Hàng phường lo trọn tang ma của người Nùng ở Lạng Sơn
Thứ tư, 00:00, 09/11/2016 Hải Huyền bt bài + 1 ảnh Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

(VOV4) – Với tinh thần cố kết cộng đồng, người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn, đã lập nên tổ chức hàng phường – một hình thức tương trợ, giúp đỡ nhau trong tang ma.

 

Hàng phường – sự tham gia của cộng đồng

 

Theo anh Lý Viết Trường, người Nùng Phàn Slình, ở bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, tổ chức hàng phường được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ 20. 

 

Tiền thân của tổ chức hàng phường là “vàn công” và “vàn pe”. “Vàn công” dựa chủ yếu trên quan hệ họ hàng và hàng xóm láng giềng thân thiết, còn “hàng pe” dựa trên quan hệ dòng họ. Nếu không có sự trợ giúp của hai tổ chức này, khi có tang ma, gia đình phải tự đi nhờ vả rất khó khăn. Vì thế, tổ chức hàng phường ra đời. Đây là hình thức tương trợ có sự tham gia của cả cộng đồng.

 


Hàng phường đắp mộ cho ông Lý Cảnh Làn - 2015. Ảnh: Lý Văn Thái


“Hàng phường là một tổ chức phi quan phương, do người dân tự thành lập với nhau trên tinh thần tự nguyện. Người ta tham gia vào tổ chức này, mong ngày chết sẽ được mọi người giúp đỡ” – anh Trường cho hay.

 

Khi trong nhà có người chết, gia chủ chỉ cần thông báo với người nhà trước đây có đám tang hoặc với tổ trưởng của tổ chức hàng phường, mọi việc tang ma sẽ được tổ chức này đứng ra lo liệu. 

 

Tổ chức hàng phường gồm tất cả các gia đình trong bản tham gia. Ví như bản Nà Lẹng có trên 40 nóc nhà, mỗi nhà sẽ cử một thành viên tham gia. Khi có đám, mỗi nhà sẽ cử một người, có thể là chồng hoặc vợ, hoặc con đã lớn, đến giúp việc cho tang chủ.


Từ việc nhỏ nhất như rửa bát, quét nhà, nấu nước, nấu cơm, phục vụ gia đình tang chủ; hay tiếp khách; hay chăn lợn, thả gà, thả vịt hộ nhà có đám trong những ngày tang ma; đến những việc quan trọng như đóng áo quan, đào huyệt, làm mô hình nhà táng bằng giấy… đều do tổ chức hàng phường lo liệu.

 


Đuổi ra khỏi hàng phường là hình phạt nặng nhất

 


Đứng đầu tổ chức hàng phường là trưởng trùm, tiếng Nùng gọi là "hét tàu". Những người thuộc ban quản lý gồm có tổ trưởng của các tổ. Đứng đầu tổ trưởng là hội trưởng và hội phó. 

 

Hội trưởng là những người uy tín, có hiểu biết về phong tục, tập quán và thành thạo những công việc trong đám tang, được mọi người tôn trọng, bầu lên.

 

Tổ chức hàng phường có khá nhiều quy định, chủ yếu quy ước bằng miệng. Ví dụ, khi gia đình trong hàng phường có người chết, họ phải mang theo 3kg gạo, 20.000 đồng tương ứng với giá 1 lít rượu, một bó củi để tang chủ lo liệu việc đám.

 

Khi có đám, mỗi gia đình trong hàng phường phải cử đi một người, là người trưởng thành, biết thực hiện những công việc của đám tang như đào huyệt, làm quan tài, nấu ăn, phục vụ. Thường là chủ nhà – đàn ông.

 

Các thành viên đều tự giác chấp hành quy định của hàng phường. Mọi vi phạm sẽ bị cộng đồng trừng phạt và hình thức nặng nề nhất là đuổi ra khỏi hàng phường.


“Khi được thông báo mà đến muộn 30 phút, thì sẽ bị mọi người cảnh cáo, phê bình sau khi đưa tang. Lần thứ nhất thì phê bình, đến muộn lần thứ hai thì phạt tiền từ 50.000 – 100.000 đồng. Đến lần thứ 3, nếu tiếp tục vi phạm, sẽ bị đuổi ra khỏi hàng phường. Khi đã khai trừ ra khỏi tổ chức hàng phường, khi tổ chức đám ma, gia đình ấy sẽ không được bà con hàng xóm đến giúp đỡ. Khắc phải tổ chức đám tang một mình. Mọi người sợ hình thức ấy. Vì vai trò quan trọng của tổ chức này nên mọi người ý thức được trách nhiệm của mình, hầu như không có ai bị đuổi" - theo anh Lý Viết Trường.

 

Đến nay, tổ chức hàng phường vẫn sống động trong đời sống của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn.

 

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC