Kết nghĩa vì tổ tiên còn nợ nhau
Thứ năm, 00:00, 06/10/2016

(VOV4) - Để tăng cường tinh thần đoàn kết trong và ngoài cộng đồng làng, người Ba na có một tập tục rất nhân văn: kết nghĩa. Người Ba na có thể kết nghĩa thành bố - con, mẹ - con hay anh chị em.



 

Phần lớn người Ba na kết nghĩa với nhau khi hai bên quan hệ lâu ngày phát sinh tình cảm quý mến, tin tưởng, ngưỡng mộ nhau. Cũng có trường hợp người này mang ơn người kia đã giúp mình qua cơn hoạn nạn, như già làng Đinh Plênh với người anh em tên Chấp ( ở làng Leeng, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai).

 

"Mình kết nghĩa do bạn bè gặp nhau ngoài đường, mình cứu nó, bị say rượu. Mình cõng nó tới nhà nó, thì là kết nghĩa anh em để nhớ, không có anh em đây là mình chết rồi" - già làng Đinh Plênh nói. 

 

Người Ba na quan niệm kết nghĩa góp phần xây dựng mối đoàn kết. Ảnh: dantri.com

 

Theo anh Đinh Ply, ở làng Leng, ngoài nền tảng là tình cảm, người Ba na còn kết nghĩa với nhau khi trong cộng đồng có 2 người bị đau ốm, chạy chữa, cúng quảy sao cũng không khỏi:

 

"Đó là phong tục nay vẫn còn tồn tại. Người ta quan niệm có vấn đề gì đó từ ngày xưa, ông bà ngày xưa họ hứa cái gì đó, nợ cái gì đó mà không làm được. Ví dụ, chặt cây trúng nhau làm chết người, mà chưa có điều kiện cúng cho người đó, để mãi qua đời này đời kia, thì con cháu hai bên đau ốm. Không phải người ta kết nghĩa ngay mà người ta trao thử một cái vòng tay đã, nếu 2 bên đều khỏi thì người ta bắt con gà, con heo cúng, kết nghĩa luôn, thành gia đình luôn".

 

Đồng bào Ba na còn có một quy định từ xa xưa, là người trong làng hay trong một vùng thì không được đặt trùng tên nhau. Nếu lỡ đặt trùng thì 2 người phải kết nghĩa. Tùy theo lứa tuổi mà quy định vai vế cho phù hợp, có thể là anh em, chị em, bố con hay mẹ con. Người muốn kết nghĩa sẽ nhờ một người có uy tín đến đánh tiếng với gia đình bên kia trước. Nếu gia đình bên kia đồng ý, thì hai gia đình mới tổ chức nghi thức. Mỗi trường hợp kết nghĩa, nghi thức khác nhau. Nếu là kết nghĩa anh em, chị em thì thủ tục đơn giản. Người ta không cần cúng, hai bên gia đình chỉ cần ăn chung một bữa, thông báo cho làng là xong. Phức tạp nhất là lễ kết nghĩa bố con, mẹ con. Người Ba na còn gọi lễ cúng này là lễ Bú vú.

 

Anh Đinh Ply kể: "Làm lễ đấy, là có con gà, con lợn, ghè rượu. Cúng xong rồi, người ta mới mời bố mẹ uống rượu ghè chung. Thầy cúng lấy rượu đổ vào chén đồng, bỏ vô đó huyết gà, huyết lợn, rồi đổ lên người bố mẹ cho chảy qua bầu vú, cho người con uống. Như là mình bú lần đầu ấy. Bú xong là giống như bố mẹ ruột của mình rồi". 


Sau khi làm lễ bú vú, cặp bố - con, mẹ - con kết nghĩa sẽ trao nhau tín vật kỉ niệm là những vật có giá trị như chén đồng, nồi đồng, chiêng, ché hoặc vòng cườm…v..v. 

 

Sau lễ cúng, các cặp kết nghĩa coi nhau như ruột thịt, có trách nhiệm giúp đỡ, quan tâm đến nhau những lúc khó khăn, bệnh tật như với bố mẹ, anh em ruột của mình. Khi bố mẹ qua đời, con kết nghĩa cũng được chia cho một phần tài sản như con ruột.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC