Đắp bếp là việc thiêng với người Mường
Thứ hai, 00:00, 20/03/2017 Thanh Tâm Thanh Tâm

VOV4.VN - Đồng bào Mường so sánh việc đắp bếp khi vào nhà mới linh thiêng không kém việc bắc đòn nóc khi dựng nhà. Một ngôi nhà sàn của người Mường chỉ chính thức được chủ nhân vào ở khi hoàn thành nghi lễ đắp bếp.


Ngoài chức năng chính là nấu ăn, bếp của người Mường còn  là nơi sum vầy, là nơi đi về, là nơi sưởi ấm, là nơi bảo vệ con người.

 

Từ bên bếp lửa, người Mường ra đi kiếm lương thực, thực phẩm; đi săn bắt, hái lượm, đánh cá, hái rau… rồi lại mang trở lại bếp để nấu nướng và ăn uống. Trước kia, từ bếp, người ta mang lửa đi đốt nương làm rẫy. Từ bếp lửa, người ta đốt đuốc để soi đường đi trong đêm; để xua đuổi thú dữ, để vây bắt giặc dã…

 

Có thể nói, từ đốm lửa trong bếp nhà sàn, người Mường làm rất nhiều thứ để xây dựng, bảo vệ và phát triển cuộc sống của họ. Người Mường tự hào rằng: Bếp ở ngôi nhà sàn Mường là trung tâm để nuôi dưỡng, phát triển sự sống của chính dân tộc Mường.

 


Bếp của người Mường được đặt ở cạnh cột cái. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường


Bếp của người Mường thường được đặt ở một vị trí rất đặc biệt trong ngôi nhà, cạnh cột cái. Ngôi nhà một gian, ba gian, hay là năm gian, thì thường gian trong cùng, cạnh cột cái, người ta đặt bếp. Người ta coi cột cái là điểm tựa.

 

Tiến sĩ Bùi Văn Thành, người Mường ở Kim Bôi (Hòa Bình), cho biết: Theo thông lệ thì ngày đắp bếp cũng là ngày vào nhà mới. Tuy nhiên, nếu gia đình nào dựng nhà chưa xong, nhưng chọn được ngày đẹp để đắp bếp thì vẫn cứ tiến hành. Ngày Cây được chọn để đắp bếp. 


Việc chọn ngày đắp bếp do các ông Mo, ông Trượng. Thường, người ta chọn ngày Cây theo lịch Đá Rò - đó là ngày khởi phát, ngày sinh sôi nảy nở. Ngày cây, mặc dù là ngày tốt rồi, nhưng còn phải tránh ngày kỵ của gia đình ấy. Trong ngày Cây thì có 3 ngày Cây là: Cây trong, Kim trong và Thứm trong. Phải chọn trong 3 ngày Cây ấy.


Chọn được ngày rồi, sẽ tới việc chọn người nhóm bếp. Người nhóm bếp là người quan trọng, bởi họ là người chính thức dựng lên ngọn lửa cho ngôi nhà. Người nhóm bếp có vai trò là người khởi phát cho mọi sự tốt đẹp của ngôi nhà, cho nên bà con chọn người nhóm bếp rất kỹ. Thường thì chọn những người có tuổi, mẫn tiệp, khôn ngoan, gia đình hạnh phúc. Người được chọn phải là đàn ông còn vợ, con cháu đề huề, gia đình êm ấm, hạnh phúc. 


Thầy Trượng được mời đến làm lễ mát nhà (tức là xua đuổi hết tà khí, ám khí trong nhà, xung quanh nhà), rồi bố cáo với thổ địa, mời vua bếp về nhập vào ngọn lửa. Việc đắp bếp khi đó mới chính thức bắt đầu. Bán bếp được làm trước tiên, bằng loại gỗ chắc và ít bắt lửa như: nghiến, trai, ổi, hoặc là cây nhâm vòng. Bán bếp là bộ khung gỗ đục lỗ, luồn xà và chốt thành hình chữ nhật, có chiều rộng 1,5m, chiều dài khoảng 2 mét, cao khoảng 25cm. Gia đình nào không có điều kiện thì làm bán bếp bằng gốc bương, gốc tre. Cố định xong bán bếp, đến công đoạn trải hai lớp bẹ chuối tươi, đổ đất, đầm kỹ. 


Bếp Mường, bao giờ cũng dựng 3 hòn nục, tức là dựng 3 ông đầu rau. Bà con phải chọn hòn đá ở những nơi sạch sẽ, có màu xanh, hoặc là đá vôi, không chọn đá cuội ngoài sông, vì loại này khi đốt hay bị nổ. Bếp chỉ được đốt lên khi đã có đủ hòn nục.


Người được chọn làm thủ tục nhóm bếp vừa tiến hành vừa nói: hôm nay nhóm bếp, cầu chúc cho gia đình này mọi thứ tốt lành, phát đạt, thịnh vượng, mọi thứ đều tốt đẹp. Lửa bắt đầu cháy đượm thì người nhóm bếp phải làm một thủ tục nữa là lấy dao cắt bẹ chuối thành hình 3 con cá to bằng bàn tay, chẻ kẹp  bằng tre gắp 3 con cá, cời than ra và nướng. Vừa nướng, vừa cầu khấn là: Từ nay, bếp này hàng ngày đều có thịt có cá để nấu để nướng, để con cái có đủ cái ăn cái ở.


Lúc này, người nhóm bếp gọi người nhà đến, bảo: nhóm bếp xong rồi, từ đây là các con các cháu cứ thế mà nấu mà nướng mà ăn mà làm cho nó nên. Bà chủ nhà khi đó cầm đến một túm bông thóc, dụi vào than nóng, làm bỏng nổ lép bép. Trẻ con được gọi đến để cời bỏng ra ăn. Một số nhà lấy chảo ra rang ngô hoặc nổ bỏng, hay luộc ốc cho tất cả mọi người cùng ăn và cười nói vui vẻ. Bắt đầu từ đó, mọi sinh hoạt trong gia đình gắn liền với bếp. 


Thủ tục đắp bếp hoàn thành, nhưng người Mường vẫn duy trì ngọn lửa trong ít nhất 3 ngày đêm để cầu mong may mắn đến với ngôi nhà mới. 

 

 

Thanh Tâm/VOV4


Thanh Tâm

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC