(VOV4) - Trong mỗi đám tang của người Tày - Nùng không thể thiếu được vai trò của thầy Tào. Thầy Tào là người chủ trì toàn bộ buổi lễ.
Ông Hoàng Tuấn Cư (công tác tại Chương trình Thái học, thuộc Viện Việt Nam học), thầy Tào là thầy chính trong lễ tang. Trước khi thầy Tào được đón về, người nhà phải lập một mâm hương ở cạnh bàn làm việc của thầy Tào. Ngoài thầy Tào, hay còn gọi là thầy cả, còn có thầy phụ và những người đi theo là con hương, vừa học nghề vừa phụ giúp trong việc đánh trống, chiêng, chũm chọe, thanh la.
Mâm hương là nơi tôn kính, là nơi thầy Tào dùng để xin phép thần linh, phải được sự đồng ý của thần linh mới có thể tiến hành các nghi lễ được. Mâm hương lúc này đóng vai trò như một sứ giả, thông báo đến các thần linh có công việc như vây, mong được chứng giám.
Thầy Tào đang hành lễ. Ảnh: baomoi.com
Theo ông Cư: "Để làm mâm hương, phải có một bát gạo, thắp ba nén hương, sau đó thầy phù phép và đặt ấn của thầy vào bát hương ấy. Sau đó, người nhà đặt bánh, hoa quả lên. Thầy thông qua khói hương, nhờ nàng hương đi mời các ông thầy đã quá cố và mời cả âm binh về hỗ trợ cho công việc ngày hôm nay thông đồng bén giọt. Mâm sứ giả không thể thiếu được, không có mâm này thì thầy không thể làm lễ được".
Bên cạnh mâm hương là mâm vong dành cho người chết, được đặt ngay cạnh bàn làm việc của thầy Tào. Trên mâm vong, gia đình cũng phải chuẩn bị các đồ lễ, các vật dụng cần thiết cho người đã khuất. Mâm vong gồm một con gà nhép, đôi đũa hoa vót ngược, bánh trái.
Ngoài hai mâm lễ chính này, người nhà phải chuẩn bị nhà cho người chết ở, gọi là “rườn vì”, hai bên có hai nàng hầu, có cả con ngựa cho người xuống dưới âm phủ cưỡi. Các bà trong làng sẽ đến cắt giúp những bộ quần áo cho người chết treo lên đó, để khi đốt, người chết nhận được.
Khi tiến hành lễ tế thì ngoài thầy Tào, ở một số địa phương, gia chủ sẽ nhờ các ông quan viên trong làng cùng thực hiện. Quan viên được dân làng lựa chọn, là người có đức, có tài, được dân làng kính trọng. Có nơi, các ông quan viên thay thầy Tào đọc lời tế.
Sau khi việc tế lễ xong, thầy Tào bắt đầu than. Có nhiều hình thức than, như con cái than, con rể than, thông gia than, khách than… Các bài than có thứ tự và được thầy Then, thầy Tào dẫn dắt. Mọi người trong lễ tang đều phải thực hiện theo lời than này. Mời đến người nào thì người đó phải đứng dậy thực hiện.
"Thầy sẽ thán tang, vừa có tính tâm linh, vừa có tính dân gian, vừa có tính văn học. Ông thầy phải có giọng tốt, người không khóc cũng phải khóc. Khai lộ thán tức là than mở đường. Đó là lời của thầy, sau đó thay con cái than. Thầy phải đi vòng quanh quan tài theo chiều kim đồng hồ. Con cái đi theo sau thầy, mỗi một câu, một đoạn thì trống, chiêng lại tùng xoèng, cầm vàng bạc làm bằng giấy bản ấy để đốt cho vong linh hưởng" - ông Cư kể.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận