Không đối đáp hay không được đón dâu
Thứ năm, 00:00, 27/10/2016

(VOV4) - Trong đám cưới của dân tộc Tày, thành phần nhà trai đi đón dâu không thể thiếu ông quan lang - một người giỏi ăn nói, giỏi thơ ca và có tài ứng đáp. Người Tày cho rằng nếu quan lang kém cỏi, nhà gái sẽ không vui mà dùng dằng chuyện trao con gái. Và như thế thì lễ cưới không thể coi là trọn vẹn.




 

Người Tày đặc biệt coi trọng phần đối đáp của quan lang trong lễ cưới chính thức, khi nhà trai đến nhà gái thực hiện nghi thức đón dâu. Việc tiếp đón diễn ra tình cảm, ý nhị qua tiếng hát đối đáp. Khi đoàn nhà trai vào nhà, các bước thử thách tài đối đáp của quan lang bắt đầu.

 

Ngay dưới bàn thờ nhà gái là mâm cơm của các bậc cao tuổi trong làng, gọi là “mâm nguyệt lão”. Các cụ ngồi ở đây thuộc rất nhiều thơ, chất vấn ông quan lang (lúc này ngồi ở mâm thứ hai ngang hàng với các ông chú bác bên nhà gái). Từng mục, từng loại: thơ đi đường, thơ trình tổ tiên, thơ trình báo họ…  

 

Ông Hoàng Đức Hiền, Phó chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng, mô tả: “Không phải ông quan lang cứ thích bài nào là đọc đâu, mà phải do các cụ mâm này vấn ra, anh phải đáp lại. Các cụ xướng trước nhưng ngồi yên tại chỗ. Khi mâm nguyệt lão rót ra 1 chén rượu đặt lên khay, ông nguyệt lão ngâm mấy câu thơ: “Thưa 2 quan sứ, tuần rượu này nhà họ chúng tôi xin kính đến 2 quan sứ lưỡng long thất khúc”, tức là 2 khúc gỗ lớn lối lên cầu thang như 2 con rồng. 

 

Ông đại sứ đứng dậy, ông tiểu sứ cũng đứng lên cầm khay chờ. Ông đại sứ đáp tả đúng cầu thang. Sau khi trình xong bài lúc nãy, lấy khay trở lại, ông nguyệt lão lại xướng lên: “thưa 2 quan sứ, tuần rượu này chúng tôi xin kính đến 2 quan sứ tam xà cửu trúc”, là anh phải tả cái xà. Nếu quan sứ mà không hiểu thì người ta cười cho”.

 

Ông quan lang trong đám cưới người dân tộc Tày .  Ảnh: baomoi.com  

 

Thơ đối đáp với nguyệt lão gồm tất cả những gì ông quan lang và đoàn nhà trai gặp trên đường. Ví dụ như khi qua cái giếng thì ông phải tả cái giếng; vào đầu làng ông phải chào xin phép thổ công, thành hoàng; đến nhà cửa ruộng vườn, gặp gì thơ nấy. 

 

Mà nào đã xong! Phần đối đáp thứ hai giữa quan lang với các cô bên nhà gái cũng gian nan không kém. Các cô gái đứng ở bên hàng hiên cất lời hỏi, 5-6 người phụ nữ lớn tuổi, hiểu biết nhiều phụ họa cho lời thơ ấy.

 

“Mỗi đoạn thơ con gái xướng lên từ 9-12 câu thì ông quan lang phải biết đối lại. Lời chào các ông từ đâu đến nhà tôi, hôm nay vì sao các ông đến đây, thì đáp cũng phải bằng thơ. Ông phải biết ý ẩn của người ta, phải rất giỏi ứng xử, hiểu biết nhiều” -  bà Nông Thị Vân, ở bản Pò Chạng, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn, nói.

 

 Người Tày quan niệm thử tài ông quan lang thành công nghĩa là tình yêu của đôi trai gái vượt qua được mọi thử thách. Đối hết phần thơ đi đường, thơ lên nhà, đâu có nghĩa là đã đón dâu về được. Lúc này ở cửa sẽ xuất hiện nhiều thứ tréo ngoe, như đôi mèo bị treo lên, sợi dây thừng vắt chéo, hay chiếu hoa trải ngược. Nếu ông quan lang không biết ứng xử bằng thơ mà cứ thế chui qua, thì miệng đời cười chê không dứt.

 

 

Những thử thách nhà gái đưa ra buộc ông quan lang phải ứng đối bằng thơ.  Ảnh:baomoi.com

 

Ông Hiền nói: “Người ta lấy 1 dây thừng chắn ngang đường thì anh cũng phải biết giải trình, ý là ngày hôm nay chúng tôi đến làm việc tốt chứ không phải ở đâu xa lạ, hai bên đã thuận với nhau, chúng tôi nhờ bên nhà gái cởi cái dây đi, không chắn nữa. Cắt dây rồi, vào cửa lại có con mèo ở trên, ông quan lang phải có 1 bài thơ, đại ý: “con mèo là để đi bắt chuột, nó sống ở cạnh bếp, nó đi rình khắp nhà, tại sao bên nhà gái lại trói con mèo ở đây, chúng tôi mong nhà gái cởi trói cho nó được đi”. Nói bằng thơ có niêm luật hẳn hoi.

 

 Nhà gái lúc ấy mới đáp lại: “do đám cưới mọi người rất đông nên chúng tôi chưa quan sát hết, các cháu nhỏ không biết, bắt con mèo treo lên đây. Giờ đại diện nhà trai thấy được con mèo treo lên đây, tôi sẽ nghe lời lấy con mèo đi. Thế là cất con mèo đi, ông quan lang mới được vào cửa”. 

 

Cũng bởi nhiệm vụ đối đáp của quan lang rất nặng nề nên người Tày gọi vai trò của người này trong đám cưới là “đi sứ”. Riêng ngày đón dâu, ông quan lang phải hát hết 15-18 đoạn thơ ý nhị, có lý có tình để nhà gái xuôi lòng, bỏ qua các thử thách.

 

Cửa ải cuối cùng là mục “bát tiên quá hải”, tức là diễn giải cho đủ 8 chén rượu trên mâm lễ, cốt sao không bị phạt uống chén nào mới là quan lang giỏi. Vượt qua cửa ải này, nhà gái đồng ý cho nhà trai dâng lễ lên tổ tiên. Chú rể dâng rượu mời ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng nhà gái. Ông quan lang lúc này dâng lễ cũng bằng thơ, nói sao cho người sống nghe được mà linh hồn người chết cũng nghe được.

 

Sau đó, đoàn nhà trai dự bữa cơm thân mật với nhà gái. Mọi người đều hoan hỉ, chúc phúc cho đôi trẻ. Đón cô dâu về, ông quan lang đứng đầu đoàn nhà trai lại hát xin dâu. Lúc này, nhà gái đã đồng ý vui vẻ, nên trả lời khiêm tốn, ngụ ý: Cô dâu còn trẻ người, chưa được uốn nắn dạy bảo nhiều, mong khi về bên ấy rồi, nhà trai chỉ bảo thêm để trọn vẹn bổn phận dâu thảo, vợ hiền…

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC