Dâng gà lên Giàng xin đặt tên cho trẻ
Thứ tư, 00:00, 07/12/2016

(VOV4) - Những đứa trẻ Brâu được sinh ra dù ở rừng, ở nhà, hay gầm sàn, khi đã được 3-5 ngày tuổi thì gia đình sẽ chính thức làm lễ đặt tên. Tên đứa trẻ phụ thuộc nhiều vào ché rượu hoặc con gà cúng. Và rượu - gà ngon thì coi như Giàng đã đồng ý!



 

Khi tục đẻ rừng đã dần mất đi trong đời sống của người Brâu thì sản phụ sẽ được một bà Mụ chăm sóc. Bà Mụ này là một người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc những đời còn đỏ hỏn. Chính bà Mụ cũng là người đặt tên cho đứa trẻ

 

Có một bà Mụ ở trên trời săn sóc việc sinh đẻ  và sức khỏe cho đứa trẻ. Còn trên thực tế, trong cộng đồng thì có những bà Mụ thật là những bà mẹ có nhiều kinh nghiệm. Họ sẽ trợ giúp cho người  phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc những đứa trẻ khi còn bé.

 

Người đàn ông Brâu thực hiện nghi thức thiêng liêng. Ảnh: baomoi.com


Người Brâu rất coi trọng cái tên, bởi họ quan niệm tên đó là do sự chỉ định của Giàng, cho nên tên đó sẽ đi theo đứa trẻ suốt cuộc đời.


Bố mẹ không đặt tên cho đứa trẻ mà phải do bà Mụ đó đặt. Việc đặt tên là nghi thức thiêng liêng, quan trọng. Bà mụ sau khi đỡ đẻ xong thì đã có ý tưởng đặt tên cho đứa trẻ như thế nào. Cái tên không theo chủ quan của bà mà mang tính tâm linh nhiều hơn.

 

Rượu và gà được bày ra trong gian nhà có bếp lửa (vì bếp lửa chính là không gian thiêng của người Brâu). Đứa trẻ sẽ được bố hoặc mẹ bế trên tay. Lúc này, người chủ lễ sẽ thực hiện nghi lễ đặt tên cho trẻ.

 

Theo tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: "Thấy đứa trẻ này khỏe mạnh, bụ bẫm, hình thức sáng sủa, bà mụ nghĩ ra một cái tên thì bà sẽ cúng và hỏi Giàng rằng hôm nay gia đình làm lễ đặt tên cho đứa bé, định đặt tên cho đứa bé như thế này, nếu là con trai thì A gì đấy, A Pliêng, A Đóc... nữ thì là Y này  Y kia, bà khấn như thế, rồi bà uống một ngụm rượu cần. Uống cảm thấy rượu rất là ngọt, ăn một miếng thịt gà, thấy ngon. Đứa trẻ trước mặt, bên cạnh ghè rượu đấy, người mẹ sẽ bế đứa trẻ trên tay, đứa trẻ ngủ ngon, không quấy khóc gì cả, thì bà mụ cho rằng Giàng đã đồng ý với cái tên như thế và đứa trẻ mang tên ấy".


Còn nếu như đứa trẻ quấy khóc, rượu trong ghè nhạt, miếng thịt gà không ngon, thì bà Mụ sẽ phải thực hiện lại nghi lễ và lại mở một ghè rượu nữa, cúng bái, rồi lại thử rượu cho tới khi được Giàng đồng ý, tức là khi đứa trẻ không còn khóc, ngủ say sưa và rượu cần đã đậm đà hơn. Mọi thủ tục trong lễ đặt tên hoàn thành thì lúc này mọi người cùng nhau mở rượu, ăn thịt gà, cùng chia vui với gia chủ. 

 

Người Brâu quan niệm khi đứa trẻ chưa làm lễ thổi tai thì chưa phải là thành viên chính thức của gia đình và cộng đồng. Vì vậy, khi tròn một tuổi, đứa bé sẽ phải làm nghi thức này. 

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC