TRAI GÁI MƯỜNG TÌM HIỂU NHAU QUA CÂU HÁT ĐÚM
Là sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc của người Mường, hát đúm có thể hiểu là một hình thức “tụ tập nhau lại để hát”. Theo nghệ nhân Trương Thái Duyên, thôn Rào Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, nguồn gốc của hát đúm giao duyên người Mường có từ xa xưa, điều này tùy theo từng trường hợp để hát trong đám cưới, mùng nhà mới, ngày lễ ngày hội, đi thi hát.
Ngày xưa mỗi dịp vào hội, một số làng tổ chức hát giao duyên giữa trai và gái. Vừa hát, họ vừa ném quả đúm (hay còn gọi là quả còn) cho nhau, nên từ đó gọi luôn lối hát này là hát đúm. Hát đúm còn được gọi là hát hội, hát đối. Nội dung hát đúm rất đa dạng và phong phú, gắn với những phong tục văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, chủ đề từ chuyện chào hỏi, tình yêu đôi lứa, mùa màng, phong tục tập quán, chúc tụng nhau dịp Tết đến ca ngợi quê hương, đất nước.
Nét đặc sắc của hát đúm là thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của hai bên tham gia. Người hát tự đặt lời bài hát hoặc vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. Qua việc đối đáp giữa hai bên nam- nữ, thể hiện được khả năng ứng xử nhanh nhẹn, vốn hiểu biết về nhiều mặt, đây là “kênh” để trai gái ướm lời, thử lòng nhau, tìm hiểu nhau. Đó cũng chính là lý do khiến hát đúm được trai gái người Mường rất yêu thích.
Trong hội hát, hai bên sẽ cử ra một người đại diện để hát đúm, phía sau sẽ có người hỗ trợ về thông tin, câu chuyện. Khi hát có nhạc bát âm, hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương tìm hiểu bằng nghệ thuật, phải thuộc tục ngữ, truyện tích. Một số lời ca còn phản ánh nội dung nghi lễ, chứa đựng sắc thái riêng, độc đáo của dân tộc Mường.
Nội dung thì phong phú, giàu chất thơ, mượn cảnh vật thiên nhiên để ví von trao gửi tâm tình. Nhưng hát đúm chỉ có một làn điệu, âm nhạc mộc mạc, giản dị. Người ta phổ những câu thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể vào thang âm cố định, có nốt nhạc khác nhau do ca từ tạo nên. Làn điệu hát đúm nhẹ nhàng, bay bổng, trữ tình, nhịp tự do, đôi khi người ta hát có phách mạnh, phách nhẹ tương ứng như nhịp 2/4; 2/8; 3/8.
Hát đúm không phát triển về giai điệu, mà phát triển về lời ca, chỉ với ba cao độ Rề, Sol, Lá nhưng những người hát đã sáng tác ra hàng nghìn lời ca phản ánh đời sống để ứng đối với nhau. Nghệ nhân Trương Thái Duyên, thôn Rào Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết: Không quy định điều luật mà quy định vào khổ thơ của người Mường, thơ lục bát, giai điệu của nó có thể 4-5 giai điệu, không phải 1 giai điệu, ví dụ (hát). Nó có khoảng 5 kiểu hát, hát thì hát được nhưng phải có đôi trai gái phối hợp.
Xưa, hát đúm có hai hình thức diễn xướng, hát lẻ và hát hàng. Hát lẻ chỉ do một giới (nam hoặc nữ) hát đối, mỗi nhóm hát thường có vài ba người; diễn ra mọi lúc, mọi nơi, hát khi đi trên đường, ở nơi lao động lúc giải lao hay vừa làm vừa hát, thậm chí ngay ở sân đình, sân chùa, những ngày hội…
Còn hát hàng, thường chỉ diễn ra ở lễ hội đình, chùa, do hai giới nam và nữ tham gia; nữ giới thường là người làng, xã ngồi một bên hàng ghế, phía đối diện là hàng ghế dành cho nam giới; trước khi hát thì có giao kèo, bên thua cuộc mất một vật gì đó, có thể là cái áo, cái nón, cái ô… cho bên thắng. Khi hát có nhạc bát âm; các chàng trai, cô gái mặt nhìn mặt, tay cầm tay; hai bên đối đáp, bên nào không đối đáp được là thua.
- MÊ NHAU TỪ CÂU HÁT
Hát đúm, còn được gọi là hát nói, là hình thức ca hát mang tính cộng đồng, cộng cảm, một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Mường. Đặc biệt, với lối hát giao duyên càng nghe càng say mê, hát đúm là lời ướm gửi, hẹn ước của trai gái người Mường trao cho nhau bằng sự đối đáp tinh tế, đằm thắm.
Tại các lễ hội, bài bản của hát đúm rất phong phú, nhiều nội dung diễn ra từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác. Mở đầu là những câu hát chào, hát mừng khi gặp nhau, tiếp theo là các phần hát giao hẹn, hát hỏi, hát đố, hát mời, hát họa, hát huê tình, chinh phu, chinh phụ, hát cưới, hát lính, hát thư... và kết thúc là hát ra về.
Chẳng hạn, khi gặp nhau, chàng trai có thể cất lời chào: "Bây giờ kì ngộ tương phùng/ Bõ công ao ước trông mong xa gần/ Gái trai sống ở cõi trần/ Lẽ nào bỏ phí cái xuân cho đành". Cô gái hát đáp trả: "Đêm qua gió mát trăng thanh/ Nhớ ai em những năm canh thở dài/ Ước gì có được những ngày/ Được gần người ấy lòng này mới yên". Sau đó hai bên hát đố. Bên nữ hỏi: "Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền/ Chàng mà giải được, em liền theo không?". Bên trai hát giải: "Tam sơn là núi, tứ hải là sông/ Nhất phần điền là ruộng, theo không là nàng”.
Cứ thế đố qua đố lại. Khi đã cảm mến nhau rồi, chàng trai cầm tay cô gái cất tiếng hát: “Thấy em vừa đẹp, vừa xinh/Anh thuận nhân tình, anh nắm cổ tay/Nắm rồi, anh hỏi cổ tay/Ai nặn nên trắng, ai day nên tròn?”. Cô gái cũng bộc lộ tình cảm: “Yêu nhau quá đỗi quá chừng/Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay”. Nghệ nhân Trương Thái Duyên, thôn Rào Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, Thanh Hóa và bạn diễn của mình nêu ví dụ: "Cái lời của nó thì na ná hát về tình yêu, đối đáp, hát đúm hay hát 1 mình trên nương. Nếu đi nương có cô gái bạn trai hát cùng nhau cũng được. Ví dụ đàn ông hát
Tiếng ai như tiếng chuông vàng
Tiếng ai như tiếng em nàng anh yêu
Cô này thì nói: anh đi đâu mà vội mà vàng?
Dừng chân đứng lại em nàng hỏi thăm
Hát đám cưới thì là
Đêm nay vui thắm vui nồng
Vui như những cánh hoa hồng nở hoa"
Có lắng nghe hết cuộc hát mới lý giải được sự cuốn hút kỳ lạ của lối hát đúm. Ngoài những cửa vóong (cửa sổ nhà sàn), khoang trong (buồng ngủ của các cặp vợ chồng mới cưới), vạt nương, rẫy quá đỗi quen thuộc, những cây hát nổi tiếng xứ Mường còn khéo léo đưa vào nhiều thứ mới mẻ, văn minh. Cách sắp xếp câu chữ, gieo vần tinh tế, dùng các hình ảnh ẩn dụ, lối nói giảm, nói tránh khiến người nghe không khỏi trầm trồ, thán phục. Đặc biệt, mở đầu câu hát và kết câu hát đều có câu: duyên kết bạn mình ơi hoặc duyên kết bạn tình ơi. Ví dụ như hát mời trầu: “Duyên kết bạn tình ơi/ Nhà anh có hai vườn giầu/Vườn trước ấp bẹ vườn sau mới trồng/ Nên anh đi hát tay không/Anh xin khất bạn má hồng sang năm.”
Nam một bên, nữ một bên, có những quả đúm làm cầu nối cho mỗi lời đối đáp của đôi bên. Quả đúm là một mảnh vải điều to bằng hai bàn tay, trong có gói quả cau, lá trầu (đôi khi gói thêm cả đồng tiền trinh). Mở đầu cuộc hát bên nam thường vừa đọc, vừa ngâm ngợi đôi câu thơ, sau đó mời bên nữ hát. Một cô đại diện cho bên nữ tay cầm quả đúm cất giọng:
Ơ... (vậy) Đúm này em dặn thì nghe
Đúm bay cho tới áo the đúm vào
Ơ... Đúm vào người hỏi làm sao?
Em là quả đúm em vào kết duyên
Hát xong, cô gái tung quả đúm về phía một chàng trai mà cô muốn đối đáp. Chàng trai nhặt quả đúm lên, mở ra cho thêm một miếng trầu hay một quả cau rồi túm lại, sau đó cất tiếng hát đáp:
Ơ... (vậy) Đào ởi đào ơi
Đào dích lại đây
Đào dịch lại đây
Anh cầm quả đúm trao tay cho đào
Cuối câu hát, chàng trai tiến lại phía cô đào, cầm tay cô và trao quả đúm. Cứ thế, lần lượt đến cặp trai gái khác nối nhau vừa tung quả đúm, vừa hát. Cuộc hát thường diễn ra một ngày, đôi khi lại hát từ chập tối cho đến rạng sáng.
Khi diễn xướng, mỗi câu đối đáp, trai gái thường cầm tay nhau, mắt nhìn nhau. Nghệ nhân Trương Thái Duyên chia sẻ: Ngoài có giọng hát hay, đối đáp linh hoạt, người hát phải luôn nở nụ cười, như thế mới ghi được điểm và nhận được những cảm tình của phía bên đối đáp. "Lúc giận nhau thì không hát được, vì hát giao duyên phải vui, phải mừng. Nhiều đôi lấy nhau không qua dạm ngõ, hát từ sáng đến cả đêm, khi nào em thua anh thì em phải về theo anh. Còn nếu anh thua em thì anh phải đi hỏi em, trình độ hai bên đối đáp ngang nhau thì quý lắm"- Anh Duyên vui vẻ giải thích.
Vào đầu hội hát, chàng trai muốn hát với ai thì tiến tới ngỏ lời, nếu cô gái đồng ý sẽ đưa tay cho chàng nắm và đôi nam nữ tay trong tay gửi trao những lời hát yêu thương, trữ tình. Ngày hát giã đám kéo dài đến tận khuya, các chàng trai, cô gái trao giữ kỷ vật cho nhau, những lời ca đối đáp ít dần, mà thay vào đó là những câu hát từ nỗi lòng sâu kín, những lời hát trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến, những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… và mong đợi mùa hội sau, lại được say đắm trong tiếng hát của nhau. Sau mỗi hội xuân, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
(Người Mường có tên tự gọi là: Mol, các tên gọi khác là: Mual, Moi, Au tá, Ao tá, nhóm địa phương: Ao Tá (Âu Tá), Moi Bi, là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Người Mường có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng vì đây chính là kho tàng dân ca của người Việt cổ. Các thể loại thơ dài, truyện cổ, dân ca, ví, đúm, tục ngữ, hát ru, hát đồng dao, hát đập hoa, hát đố, bọ mẹng...Trong các làn điệu dân ca Mường phổ biến và nổi bật là hát Sắc bùa, Hát đúm, hát Rằng thường...)
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận