Hà Nhì, những người nhớ rõ cội nguồn dòng tộc từ cả ngàn năm trước
Thứ tư, 00:00, 04/10/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của người Hà Nhì ở Tây Bắc Việt Nam. Tổ tiên họ thuộc tộc người "Để Khương”, đã di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam trước thế kỷ thứ ba. Phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.

Quá trình thiên di nhiều gian khổ

 

Theo lời truyền miệng của người Hà Nhì thì họ có nguồn gốc từ người Di, tách thành bộ tộc riêng biệt 50 đời về trước. Đồng bào Hà Nhì thường kể về quê hương cũ của mình. Vùng đất đó đã đi vào tâm thức dân gian và trở thành bài ca "Hà Nhì Mí Chạ", ca ngợi vùng đất tổ.

Tương truyền, cách đây hơn 500 năm, vùng Hát Xa có con sông chảy giữa, tạo nên những cánh đồng rộng lớn, giàu có, trù phú. Nhưng một thời gian sau, mảnh đất ven sông Hát Xa bị hạn hán khiến ruộng đồng trở nên cằn cỗi. Dân bản sống dưới chân núi khổ sở vì những cơn giận dữ của thiên nhiên. Họ quyết định lần theo sông, men theo rừng đến một nơi cao nhất để nhìn về 4 phương 8 hướng, tìm miền đất mới để sinh nhai.

Nhà thơ dân tộc Hà Nhì Chu Thùy Liên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, cho biết: Ngày xưa, người Hà Nhì thiên di theo 2 dòng sông, là sông Hồng và sông Đáy, người Hà Nhì gọi là sông La Sa và Lô Pả. La Sa lại bắt nguồn từ trên vùng Tây Tạng, và người ta vẫn thường nói tổ tiên người Hà Nhì ở vùng Tây Tạng xa xôi đó, và họ thiên di dần xuống phương Nam, trải qua rất nhiều biến cố.

Vậy là người Di ở Tây Tạng bắt đầu chuyến viễn du về phương Nam và kết thúc khi đến vùng đất đầu nguồn Khó Ma, ngày nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sử thi “Phùy ca Na ca” của người Hà Nhì có đoạn miêu tả: Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật” và “uống rượu ngọt không cần phải trộn men, hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã”.

Người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai). Ảnh: baomoi.com

 

Dân tộc duy nhất có truyền thuyết đá vọng thê

 

Một trong những nơi người Hà Nhì tìm đến nữa, là vùng núi thuộc xã Y Tý và xã A Mú Sung (Bát Xát). Người Hà Nhì ở Y Tý có 12 dòng họ đều chung một ông tổ Ly Ngô, đó là các dòng họ Sào, họ Cáo, họ Sần, họ Tráng, họ Chu, họ Vũ, họ Dồ, họ Sáng, họ Có, họ Khoàng...

Cũng có truyền thuyết kể lại rằng, sau cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của nhà Hán, người Hà Nhì mất đất, nên đã bỏ lại tất cả để đi tìm vùng đất mới sinh sống. Trong quá trình này lưu truyền một câu chuyện cảm động về tình yêu của đôi vợ chồng phải chia xa Nam-Bắc.

Bà Liên tự hào khi chỉ duy nhất người Hà Nhì có truyền thuyết về "đá vọng thê", chứ không phải là "đá vọng phu" như nhiều dân tộc khác: Cách bản Pa Thắng 14 km về phía bên Trung Quốc có một hòn đá, mang dáng hình người vợ nhìn về phía Việt Nam, là đá vọng phu, còn ở bên này là tượng người chồng ngóng vợ mà hóa đá, gọi là đá vọng thê. Họ mất nhau trên đường chạy loạn.

Ngày nay, người Hà Nhì ở Việt Nam có khoảng 26.000 người, quần cư chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên. Tiếng nói của người Hà Nhì thuộc nhánh ngôn ngữ Di, nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng. Ở Điện Biên, huyện Mường Nhé là địa bàn cư trú chính của hơn 4.500 người Hà Nhì.

Căn cứ vào ngôn ngữ và đặc điểm cư trú, các nhà nghiên cứu dân tộc học đã chia người Hà Nhì ở Mường Nhé thành 2 nhóm, là người Hà Nhì Cồ Chồ và người Hà Nhì Lạ Mí, trong đó người Hà Nhì Cồ Chồ tập trung sinh sống tại xã Chung Chải, còn người Hà Nhì Lạ Mí sinh sống chủ yếu ở xã Sín Thầu, Leng Su Sìn và Sen Thượng, là vùng đất cư ngụ lâu đời, đồng thời cũng là vùng đất lõi để người Hà Nhì tỏa đi sinh sống ở các địa bàn khác.

Dựa theo đặc điểm trang phục, các nhà nghiên cứu chia làm hai ngành chính: Hà Nhì hoa và Hà Nhì đen. Người Hà Nhì đen có khoảng 10.000 người cư trú rải rác ở tỉnh Lào Cai và 2 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ của Lai Châu. Còn nơi sinh sống chính của người Hà Nhì Hoa là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. 

Người Hà Nhì hoa còn phân làm hai nhóm: nhóm Hà Nhì Cồ Chồ (tức người Hà Nhì ở vùng thấp); nhóm Hà Nhì La Mí (là người Hà Nhì ở vùng cao, vùng thượng nguồn). Trang phục khác nhau cũng từ quá trình thiên di của người Hà Nhì, kéo theo nghề trồng bông dệt vải, trồng chàm và nhuộm chàm.

Nhà thơ Chu Thùy Liên giải thích: Có những truyền thuyết liên quan đến việc tại sao người Hà Nhì Bát Xát chỉ mặc áo màu xanh thôi. Ngày xưa người Hà Nhì thiên di từ phương Bắc xuống thì nhóm Hà Nhì đi đầu đã mang hết những bí quyết về nhuộm màu. Người Hà Nhì vùng Mường Nhé và Mường Tè thuộc nhóm này, nên bộ trang phục rất rực rỡ. Còn lại 2 màu xanh và đen thuộc về nhóm Hà Nhì đi sau.

 

Người Hà Nhì tỉ mỉ thực hiện các nghi lễ truyền thống

 

Lịch sử phát triển đã chứng minh: Hà Nhì là một dân tộc cởi mở, biết đổi mới, tiếp thu sáng tạo nên bản sắc văn hóa của riêng họ. Điều này được khẳng định qua quá trình thiên di. Ngay từ khi đến vùng đất mới lập bản, người Hà Nhì đã tạo dấu ấn đậm nét từ tín ngưỡng, phương thức sinh hoạt, những tác phẩm văn nghệ dân gian, trang phục, nghề truyền thống…..

Ngày đầu tiên chọn nơi cư trú, người Hà Nhì đã chú trọng 4 yếu tố: đất dựng nhà, nước, lửa và rừng. Khi chọn đất để lập bản mới, cả cộng đồng thực hiện nhiều nghi lễ long trọng, tỉ mỉ. Bởi theo người Hà Nhì, đó là yếu tố quyết định đến toàn bộ sự thịnh vượng của bản sau này.

Đầu tiên, người Hà Nhì sẽ chọn nơi cư trú ở thung lũng lưng chừng núi, nơi có nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu, vừa tận dụng sức nước để đặt các cối giã gạo, phục vụ sản xuất. Đồng bào chủ yếu trồng lúa, có nơi làm ruộng bậc thang, có nơi làm nương rẫy nhưng đều có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và kinh nghiệm đào mương, đắp đập, bắc máng lấy nước, dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà... Nhiều bản có tuổi trên 100 năm, đông tới 50, 60 hộ.

Người Hà Nhì tôn thờ rừng giống như máu thịt của mình. Ảnh: baomoi.com

Người Hà Nhì còn được biết đến như một tộc người điển hình về quản lý rừng. Việc lựa chọn ở những vùng đất cao âm u, còn nhiều rừng nguyên sinh, rừng già bắt nguồn từ nguồn gốc hình thành dân tộc, quá trình đấu tranh giữ đất của họ. Điều này thể hiện khá rõ nét tại các khu vực cư trú hiện nay của người Hà Nhì ở xã Y Tý, Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Rừng là nơi cư trú của các vị thần bảo vệ thôn bản, người Hà Nhì gọi là rừng tâm linh, gồm 4 khu rừng thiêng: gạ ma do, rừng thủ tý, khu rừng a gơ lạ do, khu rừng cúng tháng 3 mu thu do. Ngoài ra rừng còn được chia ra các loại: Rừng đầu nguồn, rừng khai thác củi đốt, rừng chăn thả gia súc…, để nếu sử dụng không đúng, bản sẽ phạt.

Bởi coi rừng là nguồn sống nên những nghề truyền thống của người Hà Nhì cũng xuất phát từ rừng. Ở Điện Biên và Lai Châu lan truyền câu ca: “Gái Mường Nhé, chè Ka Lăng” - gái Mường Nhé nổi tiếng xinh đẹp, trà Ka Lăng nổi tiếng ngon, trở thành một thương hiệu được cả nước biết đến. Và nghề trồng chè cũng được tôn vinh trong tập quán của người Hà Nhì.

Trên mâm cơm của người Hà Nhì ngày mùng 1 tết cho đến ngày cuối tết sẽ có một bát nước trà gừng, thể hiện tổ tiên người Hà Nhì đã am hiểu về chè. Người Hà Nhì còn có phong tục làm chè lam, lấy lá chè nhét vào ống nứa, giã rồi đóng thành bánh, khi có khách người ta gỡ dần cái bánh đó ra rồi pha uống.

Cùng với đất, nước và rừng, người Hà Nhì cũng vô cùng coi trọng lửa, bởi họ đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thiên di tìm lửa. Sau này, họ có cả một lễ cúng thần lửa. Và người Hà Nhì coi lửa là cội nguồn của mọi thứ có thể sinh sôi. Theo truyền thuyết “Sự tích À Chà” thì lửa là tự thân, do sự dũng cảm của người Hà Nhì mà sinh ra. Ngày đầu tiên khi dựng nhà mới có lễ cúng thần lửa, để các vị ấy phù trợ cho gia đình đó làm ăn may mắn, mời vị thần lửa chứng kiến tất cả các buồn vui của gia đình trong các thế hệ tiếp theo.

Những giá trị văn hóa phi vật thể cũng luôn được các thế hệ người Hà Nhì tự hào, gìn giữ. Nổi bật trong số đó là truyền thống nhắc nhớ về lịch sử nguồn cội, tổ tiên. Khi làm lý xin phép tổ tiên và các vị thần về ăn Tết, người Hà Nhì sẽ mượn lời sử thi của dân tộc, hát kể lại quá trình thiên di, lập làng lập bản. Những câu hát trích trong bộ Há pà- truyên thơ dài “Phùy ca Na ca”, được xem là sử thi “Khai thiên lập địa ca” của người Hà Nhì.

 

Có dòng họ nhớ được tới 40 đời

 

Giờ đây khi đã định cư, mỗi bản có tới 50- 60 hộ sinh sống. Nhưng người Hà Nhì luôn nhắc nhớ con cháu về quá trình thiên di gian khổ qua nghi lễ “nhắc tên” dịp tết. Thạc sĩ Lê Ngân - ĐH Tây Bắc, cho biết: Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên, đọc tên từng dòng họ, đồng thời tất cả cùng nhắc lại tên các vị tổ tiên trong phả hệ. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người ấy làm tên đệm, nên có vần điệu dễ nhớ. Có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời, nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này.

Người Hà Nhì có nhiều họ khác nhau, mỗi họ gồm nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ. Không chỉ nhắc tên, mà sau đó cả dòng họ còn quây quần, tập trung nghe người già kể về việc sinh ra con người, kể về tộc phả của họ mình. Tục này được gọi là “lễ chựng cư”: Sáng mùng 1, người Hà Nhì quây quần bên nhau chựng cư: người đại diện cao nhất của gia đình ấy sẽ hát truyền để con cháu biết dòng họ mình truyền từ đời nào đến đời nào, đến đời này là đời thứ bao nhiêu.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC