(VOV4) - Kể cả đến nay, khi thu hoạch lúa rẫy, người Kor vẫn chỉ dùng tay tuốt lúa, không dùng phương tiện nào khác.
“Hồn lúa chạy đi, mùa màng năm đó mất”!
Người Kor quan niệm mọi thứ đều có linh hồn. Và cây lúa cũng vậy. Chính vì sợ hồn lúa đau, chạy đi mất thì mùa màng năm đó thất bát, người Kor không bao giờ dùng liềm, hay những vật dụng bằng sắt để tuốt lúa. Bằng những ngón tay, người ta tuốt từng bông cho kỳ hết.
Ông Cao Chư, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: “Người ta để nguyên cây lúa đang chín, suốt từng bông lúa bằng chính bàn tay của mình. Trừ lúa ruộng, tức lúa nước. Lúa ruộng thì cũng mới phát triển sau này thôi, còn toàn bộ lúa rẫy, họ dùng tay. Hoặc sau khi thu hoạch, người ta giắt sau gùi một ít lá đoóc, tin rằng khi gùi lúa về nhà thì chính lá đoóc đó đưa hồn lúa về nhà chứ không đi rơi vãi dọc đường”.
Cũng
vì tôn trọng hồn lúa, xưa kia, khi dùng gậy chọc lỗ tra hạt, người ta
thường dùng cây nứa, loại cây có chất liệu vừa cứng, vừa nhẹ. Phần đầu
chọc lỗ được vót nhọn chứ không dùng mũi sắt.
Người Kor quan niệm lúa là do thần lúa ban tặng, cho nên để cảm tạ thần, hay để mong cầu cho cây lúa tươi tốt, cho mùa bội thu, người ta có nhiều nghi lễ khác nhau như lễ xuống giống, lễ trừ sâu bệnh. Khi lúa chín, có lễ ăn lúa mới để cúng cáo thần linh, xin phép thần được suốt lúa, mang về nhà. Thu hoạch lúa xong, có lễ ngả rạ để tổng kết một vụ mùa, tạ ơn thần linh và mong cầu vụ sau được thần tiếp tục phù hộ.
Người Kor chỉ dùng tay không tuốt lúa. Hình ảnh lúa trong nghi thức cúng ngả rạ
“Không tạ ơn thần, ắt gặp trắc trở”
Ngoài cúng thần lúa, người Kor còn cúng rất nhiều vị thần khác như thần sông, thần suối, thần quế, thần rừng… Ví dụ, khi tìm được tổ ong, người ta sẽ đánh dấu tổ và sau đó bắt đầu các lễ thức cúng cảm tạ ơn thần đã cho mình tổ ong đó. Hay như tình cờ bắt được thú rừng, khi mang về nhà, trước hết họ làm một lễ thức cúng tạ ơn thần đã cho mình được con thú ấy.
Ông Cao Chư lý giải: “Thật ra, tất cả những hiện tượng, những hoạt động để đạt một kết quả nào đó người ta cũng đều nghĩ rằng có một sự phò trợ phía sau. Tất cả những sản vật của tự nhiên là của thần và khi loài người bắt được, lấy được, sử dụng cho cuộc sống của mình thì người ta nghĩ rằng nhờ thần thì mới có. Và người ta làm những lễ thức để tạ ơn, và cầu cho thần tiếp tục có sự phù hộ cho họ, cuộc sống của họ tốt hơn”.
Theo quan niệm của người Kor, một người tình cờ được tìm thấy cây quế rừng thì sẽ giàu có. Và cũng như những lần tìm kiếm được những sản vật khác, người ta làm lễ cúng thần quế, và tin rằng khi tìm được cây quế tự nhiên, nếu khai thác chúng thì gia sản sẽ lụn bại, gia đình gặp trắc trở, rủi ro.
Ông
Cao Chư phân tích, điều này không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng vạn vật
hữu linh mà còn xuất phát từ thực tế mong muốn bảo tồn giống quế. Và
chính tín ngưỡng ấy đã góp phần giúp đồng bào Kor gìn giữ lại những rừng
quế bạt ngàn cho con cháu đời sau.
“Truyền giống cây quế rất khó. Trung bình khoảng 3 năm mới ra quả một lần. Như vậy, nếu trong trường hợp khai thác ồ ạt và khai thác không có kế hoạch như vậy cây quế dễ tuyệt chủng. Từ đó, các cộng đồng người Kor mới hình thành nên tín ngưỡng nếu ai khai thác cây quế rừng sẽ lụn bại tài sản. Đằng sau của nó là có ý nghĩa bảo tồn về mặt loài giống để người ta lưu truyền giống về sau. Nó ẩn sau đó là một hiện thực bảo vệ giống loài cho cả một vùng”.
Chim chèo bẻo xung quanh bộ Gu của cây nêu
Không bao giờ ăn chim chèo bẻo
Trong tâm thức của người Kor, chim chèo bẻo là loài chim gần gũi, là vua của các loài chim. Thậm chí, đồng bào Kor còn coi đó là biểu tượng của dân tộc mình.
Truyện cổ người Kor kể rằng xưa kia, có anh nông dân siêng năng, chất phác, trong lúc đi canh lúa trên rẫy đã bị bọn gian tà giết hại. Khi xuống địa ngục, anh nông dân đi kiện với thần đất. Biết anh có oan tình, thần đất bèn cho anh tái sinh. Những kẻ đã giết hại anh đều bị thần đất biến thành cào cào, châu chấu, chuyên đi phá hoại mùa màng. Còn anh, thần đất hóa kiếp thành con chim chèo bẻo tiêu diệt lũ cào cào, châu chấu, vừa phục được thù lại bảo vệ được mùa màng cho dân làng.
Từ đó, cứ đến mùa lúa chín hàng năm, người ta lại thấy chim chèo bẻo chao liệng trên nương rẫy. Chèo bẻo có nhiều ở vùng người Kor, nhỏ nhưng rất lanh lợi. Chúng màu đen, có chiếc đuôi tựa như hai que tre thẳng thắp. Khi bay, chúng có thể thực hiện những đường bay gấp khúc, mạnh mẽ. Con mồi nào bị chúng phát hiện thì khó có thể thoát. Những nương lúa của người Kor được bảo vệ tuyệt đối trước sự tấn công của cào cào, châu chấu cũng là vì lẽ đó. Bởi vậy, người Kor yêu quý chúng vô cùng. Theo ông Cao Chư, chèo bẻo còn tượng trưng cho chính nghĩa, cho sức mạnh của người Kor.
“Nó ăn côn trùng như cào cào, châu chấu phá hoại mùa màng cho nên người Kor rất thích con chim chèo bẻo. Về mặt hiện thực, nó rất có ích đối với việc canh tác lúa rẫy và các giống cây trồng cho nên người Kor rất quý giống chim này. Từ hiện thực đó mà người ta mới nghĩ đến truyền thuyết hóa và gần như tôn thờ loài chim này. Chim chèo bẻo là một biểu tượng của dân tộc Kor, một dân tộc có số dân rất ít và có lòng dũng cảm rất lớn trong việc chiến đấu để bảo vệ buôn làng của mình. Người ta cho rằng chim chèo bẻo biểu tượng cho đặc trưng tính cách cho dân tộc Kor. Và người ta rất tự hào về việc đấy”.
Không chỉ làm bạn với con người, đồng bào Kor còn tin rằng sự xuất hiện của chim chèo bẻo còn là một điềm lành. Bình minh lên, nghe thấy tiếng chim chèo bẻo, hôm đó mọi việc coi như suôn sẻ. Có lẽ vì thế, người Kor bao đời nay vẫn
giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ sau một điều cấm kỵ: Không bao giờ
được bắt chim chèo bẻo làm thịt, đem nuôi hoặc để bán.
Trong tín ngưỡng của người Kor, hình ảnh con chim chèo bẻo cũng xuất hiện đậm nét. Người Kor có tục đâm trâu trong những lễ hội lớn của làng như mừng lúa mới, lên nhà mới, hay tết mùa… Khi đâm trâu, bà con thường dựng cây nêu hay còn gọi là cột đâm trâu. Trên đỉnh của cột đâm trâu, có biểu tượng một búp chuối rừng. Bốn góc nơi tiếp giáp búp chuối được gắn bốn thanh gỗ dáng hình lưỡi dao có mũi cong, treo nhiều tua bông bằng vỏ cây nhuộm màu. Trên đỉnh là con chim chèo bẻo đen nhánh đang giang rộng đôi cánh giữ không cho các loại ma xấu vào cột ăn trâu phá hoại.
Đầu tháng 8/2015, đồng bào dân tộc Cor tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) hân hoan đón nhận bằng công nhận nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của dân tộc mình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận