Bản làng và những đôi bàn tay đặc biệt
Bản Sưng là bản của người Dao Tiền với 73 hộ dân nằm bên núi Biều, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Theo lời người dân nơi đây, bản Sưng tồn tại ở núi Bều đã hơn 300 năm, tên gọi của bản bắt nguồn từ một loài cây có tên là cây Sâng, theo thời gian được gọi là bản Sưng.
Chỉ 5 năm trước, đường lên bản rất gập ghềnh, khó đi, cũng vì thế bản Sưng gần như tách biệt với cuộc sống hiện đại. Đến nay ngôi làng xinh xắn nằm ẩn mình trên núi cao vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Với định hướng xây dựng bản Sưng trở thành một bản du lịch cộng đồng tiêu biểu, đường đi lên bản được quan tâm tu sửa, giao thông đến bản Sưng hiện nay tương đối thuận tiện.
Những căn nhà ở bản Sưng được dựng bằng gỗ, mái lợp bằng lá cọ, ở chính giữa nhà là bếp nấu, phía trên là gác bếp để chứa các vật dụng và đồ ăn cần bảo quản, tránh ẩm mốc. Phía trước hiên nhà là sân phơi nông sản được kè bằng đá, nhà này nối tiếp nhà kia, lối đi được lát thành những bậc thang thoai thoải theo triền dốc của núi Bều. Đồng bào Dao nơi đây không xây tường hay hàng rào quanh nhà, với quan niệm đâu cũng là đường, họ đi tắt qua nhà nhau để lên nương hay về nhà hoặc sang nhà thăm hỏi nhau. Cuộc sống ở bản làng quanh năm yên ả, nhẹ nhàng.
Theo truyền thống từ xa xưa, phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng vẫn duy trì việc tự làm trang phục cho gia đình, nhuộm chàm và vẽ hoa văn lên vải thổ cẩm bằng sáp ong. Ngồi nhìn chị Lý Thị Tiên say sưa, tỉ mỉ tạo hoa văn bằng sáp ong lên tấm vải thổ cẩm bên hiên nhà mới thấy được sự công phu để làm ra một bộ trang phục Dao Tiền. Chị Tiên chia sẻ: Theo phong tục từ cha ông truyền lại, con gái người Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để khi lớn lên có thể tự tay may váy cưới cho mình. Lên 10 tuổi, họ bắt đầu được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, dệt và nhuộm thổ cẩm từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp.
Để tạo ra những bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Dao Tiền phải ngâm, ủ lá chàm, vớt bỏ bã, cho vôi vào đánh tan, để lắng sẽ được cốt chàm. Cốt chàm hòa cùng nước sạch, lọc lấy nước, dùng để nhuộm nên những tấm vải thổ cẩm màu đen tím trước khi cắt, khâu thành bộ trang phục Dao Tiền hoàn chỉnh.
Vào những ngày mùa Hạ, mùa Thu khô ráo, phụ nữ bản Sưng vào rừng tìm sáp ong rừng và ong khoái. Khi in vải, sáp ong được lọc sạch để không lẫn tạp chất rồi cho vào bát hoặc đĩa nhỏ, để lên trên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng giúp sáp in mịn, sắc nét. Sau đó họ bắt đầu công đoạn nhuộm màu chàm. Vải ngâm trong nước chàm khoảng 20 phút thì vớt ra, vắt khô rồi đem phơi nắng, khi vải khô lại tiếp tục ngâm nước chàm, lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi có được màu chàm ưng ý. Một tấm vải có màu đẹp, bền thường phải mất 20 - 30 ngày mới nhuộm xong. Làm công việc này từ nhỏ nên chị em phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng ai cũng có đôi tay thật đặc biệt, bàn tay và móng tay nhuộm màu đen tím.
Ẩm thực phong phú và món thịt chua hấp dẫn
Ẩm thực ở Bản Sưng mang đậm phong vị núi rừng và nét truyền thống của người Dao Tiền với những món ăn dân dã như: Lợn thả rông, thịt chua, gà đồi, cá sông Đà, rau rừng… Ngày nay, giao thông đi lại thuận tiện hơn và sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền... nên ẩm thực của các dân tộc Mường, Dao, Thái… trên vùng đất Hòa Bình cũng có sự biến tấu, sáng tạo để thu hút du khách. Các món ăn thường được bà con bày trên chiếc mâm hoặc mẹt tròn bằng lá chuối rừng loại bánh tẻ, hơ qua lửa cho dẻo và giữ mùi thơm ngai ngái đặc trưng, biểu tượng cho sự gắn bó của cư dân với núi rừng và được gọi là cỗ lá.
Cỗ lá hiểu giản đơn là mâm cỗ bày trên lá. Đây là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của các dân tộc ở Hòa Bình. Sự khác nhau của mỗi dân tộc thể hiện qua các món ăn được bày trên mâm cỗ. Với đồng bào Dao Tiền ở bản Sưng, cỗ lá thường gồm các món ăn chế biến từ thịt gà, lợn hay bò, trâu nhưng phổ biến nhất vẫn là lợn Mán - loại lợn lửng chỉ nặng 15 - 30kg một con. Được nuôi thả trên đồi, trong vườn nhà, nên thịt lợn Mán săn chắc, ít mỡ, có vị thơm ngọt tự nhiên. Trong mâm cỗ lá, thức ăn được bày biện theo hình tròn. Xen lẫn các món thịt là các loại rau rừng tươi mơn mởn, xôi ngũ sắc, canh măng… Thưởng thức những món ngon trên mâm cỗ lá, nhấp ngụm rượu ngô, du khách sẽ nhớ mãi hương vị của ẩm thực vùng núi cao Hòa Bình.
Đến với bản Sưng không thể không nhắc đến món thịt chua vô cùng đặc biệt mà chỉ cần nghe kể thôi, bất cứ thực khách nào cũng muốn được nếm thử. Ở các địa phương khác, món thịt chua làm xong sau khoảng 3-4 ngày là ăn được, còn với người Dao Tiền ở bản Sưng thì phải ủ đến 18 tháng.
Giới thiệu về món ăn đặc sắc này, chị Lý Thị Sao Mai cho biết: Để làm thịt chua phải chọn miếng thịt lợn to bản 9 phần mỡ, 1 phần nạc, rửa sạch, thái lát, xếp vào vại sành, rải muối lên trên bề mặt thịt và đậy kín. Ba tháng sau đổ thịt ra, nấu một nồi cơm bằng gạo ngon, khi cơm chín còn nóng hổi thì đổ cơm và thịt vào vại sành, tiếp tục ủ trong 3 tháng. Công đoạn ướp thịt với cơm nóng được tiếp tục thực hiện khoảng 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng.
Theo chị Sao Mai, việc thay nhiều lần cơm nóng sẽ làm thịt chín, không bị mặn, tuy nhiên chỉ thay cơm khoảng 3-4 lần, nếu thay quá nhiều thịt muối sẽ bị nhạt, không ngon.
Món thịt chua thường chỉ được dùng trong bữa cỗ gia đình hoặc những dịp đặc biệt quan trọng. Đến thăm bản Sưng, được thưởng thức món thịt chua của người Dao Tiền là một trải nghiệm đáng nhớ mà không phải du khách nào cũng may mắn có được.
Giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch
Đồng bào Dao Tiền ở bản Sưng luôn cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bà con quan niệm rằng phải biết và bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc để thờ cúng tổ tiên. Những người cao niên được thừa hưởng vốn văn hóa truyền dạy từ cha ông đã mở các lớp dạy chữ Nôm Dao vào ngày đầu tháng và giữa tháng, để dân bản có thể đọc, hiểu tiếng dân tộc mình.
Lần đầu đến thăm bản Sưng, được tham gia một buổi học ở lớp của thầy giáo Lý Văn Hềnh, chị Marissa (quốc tịch Canada) bày tỏ thích thú khi được xem thầy viết chữ và trải nghiệm viết chữ Nôm Dao. Chị cho biết, cảnh quan, văn hóa và con người nơi đây rất tuyệt vời khiến chị thích thú và dành hầu hết thời gian để tìm hiểu. Chắc chắn một ngày gần đây chị sẽ trở lại và tiếp tục khám phá bản Sưng.
Bản Sưng còn lưu giữ một không gian sống nguyên sơ với những cánh rừng già xanh thẫm, những ngôi nhà nhỏ xinh và các lối đi nằm ẩn hiện dưới tán lá rừng. Ở ngay đầu bản là cây Sấu hơn 300 năm tuổi như một minh chứng cho quá trình tồn tại và phát triển của bản làng. Đến thăm bản Sưng, du khách còn có dịp khám phá, trải nghiệm hang động kỳ vỹ và bầu không khí trong lành, được gặp gỡ, giao lưu với đồng bào Dao thân thiện, mến khách…
Tại bản Sưng có 3 hộ làm homestay là Homestay Xuân Lan, Phú Quý và Thành Chung, cùng với đó là các xưởng chế biến lá thuốc, các tổ nhuộm thổ cẩm, tổ làm giấy Dó, dịch vụ tắm lá thuốc người Dao… Ngay lối đi ở đầu bản có các bảng chỉ dẫn đường đi cho du khách.
Cách Bản Sưng khoảng 6km là rừng Luồng. Từ đây có con đường đi bộ xuyên rừng tới bản Đá Bia, một bản du lịch cộng đồng của người Mường xã Tiền Phong nằm bên hồ Hòa Bình thơ mộng. Du khách khi đi bộ giữa những cây Luồng cao vút, thân thẳng tắp có thể thấy những cây Dó được trồng đan xen. Vào mùa hoa Dó (từ tháng 12 đến hết tháng 2 hằng năm), du khách sẽ được thưởng lãm những chùm hoa tuyệt đẹp tô điểm trên cung đường tracking. Trong tiết trời cuối Đông đầu Xuân khô lạnh, hoa Dó nở từng chùm màu trắng bền lâu, hương thơm ngát tỏa suốt quãng đường.
Bà Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, huyện Đà Bắc định hướng xây dựng bản Sưng trở thành một bản du lịch cộng đồng tiêu biểu, thu hút du khách đến tham quan, khám phá.
Từ năm 2021, bản Sưng được phủ sóng Internet, đường đi lên bản được tu sửa, giao thông thuận tiện hơn. Nhiều hộ gia đình tại bản tham gia làm homestay để phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện đời sống, giữ gìn văn hóa truyền thống, xây dựng bản làng xanh sạch đẹp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết thêm.
Người dân bản Sưng với cuộc sống, sinh hoạt giản dị, yên bình vốn có, những homestay và đa phần các hộ gia đình nơi đây không sử dụng tivi. Ban ngày, du khách được thảnh thơi tham gia trải nghiệm các hoạt động ngoài trời. Đến chiều tối, trong không khí se lạnh của miền núi cao, bên bếp lửa bập bùng, du khách được thưởng thức những món ăn đặc trưng và tìm hiểu thêm về văn hóa của người Dao Tiền. Khi màn đêm buông xuống, cả bản Sưng chìm dần trong khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Những trải nghiệm độc đáo cùng đồng bào Dao Tiền tại bản Sưng để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách, để khi ra về mỗi người lại mong muốn được trở lại, tiếp tục khám phá ngôi làng trên núi cao này./.
Viết bình luận