Không cúng chiêng, thần không cho vui trọn vẹn
Thứ năm, 00:00, 29/09/2016 Hải Huyền bt bài 2 ảnh Hải Huyền bt bài 2 ảnh

(VOV4) - Nhà người Khơ Mú có chiêng. Đó là chiêng đôi, một đực, một cái. Đó cũng chính là tài sản quý giá của ngôi nhà.

 

Nhà giàu mới có chiêng

Gian nhà người Khơ Mú tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) rộn rã tiếng chiêng. Ngay gần bậc cửa, một phụ nữ thoăn thoắt gõ nhịp chiêng. Tay phải chị cầm dùi thúc nhịp vào chiêng, tay trái cầm ống tre dài khoảng 1m, gõ nhẹ xuống sàn nhà hòa tấu cùng chiêng, nghe đến vui tai. Bên cạnh, chị Bạc Thị Vừ cũng nhịp nhàng hai ống tre tương tự. Đây là chiêng đón khách mà gia đình chị Bạc Thị Vừ và anh Quàng Văn Cá, ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên, tiếp chúng tôi.

 

 

Gia đình chị Bạc Thị Vừ chơi chiêng đón khách

 

“Người Khơ Mú đánh chiêng vào dịp lên nhà mới, ngày tết, ngày mới, các lễ hội như hội cầu mùa, cầu mưa, lễ hội xên bản và đám cưới. Các ngày đó là được đánh. Đám ma không bao giờ được đánh. Vì người Khơ Mú kiêng, trong bản có người mất không nên vui chơi, kkhông nên đánh chiêng và hát hò. Lên nhà mới, ngày tết, ngày lễ, đám cưới thì đánh chiêng trong nhà. Còn các lễ hội thì mang ngoài sân đánh” – chị Vừ nói.

 

Chiêng của người Khơ Mú có đôi, một cặp đực – cái. Chiêng đực nhỏ, tiếng nhẹ, thanh thoát. Chiêng cái lớn hơn, rung và ngân vang hơn.

 

“Cồng chiêng là một tài sản quý giá của người Khơ Mú. Từ xưa đến nay nhà giàu mới mua được cồng chiêng. Ngày xưa chỉ có nhà tạo, phìa người ta mới mua, từ trưởng bản trở lên người ta mới mua. Dân thường không có điều kiện để mua” - anh Cá nói.

Thường, đàn bà đánh chiêng, đàn ông dùng “ông đinh”, tức ống tre gõ hòa nhịp, hoặc người ta có thể chơi độc chiêng.




 
 Chiêng đực (trái), chiêng cái (phải)


Không được úp chiêng xuống đất

Chiêng, bà con kỵ nhất úp uống đất. Lúc nào cũng phải treo chiêng rồi mới đánh. Khi đánh chiêng, phải làm lễ xin phép thần đất, thần rừng, thần sông, thần suối của bản. Lễ ấy, phải có con gà, chén rượu, bát xôi, một bát canh, một bát gạo, trầu cau và nến sáp ong cháy đỏ. 

“Vào phần hội, chuẩn bị vào đánh chiêng, người ta chuẩn bị con gà luộc chín, chai rượu, một đĩa xôi, một bát gạo, một gói muối, đưa đi ngã ba, ngã tư đặt mâm ở đấy. Người ta cúng mời thổ địa, các thần sông, thần núi về ăn. Ăn xong, phù hộ cho cái ngày hội đó cho bà con dân bản vui vẻ. Cúng xong, thầy cúng lấy hai chén rượu đổ vào cái vú của chiêng. Xoa xoa xong, thầy cúng đánh 3 phát vào cái chiêng. Rồi người ta đem về treo ở nhà, bà con trong làng mới được đánh” - anh Cá bảo thế.

 

Nếu không cúng chiêng mà đánh ngay thì sẽ ra sao? Anh Cá xua tay: “Cúng thần chiêng và cúng vị thần thổ công của làng để xin phép. Kể cả tiếp khách, khi đánh chiêng mình đều phải làm như thế. Nếu không, nó hay xảy ra việc con người không được mạnh khỏe, hay uống rượu say, khiến cho cuộc vui đó không vui, trời không phù hộ. Khi nào vui chơi xong rồi thì mình mới cất. Người ta cất kín lắm, để trong tủ chứ không để bên ngoài đâu”. 

Anh Cá bảo ngay cả khi đến mượn chiêng chơi, người ta cũng phải có lời xin phép gia tiên chủ chiêng cho mượn. Đến khi trả, cũng phải có lễ: con gà, cân thịt, hai lít rượu, chiếc bánh chưng, mang đến nhà chủ chiêng để tạ ơn. Như thế mới trọn vẹn nghĩa tình!

 

 

Lan Vàng/VOV4

Hải Huyền bt bài 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC