Đồng bào Ba Na làm lễ thổi tai tại Làng Văn hóa
Thứ tư, 00:00, 21/11/2018 Hải Huyền PS Hải Huyền PS
VOV4.VN - Ngày 20/11, trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, đồng bào Ba Na đến từ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện K’bang, Gia Lai đã tái hiện Lễ thổi tai độc đáo.

Lễ thổi tai là nghi lễ quan trọng trong mỗi đời người Ba na. Sau khi đứa trẻ chào đời, nghi lễ thổi tai sẽ được tiến hành. Mục đích thông báo với tổ tiên, thần linh thành viên mới của gia đình, cầu tổ tiên, thần linh che chở cho đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh, biết nghe lời. Con gái lớn lên sẽ xinh đẹp, giỏi thêu thùa. Con trai có tài đan lát và săn bắt.

 

Tùy điều kiện kinh tế gia đình sẽ lựa chọn thời điểm và quy mô tổ chức lễ thổi tai. Có nơi người ta làm lễ khi em bé sinh được 1 tuần. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi đứa trẻ biết bò, thậm chí biết đi, biết nói gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên. Nhà khá giả làm to, ăn uống linh đình. Thậm chí mổ lợn, mổ bò đãi làng. Nhà nghèo chỉ cần cúng ghè rượu và con gà là xong.

 


Trước khi làm lễ thổi tai, già làng người Ba na thực hiện "cúng soi" ngoài trời và trong nhà rông. Đây là lần đầu tiên bà con người Ba na của làng Le, xã Tơ Tung, huyện K'Bang, Gia Lai đến nhà Ba na tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm của người Ba na, khi đến một vùng đất mới, trước khi làm bất kỳ hoạt động nào họ đều phải "cúng soi" để xin phép các Giàng được làm lễ. Đồng thời, xua đuổi tà ma, cầu Giàng che chở, bảo hộ để nghi lễ diễn ra thành công.

 


Nghi thức "cúng soi" thực hiện trong nhà rông.

 


Lễ "cúng soi" thành công, các già làng Ba na tiến hành nghi thức thổi tai. Bé Đinh Thị Mai (2 tuổi) - người được làm lễ thổi tai, đang ngồi trong lòng mẹ Đinh Thị Mai và bên cạnh là bố em - anh Đinh A Nghinh, ở làng Le.

 

Lễ vật dâng cúng đơn giản là 5 ché rượu cần, gà, huyết gà, và gan, tim của con vật nướng chín.

 


Cúng xong, già làng xoa nhẹ vào đầu, ngực , vào lưng, tay, chân và thổi tượng trưng vào tai đứa bé. Sau đó, bà đỡ xâu kim buộc chỉ vào hai lỗ hai tai. Vừa làm, bà vừa chúc phúc cho bé mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan ngoãn. 

 


Việc xỏ kim ở tai khiến bé đau và có khóc một chút, nhưng bé đã nín ngay sau khi các nghi thức hoàn tất. Mẹ bé - chị Đinh Thị Mai tỏ ra vui vẻ và xúc động vì từ nay bé được tổ tiên đón nhận, được Giàng che chở

 


Sau phần lễ, bà con Ba na tưng bừng nhảy múa trong tiếng cồng chiêng quanh cây nêu, chúc mừng nghi thức thổi tai thành công

 


Bé Mai và mẹ hòa vào vòng xoang vui nhộn

 

Lâm Thanh/VOV4

(Ảnh: Làng văn hóa cung cấp)

 

 

 

 

 

 

 

 

Hải Huyền PS

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC