tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.

 

Sau những đêm sim để tâm tình tìm hiểu, đôi trai gái Pa Kô ưng nhau, quyết định tiến tới hôn nhân thì phải báo cáo với hai bên gia đình. Nếu họ hàng, cha mẹ hai bên đồng ý thì tiến hành đám hỏi.

 

Không phải đợi tới lễ cưới hai bên mới trao lễ vật, mà lễ vật được trao cho nhau ngay từ nghi lễ ban đầu này. Nhà trai phải chuẩn bị tiền, bạc, hạt mã não. Nhà gái chuẩn bị sẵn một mâm cơm thân mật đón nhà trai và một tấm zèng để nhận lời. Sau khi vào nhà, nhà trai ra mắt nhà gái bằng cách dọn một mâm cỗ có thịt heo, trâu, bò, dê và rượu đã chuẩn bị sẵn; mời nhà gái ăn rồi mới thưa chuyện.

 

 

Khi con trai con gái Pa Kô đến tuổi dựng vợ gả chồng, họ tộc phải chuẩn bị các lễ vật.  Ảnh:baomoi.com

 

Tuần trà đầu tiên kết thúc, đại diện nhà gái mở lời trước để gợi chuyện. Nhà trai bắt đầu thưa chuyện và trao cho đại diện nhà gái lễ vật xin phép nhà gái gả con gái cho con trai mình. Nhà gái ưng thuận thì bày tỏ cho nhà trai biết để chuẩn bị các lễ vật. Hai bên gia đình bàn thời gian cho lễ cưới chính thức. Mọi việc xong xuôi, nhà gái mới dọn mâm cỗ để tiếp đón nhà trai. Một tuần sau lễ hỏi thì lễ cưới chính thức được tiến hành.

 

Có một gia đình tổ chức cưới thì tất cả mọi người ở trong nhà dài cùng tham gia, bởi vì một ngôi nhà dài là một họ. Già Hồ Văn Pưa nét mặt rạng rỡ, đi đi lại lại trước sân nhà dài. Chỉ tay về phía cuối ngôi nhà, già bảo: căn phòng hạnh phúc của đôi trẻ, nếu trước kia thì sẽ ở phía cuối nhà dài. Còn bây giờ, làm riêng một góc, nhà xây, mái đổ bê tông cho bền chắc.

 

Chú rể Hồ Nguyên Giáp và cô dâu - người cùng bản Cà Củ 2 (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên - Huế) bẽn lẽn trong chiếc áo đỏ truyền thống. Giáp bảo: “Trang phục này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người này đám cưới xong lại để lại cho người khác đám cưới. Nếu trang phục cưới cũ rồi thì lại may cái mới”.

 

Người Pa Cô ở Thừa Thiên Huế tổ chức đám cưới tại nhà trai, ngay sau đó, vẫn những nghi lễ bắt buộc, đám cưới lại được tổ chức bên nhà gái. Cô dâu, chú rể và hai bên họ hàng tập trung ở trước cổng nhà chú rể. Lúc này, mẹ chú rể đã chờ sẵn ở cửa nhà để đón con dâu. Bà âu yếm cởi tấm zèng trên vai cô dâu xuống và đeo vào cổ con dâu mới một chuỗi hạt cườm.

 

 

Nhà trai làm lễ Pâr xool (lễ nhận thông gia).  Ảnh:baomoi.com

 

Lễ nhận thông gia bắt đầu.Nhà trai trao lễ vật kết tình thông gia cho phía nhà gái. Những lễ vật nho nhỏ như chiếc khăn, chiếc gối, hay tấm zèng… nhưng gói ghém nhiều điều: Trao cho bố mẹ cô dâu để tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục đứa con gái lớn khôn, ngoan hiền, trao cho anh chị cả của cô dâu để gửi gắm sự biết ơn công anh chị đã quan tâm chăm sóc, dạy bảo em gái, trao lễ vật cho chủ họ để tạ ơn đã lo toan đỡ đần cho nhà thông gia chuẩn bị việc cưới hỏi.

 

Hai già làng, đại diện cho hai gia đình, hai dòng họ, vừa hát đối đáp, vừa nhún nhảy theo nhịp chiêng. Già Hồ Văn Hạnh, ở xã Hồng Trung, bảo: “Múa vòng tay có nghĩa là ôm ấp đấy. Ôm ấp với nhau giữa hai thông gia. Và đó là tấm lòng của bố mẹ đối với con của mình. Mình yêu mình quý và mãi mãi như thế”.

 

Kể từ thời điểm đó, đôi bạn trẻ chính thức nên vợ nên chồng. Họ cùng ăn chung nột bát cơm với hai quả trứng gà, cùng thề nguyện sẽ sống với nhau mãi mãi. Và suốt 1 tuần liền sau đám cưới, cô dâu ở bên nhà chồng, không được bước ra khỏi cổng ngõ.

 

Một tuần sau lễ cưới tại nhà trai, đám cưới lại được tổ chức một lần nữa tại nhà cô dâu. Nhà trai vẫn chuẩn bị lễ vật có phần nhiều hơn đám cưới trước, thể hiện sự tôn trọng nhà gái. Một con lợn khoảng 1 tạ, còn sống, được buộc vào chiếc gậy to, hai thanh niên lực lưỡng lặc lè khiêng đến nhà gái để nhà gái làm cỗ.

 

Cô dâu và chú rễ vẫn mặc trang phục truyền thống. Cô dâu là người đầu tiên bước chân lên nhà dài, rồi lặng lẽ thả chiếc đũa mang sẵn bên người xuống dưới cầu thang, với hàm ý: từ nay chúng con đã là một, sẽ thường xuyên qua lại để chăm sóc gia đình.


Các nghi lễ tiếp theo cũng diễn ra tương tự như đám cưới bên nhà trai. Cũng có lễ nhận thông gia, trao lễ vật, hát đối đáp…

 

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC