Khăn Piêu không chỉ là khăn
Thứ hai, 00:00, 04/04/2016

(VOV) - Khăn Piêu là đồ vật không thể thiếu của phụ nữ Thái đen, từng đi vào thơ nhạc nên được nhiều người biết đến. Nhưng Piêu không chỉ là một chiếc khăn, mà tầm quan trọng của nó trong đời sống một người Thái lớn hơn thế nhiều.


Piêu, trong tiếng Thái có nghĩa là khăn đội đầu của phụ nữ, được dệt từ sợi bông cỏ, thường có độ dài từ 1,5-1,6 m, với khổ rộng từ 30-40 cm. Không chỉ có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh, Piêu còn là vật trang sức quan trọng, tôn thêm sự duyên dáng của các cô gái Thái. Với sự kết hợp hài hòa của các đường nét, màu sắc, hoa văn, Piêu trở thành một trong những biểu trưng độc đáo của văn hóa Thái.

 

Bà Cà Thị Ban, ở bản Mé, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, bảo chỉ trừ một bộ phận phụ nữ ngành Thái trắng đội nón tát, khăn vuông, còn phụ nữ ngành Thái đen ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đa số đều đội khăn Piêu.


Piêu có nhiều loại khác nhau, như loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ ở 2 đầu khăn, hoặc loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm. Tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Sự khác biệt đó do đồ án hoa văn thêu trên 2 đầu khăn quy định, hoặc có khi do cả mô-tip hoa văn trang trí trên khăn. Chiếc khăn Piêu muốn đẹp phải do nhiều yếu tố tạo nên. Trong đó, chỉ màu thêu khăn đóng vai trò quan trọng. Nếu tấm vải làm khăn dệt từ sợi bông thì chỉ để thêu xéo khăn thường là sợi tơ tằm. Dùng sợi tơ tằm thì sắc màu sẽ óng nuột và mượt mà.



Thieunutheukhan.jpg

Cô gái người Thái ngồi thêu chiếc khăn Piêu. Ảnh:baomoi.com


-  Trước đây chúng tôi thêu Piêu chủ yếu là dùng sợi tơ tằm. Sợi tơ tằm này cũng là do mình nuôi tằm rồi se lấy. Lớp trẻ bây giờ thêu thì chủ yếu bằng chỉ len thôi. Khi cần chỉ việc mua sợi len ở chợ về là thêu, rất tiện. Nhưng thêu chỉ len không thể đẹp và bền màu như chỉ tơ tằm - bà Cà Thị Ban nói.


Con gái lớn lên phải biết thêu thùa, dệt vải, vì vậy, từ khi 7-8 tuổi, người con gái Thái đã phải học cách dệt vải và thêu. Đến khi đi lấy chồng, số chăn đệm, vải vóc và khăn Piêu làm được sẽ là thước đo đánh giá người con gái ấy chăm chỉ hay lười nhác, khéo léo hay vụng dại.


Với khăn Piêu, để có một chiếc hoàn chỉnh, thường phải mất 3-4 tuần thêu liên tục. Nhưng người phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, cho nên xong một chiếc Piêu thường mất cả tháng trời. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên 2 đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập khuôn máy móc mà có thể sáng tạo theo ý mình. Do vậy, học thêu Piêu đối với các cô gái Thái là cả một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi tay khéo léo để chuẩn bị bước vào đời.


Chị Lò Thị Hương, ở bản Cọ, phiềng Chiềng An, thành phố Sơn La, nhớ lại những tháng ngày học thêu Piêu của mình:


- Tôi biết thêu Piêu do tự học là chủ yếu. Mình nhìn theo khăn mẫu mẹ hoặc chị đã thêu, lúc đi chăn trâu là cả nhóm bạn cùng trang lứa chụm đầu vào hướng dẫn cho nhau, dần dần là biết. Lúc đầu mình học các nét thêu cơ bản, sau rồi mới thêu các hoa văn phức tạp.


Khăn Piêu chính là vật hẹn ước của các chàng trai, cô gái Thái. Để gửi gắm tình cảm, các cô gái Thái thường tặng người mình yêu chiếc khăn Piêu thêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay của cô gái mình yêu. Piêu cũng là quà biếu khi cô gái về nhà chồng, cũng có thể là vật dâng cúng trong ngày lễ.



Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC