Khách quý được đắp váy
Thứ ba, 00:00, 30/08/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) – “Người Mông giàu hay nghèo quan niệm qua cái váy. Người ta quý khách cũng qua cái váy. Cuối những năm 70 tôi đi điền dã ở miền Tây Nghệ An và ở Hoàng Liên Sơn, người Mông quý khách bao giờ cũng cho đắp chiếc váy cũ" – TS Trần Hữu Sơn.

 

 

Nhà trình tường – những pháo đài trên cao nguyên đá

 

Sinh sống trên núi cao, khí hậu lạnh, người Mông Trắng đã sáng tạo ra loại hình nhà trình tường ấm về mùa đông, mát về mùa hè, lại chống được thú dữ.

 

Nhà của người Mông Trắng trông xa giống như một pháo đài kiên cố. Chúng được thiết kế theo thế lưng tựa núi, bàn thờ/“xử can", hướng nhìn vào núi. Nhưng ngọn núi ngôi nhà hướng đến phải là ngọn núi trung tâm, có địa hình đẹp. Như thế mới mang lại nhiều may mắn và thịnh vượng cho gia đình, theo quan niệm của người Mông.

 

Nhà trình tường của người Mông Trắng được làm bằng đất sét vàng, thường được trình 7 – 9 vòng đất. Mỗi vòng cao 80cm. Để tránh nứt vỡ, người ta thường trộn với đá đỏ khi trình. Nhà thường có 3 gian, 2 tầng với 33 chiếc cột. Gian chính giữa nhà là nơi đặt xử can và để tiếp khách. Gian kế bên dành cho chủ nhà, một bếp củi hay còn gọi là bếp khách. Một gian dành cho con trai và con dâu hoặc cho ông bà. Ở gian này, người ta sẽ đặt thêm bếp lò. Trên gác là dành cho các con hay là nơi họ để ngô, thóc. 

 

Đặc biệt, nhà người Mông rất nhiều cửa: 1 cửa chính để khách đi vào, hai đầu nhà đều có 1 cửa phụ. Trên tầng hai là hệ thống 6 cửa sổ. Mặt trước, mặt sau nhà đều có 2 cửa sổ. Hai bên đầu nhà cũng có một cửa sổ rộng 1m, cao 1,5m.


Những gia đình nghèo làm nhà trình tường rất đơn giản, chỉ có tường đất, mái lợp cỏ gianh và không có cột. Với những gia đình giàu có và quyền thế, cũng kiểu nhà 3 gian như vậy nhưng 2 đầu nhà được nối với nhau bằng một lớp tường, tạo khoảng không nhỏ ở giữa làm sân. Ở chính giữa bức tường có một cổng vào. Kiểu nhà này người ta thường làm 40 – 50 chiếc cột, nhìn xa như một pháo đài kiên cố, súng kíp không thể bắn xuyên tường nên rất an toàn. Và đó chính là cách mà người Mông ứng phó với kẻ thù, với thú dữ, với giá lạnh, nắng nóng vùng cao.


Vào thời người Mông biết làm ngói máng, họ đã dùng để lợp thay thế cỏ gianh. Ngày nay, hầu như các ngôi nhà lợp cỏ gianh và ngói máng không còn nữa, thay vào đó là mái lợp proximang, tuy khả năng chịu nhiệt không bằng nhưng nó vừa rẻ lại vừa tiện lợi nên được người Mông ưa chuộng.

 


Bản Cốc Nghê, xã Bản Mế, Si Ma Cai, Lào Cai, là một trong số ít bản còn giữ được những ngôi nhà cổ. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Đa dạng tín ngưỡng “ma nhà”

 

Người Mông Trắng có tín ngưỡng thờ ma nhà. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, trong các nhóm Mông, ngành Mông Trắng có tín ngưỡng “ma nhà” đầy đủ và cụ thể nhất.

Đầu tiên là “ma cửa” – xìa mềnh. Tại cửa chính, trên cửa có treo một miếng vải đỏ – nơi ma cửa trú ngụ. Theo TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Đ Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, đồng bào quan niệm đó là vị thần tài cai quản toàn bộ ngôi nhà. Gia đình có hưng thịnh hay không là nhờ ma cửa.

Liên quan đến việc bảo vệ, chăm nom gia súc, gia cầm, công việc đồng áng, người Mông Trắng có thêm một loại ma nữa là ma bếp lò. Họ thường thắp hương ở ngay cạnh bếp lò để cầu xin mùa màng thuận lợi, vật nuôi đầy đàn.

 

Tại gian chính giữa ngôi nhà có đặt xử can, tức bàn thờ tổ tiên. Trên xử can, người ta lấy lông gà buộc thành từng nhúm, nhúng vào tiết gà rồi dán lên đó. Họ sử dụng giấy bản màu đỏ, vàng, trắng… dán lên vách hậu để làm bàn thờ với mong muốn những tờ giấy đó tượng trưng cho vàng, bạc. Làm như vậy, vàng, bạc sẽ tự đến nhà, sẽ được no ấm, đủ đầy. Và đó chính là nơi thờ cúng thần tài, thờ tổ tiên của người Mông Trắng.

 

Nhà người Mông có tới 33 – 50 chiếc cột. Chiếc cột ở gian giữa nhà, nối thẳng với nóc nhà, gọi là cột chính hay còn gọi là cột ma, là linh hồn của ngôi nhà.

 

“Dưới chân cột ấy, người Mông Trắng khi sinh con trai bao giờ người ta cũng chôn cái nhau của đứa trẻ, còn khi sinh con gái người ta lại đem chôn trong buồng. Con trai là trụ cột gia đình, bao giờ cũng phải chôn ở cột chủ, sau này trở thành người con trai gánh vác việc gia đình, còn người phụ nữ đảm đang việc nhà cho nên thường chôn ở trong buồng”  -  TS Trần Hữu Sơn cho hay.

Để chăm nom sức khỏe cho những đứa trẻ, “ma buồng” chính là nơi người Mông Trắng gửi gắm hi vọng. “Ma buồng” được thờ cúng tại nơi ở của hai vợ chồng, người ngoài không bao giờ được phép đi vào.

 

“Khi làm tang, trong bài Khúa kê, người Mông cũng đi tất cả vị thần nhà để cầu xin các thần nhà cho người chết lên đường về với tổ tiên. Vai trò của thần nhà rất quan trọng. Mỗi một vị trí, mỗi một vị thần nhà có một chức năng riêng, có một nghi thức, nghi lễ riêng”  – theo TS Sơn.

 

Khách quý được đắp váy

 

Xưa, phụ nữ Mông Trắng thường mặc váy màu trắng, không thêu thùa, nhuộm màu. Váy dài đến nửa đầu gối và có nhiều nếp nhăn. Trong những chuyến đi điền dã của mình, TS Sơn nhận thấy chiếc váy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đồng bào Mông Trắng. Nhà có khách, không có chăn chiếu, quý lắm người ta mới mang chiếc váy ra cho khách đắp.

 

“Người Mông giàu hay nghèo người ta cũng quan niệm qua cái váy. Người ta quý khách cũng qua cái váy. Cuối những năm 70 tôi đi điền dã ở miền Tây Nghệ An và ở Hoàng Liên Sơn, người Mông quý khách bao giờ cũng cho đắp chiếc váy cũ. Trong bộ trang phục đấy, chiếc váy là điểm để phân biệt”. 

 

Đến Lào Cai, nếu đến thăm nhà của người Mông Trắng, nhìn thấy gia đình đào một hố nhỏ ở cửa chính, gần với bếp lò, dưới hố người ta đổ nước, dồn lông, rồi cả phân của con lợn vào, bạn nhớ hãy tự nhiên như người trong nhà, ăn uống thoải mái nhưng không được mang ra ngoài. Và tuyệt đối chớ có nói câu gì nếu đó không phải là tiếng Mông. Điều đó có nghĩa là bạn đang tham gia vào lễ lợn cửa của người Mông Trắng. 

 

Khi chăn nuôi mãi không thấy lợn lớn hoặc đẻ con, người Mông Trắng sẽ mổ một con lợn làm lễ cúng “ma cửa”, “ma nhà” cầu mong được phù hộ. Và tất cả nghi lễ từ mổ lợn, làm lông, cúng bái, ăn uống sẽ tiến hành trong nhà. Làm như thế lợn mới hay ăn chóng lớn, sinh sôi nhiều! Khi ấy, nếu người lạ vào nhà hỏi chuyện hoặc mang đồ ăn hay bất kỳ thứ gì ra ngoài đồng nghĩa với việc mang may mắn ra theo.

Tương tự như lễ cúng lợn này, người Mông Trắng ở Sìn Hồ, Lai Châu lại làm lễ cầu phúc cho con dâu. Chỉ khác, khi tiến hành cúng, người ta lấy con lợn cái để làm lễ. Và theo ông Mùa A Thào ở khu 2, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ,  bạn cũng phải tuyệt đối im lặng.

“Mình đến không biết tiếng địa phương, tiếng dân tộc thì thôi im lặng. Coi như cấm khẩu, mời ăn là cứ thế ăn. Ở thì cứ ngồi thế, không nói tiếng khác. Ăn xong đi là đi thôi. Vẫn ở trong cái lễ cầu phúc cho con dâu, tối nay ta làm lý, chú làm khách, khi bước vào nhà người ta không cho đốt đuốc ở trong nhà đi. Cái lý là người ta đang làm phúc cho con dâu, đêm hôm đấy không được mang cái gì ra ngoài, dù thân đến mấy. Mang ra là hết phúc con dâu".

 

Trong nhà có người ốm đau, trẻ con bệnh tật, người Mông Trắng ở Lào Cai sẽ cắm một thanh tre hình chữ thập hoặc cắm thêm một cành cây khoác lên hình chữ thập đó rồi cài lên cửa chính và cửa phụ ngôi nhà. Khi nhìn thấy dấu hiệu đó, phụ nữ nếu không phải là người sống trong gia đình đó sẽ không được bước vào nhà. Nếu muốn nói chuyện phải đứng ở ngoài đợi người nhà ra đón và nói chuyện bên ngoài. Còn đàn ông thì thoải mái đi lại. 

Đồng bào ở đây quan niệm phụ nữ thường không được sạch sẽ, lại hay có “ma”  và thường dẫn “ma” vào nhà. Nên khi trong nhà có người ốm, phụ nữ bước vào sẽ đem lại xui xẻo và điều không may cho gia đình, cho nên họ chỉ được đứng ngoài đợi chủ. 

 

Ở Lai Châu lại khác. Người Mông sẽ treo lá xanh trước cửa nhà. Khi khách muốn nói chuyện với chủ nhà phải đợi họ ra đón mới vào. Có thể đi cửa chính hoặc vào cửa hậu. Nếu không ra đón, thôi không gọi. “Con đang bú, nếu đàn ông vào thì không sao cả. Đàn bà vào mà có chửa, con cháu không có sữa là do cái thai này lấy sữa đi. Nên khách đến nhà phải hỏi người ta có kiêng không” - Ông Thào nói.

 

Tết, nếu thấy trên cửa chính nhà ai vừa treo một miếng vải đỏ mới, vừa xiên lá xanh, ông Thùa căn dặn: tuyệt đối không được gọi và cũng không được vào nhà. Muốn gọi phải nhờ thầy cúng mở cửa thay. Khi được chủ nhà cho phép, bước vào trong thấy bên dưới có chiếc mẹt nhỏ với 3 chén nước thờ, khách phải biết ý đặt vào đó 2 – 3 đồng tiền gọi là lộc phúc mở cửa năm mới. Bởi vị khách đó chính là người đầu tiên mang phúc cho gia đình. Người Mông quan niệm thế. 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4


 

 

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC