Dân tộc Kor - Chủ nhân vùng quế Quảng
Thứ tư, 19:12, 03/11/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Người Kor nói tiếng Kor, thuộc ngữ tộc Môn – Khmer. Với nền kinh tế nương rẫy chủ đạo, người Cor trồng lúa, ngô, sắn và nhiều loại cây khác. Trong đó phải kể đến quế.

"Ra ở riêng" có giống quế làm hồi môn
Theo các nhà nghiên cứu, từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, quế Trà Bồng đã được các thương nhân Ả Rập biết đến và có mặt ở nhiều nước Tây Á.
"Nhà khoa học người Pháp Georges Condominas từng ở vùng đất quế Trà Bồng. Theo ông, vùng đất quế này hình thành từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, các thương thuyền của Châu Âu, của vùng Trung Đông đã đến đó mua quế. Việt Nam có 3 vùng quế lớn nhất đó là quế Thanh ở Thanh Hóa, quế Quỳ ở Quỳ Châu, Nghệ An và quế Quảng là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong 3 vùng quế đó, thịnh nhất và có nhiều quế trồng nhất là quế Quảng Nam, Quảng Ngãi, tức quế Trà Bồng, Trà My. Một gia đình có thể trồng hàng ngàn, hàng vạn cây quế để bán. Trong đời sống họ sử dụng quế rất ít". - Ông Cao Chư, nguyên PGĐ Sở văn hóa thể thao và du lịch Quảng Ngãi nói.

Người Kor đấu chiêng. Ảnh: nld.com.vn

Xưa nhờ có quế mà người Kor có thể trao đổi những thứ đồ thiết yếu ấy để phục vụ cho cuộc sống của mình. Ông Hồ Văn Biên, người Cor ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi tự hào kể, trao đổi, mua bán đều bằng quế. Dựng vợ, gả chồng được bố mẹ chia của hồi môn, chia vốn lập nghiệp. Mà vốn ở đây không thứ nào khác đó là giống quế. 
"Cây quế là thu nhập kinh tế nhất của người Kor. Đổi lưu những cái gì là người ta dùng quế. Ra riêng là cha mẹ chỉ cho giống quế.

Cùng với chiêng, ché, nồi đồng, quế cũng chính là thước đo để đánh giá tiềm lực kinh tế của các gia đình người Kor.
Coi trọng quế vì đã giúp bà con có của ăn, của để, cứ tháng 10 âm lịch hàng năm – mùa ăn Tết ngả rạ, người Kor lại dựng nêu, cúng gà, cúng heo để cảm tạ thần núi, thần sông, thần quế đã ban mùa no ấm.
Qua nhiều thế kỷ, người Kor vẫn gắn bó, gìn giữ giống quế bản địa quý hiếm của ông bà. Tháng 10/2013, quế Trà Bồng được tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh là Kỷ lục Châu Á mới, góp phần mang quế Trà Bồng tỏa hương bay xa. 
Văn hóa Kor đậm nét
Ngoài quế, người Kor xưa kia nổi tiếng với nguồn trầu ngon và cách ăn đặc biệt. Họ dùng vỏ cây chay ăn với trầu được têm vôi nung từ ốc đá suối và cau tươi hay cau xắt miếng được hong khô bởi khói bếp. Tất cả tạo nên hương vị riêng cho việc ăn trầu của người Kor. 
Nhắc đến văn hóa Kor sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những ngôi nhà dài. Đó là truyền thống sống thành làng. Dân làng quây quần bên nhau trong nóc nhà dài. Một làng là một nóc. Đó là điều đặc biệt trong văn hóa của người Cor.
Theo truyền thống, mỗi khi hoàn thiện nhà dài, người Cor sẽ treo lên đó bộ gu khắc vô vàn những hoa văn để trang trí. Bộ gu đó được làm khi dựng nêu ăn trâu cúng thần Cơ Pơ Noong – vị thần tối thượng trên trời của người Kor.
"Làng 30 chục hộ. Dài nhất hồi trước theo ông bà là 30 hộ. Phân biệt một gia đình thì ví dụ có khuôn riêng. Nếu mình mới ra mình làm nhà nhỏ, có tum, có gươl. Tum là để mình sinh hoạt, lửa, gươl trên kia là để tiếp khách, đàn ông ở trên, đàn bà ở dưới. Làm nhà dài, dưới để cho thoáng không khí, người ta để dưới này là củi. Mục đích về sau là để đoàn kết". - Ông Biên chia sẻ.
Theo ông Biên, trong mỗi căn hộ của ngôi nhà dài ấy, tum là nơi người Kor kiêng không cho khách lạ vào. Đó là nơi gia đình để đồ quý giá, cũng là nơi ở của con gái trong nhà. Nếu không được sự cho phép của gia chủ, người lạ bước vào sẽ bị phạt.

Phụ nữ Kor múa cà đáo cổ vũ đấu chiêng. Ảnh: nld.com.vn

"Con gái thường ở trong tum, ít ra lắm. Bữa nay là tự do rồi, hồi xưa, thanh niên phải có ông mai đàng hoàng nên phải cự cho nó. Vào nhà Kor mình phải hỏi có ai không, có cữ không. Không cữ thì tự nhiên vô. Bữa nay vẫn như vậy, tuy nhà riêng người ta vẫn vô nhà người ta cũng hỏi".
Vậy làm thế nào để biết nhà người Cor đang kiêng cữ? Hóa ra cũng thật đơn giản. Bà con treo lá trước nhà để mọi người biết đường tránh vi phạm.

Người Cor thiên về phụ hệ, người chủ của mỗi nóc thường là người đàn ông cao tuổi, có uy tín nhất gọi là già làng, chỉ huy mọi việc của làng đó. Giúp việc cho chủ làng là hội đồng già làng của nóc. Còn ở mỗi hộ, người đàn ông trong gia đình sẽ làm chủ. Ông chủ làng sẽ sống tại gian đầu tiên của ngôi nhà dài. Từ hiên nhà chạy dọc là hành lang phân chia một bên là dãy các hộ gia đình, và một bên là gươl – nơi sinh hoạt cộng đồng của người Cor. Và đây cũng là nơi để họ tiếp khách của cả làng.
Chiêng đực, chiêng cái
Người Kor chơi chiêng. Nhưng bộ chiêng của người Cor không đến cả chục chiếc như nhiều dân tộc anh em ở Trường Sơn Tây Nguyên. Một bộ chiêng của người Cor chỉ vỏn vẹn 2 chiếc.
"Hai cái chiêng không có núm, kích cỡ gần như bằng nhau, chỉ to nhỏ hơn một tí thôi để có thể đặt vào lòng nhau vừa lọt thôi. Một người chiêng trống, một người chiêng mái hay là chiêng vợ, chiêng chồng". - Ông Cao Chư cho biết.

Tuy không đồ sộ nhưng nghệ thuật cồng chiêng của người Cor vẫn có sự độc đáo riêng. Trong đó phải kể đến bộ môn nghệ thuật đấu chiêng với cách diễn tấu cồng chiêng. Chỉ bằng 2 bài chiêng chào khách, tiễn khách tiết tấu rộn ràng dùng trong lễ hội ăn trâu, hai người thi tài sẽ đấu với nhau về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách trình diễn, phô diễn hình thể mang tính thi đua cao cũng như khả năng sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình.
"Người ta dùng chiêng để đấu với nhau, gọi là đấu chiêng. Tức một cái chiêng trống đấu với chiêng mái. Và một cái trống để giữ nhịp, và đồng thời giống như trọng tài cho cuộc đấu đó. Hình thức đấu chiêng là hình thức giữa hai người chơi chiêng, và người ta đấu với nhau. Người kia xướng trước người này đuổi theo. Đó là hình thức sinh hoạt văn hóa, yếu tố diễn xướng rất độc đáo".
Gắn bó với chiêng từ khi sinh ra, lớn lên, với họ chiêng là một vật thiêng. Người Kor quan niệm: trong chiêng có thần. Bởi vậy, mỗi khi sử dụng, người ta phải mang chiêng ra cúng làm phép.
Chiêng của người Kor vang lên mỗi dịp lễ hội, mừng nhà mới, ăn Tết Ngả rạ… Chiêng là tài sản quý, chiêng như một vật thiêng. Âm thanh của chiêng, giai điệu của chiêng là âm điệu dâng cho thần nên người ta trân trọng và giữ gìn chiêng cẩn thận. Cũng có khi chiêng được đem cất vào trong những hang đá, đến mùa lễ hội người ta mới mang chiêng về dùng. Hay trong nếp nhà dài chiêng được treo trên bức vách, người Cor ngày ngày truyền dạy cho cháu con những nhịp chiêng của ông bà để gìn giữ cho mai sau.

Đỗ Quyên/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC