(VOV4) - Củ mài ăn sâu trong lòng đất, có khi cách mặt đất tới gần 2m, nếu không có những kĩ thuật và công cụ đặc thù, phải tốn nhiều công sức, đào hố thật lớn, thật sâu, mới thu được một củ mài nguyên vẹn.
Kỹ thuật đào củ mài mà ông Lăng Thế cư, dân tộc Thổ, ở Quỳ Hợp, Nghệ An, giới thiệu được truyền lại từ xưa, thể hiện tính thức ứng cao của bà con trong môi trường sinh tồn khó khăn giữa rừng núi.
Theo ông Cư thì việc đầu tiên là phải để ý mà tìm dây mài: “Nguyên tắc vào rừng tìm dây mài là không được nhìn ngang mà phải nhìn lên các ngọn cây. Khi củ mài chín là dây nó gãy, chỉ mắc mấy cái lá ở trên ngọn. Tìm thấy cái dây cắm xuống đây thì mình chặt phát xung quanh cho rộng rồi mình đào”.
Củ mài có 2 loại, củ nếp và củ tẻ. Loại củ nếp thì vỏ lụa mỏng, màu hơi sáng vàng, bẻ ra rất thơm. Còn củ tẻ vỏ hơi đen mà cứng, dày, không thơm. Củ nếp lá tròn, bầu bầu. Còn củ tẻ thì lá dài hơn. Thông thường khi gặp, bất kể nếp tẻ, vì ở nhà đói nên người Thổ vẫn phải đào!
Một thời, bữa ăn chỉ gồm củ sắn, củ mài. Ảnh minh họa: baomoi.com
Dụng cụ đào mài của ông Cư là một cái thuổng cán dài hơn 2m (tiếng Thổ gọi là xuổng), lưỡi xuổng dài một gang tay, khum thành vòm, phần tra cán cuộn ngược vào trong. Với hình dạng như vậy, khi đào, đất được giữ lại trong lưỡi xuổng, theo tay người đào kéo lên. Ông Cư không đào quanh gốc mài mà chỉ đào ở một bên mà thôi.
"Có người may ra, đào xuống gặp ổ mối thì củ nó khoanh tròn là người đó rất may. Mà có người may nữa là củ nó chín, như kiểu ta nấu rồi. Thơm, đưa lên ăn tại chỗ luôn. Đấy là trường hợp gặp trong tổ mối vì tổ mối nóng, nung củ mài chín luôn" - ông Cư nói.
Người Thổ đào một bên là để rễ củ không đứt hết, họ cắt lại một phần đầu củ vui xuống, năm sau quay lại đúng gốc này vẫn có mài để lấy. Khi toàn bộ thân củ đã lộ ra, ông Cư dùng lưỡi thuổng nạy dứt thân củ ra, rồi rút con dao đeo sau lưng chặt một cây mét gần đó, vót nhọn, chích nhẹ vào củ nhấc lên. Vậy là cả củ mài dài hơn 1m được lấy lên dễ dàng và còn nguyên vẹn.
Đi đào mài, phải đi theo đoàn và phải đoàn kết
Trước đây, củ mài là nguồn lương thực dự trữ của người Thổ trong những năm mất mùa, hoặc những lúc giáp hạt đói kém. Với bản tính phòng xa, kể cả khi lúa đầy kho, người Thổ vẫn đào củ mài ăn và để dành lúa gạo phòng khi thiên tai, mất mùa. Đi đào mài thể hiện khá rõ nét tính cố kết cộng đồng của người Thổ.
Người Thổ đi đào mài kết thành từng nhóm. Ảnh minh họa: baomoi.com
Khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, khi dây củ mài bắt đầu đổ lá và khô héo là thời điểm củ mài cho nhiều tinh bột và ngon nhất, người Thổ đổ vào rừng tìm đào mài. Lúc này, củ mài lớn đẫy. Có củ to bằng bắp tay người lớn, dài phải gần 2m và nặng hàng yến.
Người Thổ đi đào mài không đi riêng lẻ mà kết thành từng nhóm, quy ước trước với nhau xem ai đi hướng nào để nếu bị lạc, thì cả nhóm cứ theo hướng đó mà tìm. Mỗi nhóm cử ra một người dẫn đầu, có thể là nam hay nữ. nhưng thường là đàn ông. Đó còn phải là người thông minh, khỏe mạnh và thông thạo địa bàn.
Theo lời ông Nguyễn Huy Vương, ở thôn Nam Lợi, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, nhóm người Thổ vào rừng đào mài bao giờ cũng đi thành hàng một. Tất cả thành viên vác xuổng ở cùng một bên vai, cán hướng về trước, lưỡi hướng ra sau. Khi nào trưởng nhóm đổi vai thì cả nhóm đồng loạt đổi theo.
Ở một số vùng người Thổ như Minh Hợp, bà con còn hình thành tập tục khi nào trưởng nhóm tìm được dây mài, phát lệnh đào thì cả nhóm mới được đào. Khi trưởng nhóm chưa tìm được dây thì các thành viên khác chưa được đào dù đã tìm được dây mài:
"Người ta tôn trọng người cầm đầu. Lúc chiều tối ra về, kể cả ai đang đào dở hố của mình mà ông kia gọi mọi người về, thì tất cả cùng ra về. Theo người Thổ thì chủ phường ấy còn có phép thuật để chống thú dữ trong rừng nữa. Ông còn có nhiệm vụ quan sát mọi người tránh trường hợp để lạc, chịu trách nhiệm cho tính mạng của cả đoàn đấy" - theo ông Vương.
Người Thổ đi đào mài thường chỉ đi trong ngày. Khi đi đào mài, bà con kiêng không nói đến thú dữ do quan niệm hễ nhắc đến là sẽ gặp. Có người lạc nhóm hay bị tai nạn, bà con cũng sẽ hú lên như thú gọi bầy chứ không gọi thành tiếng để tránh thú dữ phát hiện.
Ngày nay, đời sống đã khấm khá hơn, người Thổ không còn phải vào rừng kiếm củ mài nữa. Hình ảnh từng đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau vào rừng, rồi vui vẻ quay về với những sọt mài đầy ắp, đã trở thành ký ức.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận