Kiêng làng để đón ngọn lửa thiêng
Thứ tư, 00:00, 13/04/2016 Phú CT Phú CT

(VOV4) - Lễ Bon Xơ Rúk, lễ kiêng làng, của dân tộc B’Râu là một trong những nghi lễ đặc sắc đậm màu sắc tâm linh. Đến làng vào ngày này, bạn sẽ không được về hay không được ra khỏi phạm vị cổng làng, nếu việc làm lễ chưa hoàn tất.

 

Cũng trong ngày này, dân làng không được đun nấu. Đồ ăn thường là đồ nguội được chuẩn bị từ trước ngày làm lễ.

 

Vì sao phải làm lễ kiêng làng?

 

Lễ này chỉ thực hiện khi cộng đồng có một biến cố lớn. Ví dụ như ốm đau, bệnh dịch, chết người nhiều quá, hoặc là nhiều cái chết bất đắc kỳ tử. Những biến cố này, người B'râu không giải thích được nên cho rằng đó là do một thế lực siêu nhiên tác động lên đời sống của con người, làm cho cuộc sống bất ổn, tai họa giáng xuống cộng đồng. Già làng và hội đồng già làng họp lại, bàn tổ chức bon xơ ruk.

 

 

Thấy dấu hiệu này trong những căn nhà của một số dân tộc thiểu số thì đừng dại bước vào, sẽ bị phạt, có khi cả một con trâu. Ảnh:tintaynguyen.com

 

Theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), người B’râu rất đoàn kết. Chỉ cần nhìn kết cấu và việc sắp đặt nhà rông, có thể thấy rõ điều này. Họ bao bọc nhau trong một vòng tròn và có sự chỉ đạo của hội đồng già làng. Cứ như thế thành một khối thống nhất, một tập thể không thể tách rời:

- Người B’râu sống trong cộng đồng quần cư chặt chẽ, như cộng đồng làng Đắc Mế, chặt chẽ kể cả tinh thần và vật chất. Tinh thần là những người trong làng đó gắn kết bằng huyết thống. Nhà rông nằm ở giữa làng, còn các ngôi nhà của các thành viên làm  xung quanh nhà rông. Điều đặc biệt hơn là họ rào làng thành một vòng tròn bằng cây, rất là kiên cố, có cổng làng và được canh gác cẩn mật. Chỉ có một cổng duy nhất ở đằng trước, còn cổng phụ đằng sau, người ta đi nương, đi rẫy, ra suối lấy nước. 

 

Trước khi tiến hành nghi lễ Bon xơ rúk, hội đồng già làng họp bàn, thống nhất chọn ngày tổ chức, để cầu mong mọi điều dữ đi qua, điều tốt đẹp sẽ trở lại với bà con. Mọi công việc được phân công rõ ràng. Bà con, tùy theo khả năng mà đóng góp sức người, sức của. Đàn bà con gái thì chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ủ rượu ghè, lấy củi, gùi nước. Đàn ông thì vào rừng chặt cây tre, lồ ô để làm cột gưng, cây nêu và  làm nhà cúng.

 

Khi đã thống nhất được ngày làm lễ, già làng quyết định đóng cửa làng. Nếu có trường hợp người ở nơi khác đến, thì phải ra khỏi làng trước khi đóng cổng. Nếu không ra kịp, người đó sẽ phải ở lại đến hết lễ hội.

 

- Khi hội đồng già làng quyết định làm lễ bon xơ ruk, người ta kiểm tra lại toàn bộ hệ thống rào, rào giậu lại cho kín đáo và chuẩn bị vật chất để chuẩn bị cho lễ hội. Dứt khoát phải có một con trâu, con lợn, con dê, con gà. Họ đóng cổng làng, rào làng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không ai làm gì trong phạm vi cổng làng, trong phạm vi tường rào. Sau khi chuẩn bị như thế thì người ta tiến hành dựng cây nêu, bắt trâu buộc vào cây nêu - TS Quang cho hay. 

 

TS Bùi Ngọc Quang cho biết, đêm hôm trước, các gia đình chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ trong hai ngày. Trước khi làm lễ, dân bản phải tắt hết lửa trong các bếp. Người B'râu tin mọi các sự vật, hiện tượng đều có Giàng cai quản, trong đó Giàng lửa rất quan trọng. Có một điều xui, họ cho rằng vì đã làm ô uế ngọn lửa thiêng, nguồn sống của cộng đồng, cho nên ngọn lửa này cần phải làm mới. Do đó, họ tắt ngọn lửa đã không còn tốt nữa, không còn linh thiêng nữa, để nhóm ngọn lửa mới bằng nghi thức trang trọng nhất, cầu mong Giàng lửa sẽ mang lại điều tốt đẹp nhất.


 

Trâu được buộc vào cây nêu để thực hiện nghi lễ. Ảnh:baomoi.com

 

3 ngày kiêng làng

 

Nghi lễ kiêng làng diễn ra trong 3 ngày. Trong 3 ngày đó, tất cả những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người B’râu đều được thể hiện rõ.  

 

Ngày thứ nhất, cộng đồng làng chung tay dựng cột gưng. Già làng và pơdâu (tức thầy cúng) chọn tâm điểm trước sân nhà Rông để đào lỗ dựng cột gưng. Pơdâu đào những nhát đầu tiên có tính chất nghi thức, sau đó trao cho một thanh niên đào tiếp. Thường thì hố dựng cột này sâu 80cm và rộng 60cm. Khi đào xong, già làng rắc gạo, tưới rượu, cắt tiết gà nhỏ xuống hố, rồi bắt đầu khấn: “Hỡi Giàng đất, Giàng sông, Giàng suối… Xin phép Giàng cho chúng tôi dựng cột gưng làm lễ Bon xơ rúk, mời Giàng xuống dự với chúng tôi và mang lại điều may mắn tốt lành cho dân làng”.

 

Sau khi dựng cột gưng, người B’râu sẽ rước túi thiêng. Túi thiêng được rước quanh cột gưng 7 vòng, ngược chiều kim đồng hồ, rồi được đặt trên vị trí quan trọng của cột lễ. Đây là sự bày tỏ thái độ tôn kính của cộng đồng đối với các vị Giàng, ẩn tàng trong túi thiêng, đồng thời cũng thông báo với Giàng về việc làm lễ, có trâu là vật hiến sinh.

 

Sau khi dựng cột gưng là nghi lễ đâm trâu. Già làng và thầy cúng gắn lên sừng trâu hai cây nến, được làm bằng sáp ong và trầm hương, bôi tiết gà lên trán con trâu. Mỗi người cầm một chiếc lá xanh trên tay và cùng đồng thanh khấn:

 

“Tôi gọi Giàng Pạ xây

Tôi gọi Giàng Mắt ngay
Giàng Bri, Giàng Đák
Giàng Bai Phau, Bra Bum
Tôi gọi hồn núi hồn sông
Hồn rừng hồn lúa
Hồn bắp hồn sắn...
Hãy về dự
Hãy về ăn
Hãy về uống rượu
Hãy phù hộ cho buôn làng chúng tôi
Con trai, con gái, người già, người trẻ
Khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật
Cây lúa mọc nhiều, mau hạt
Cây bắp mau lớn, lắm quả
Nhiều như bông kê
Đông như kiến mối..”

 

Trước khi đâm trâu, già làng làm lễ cúng, mọi người đứng xung quanh, con trâu đứng giữa. Già làng sẽ nói với con trâu: hôm nay làng sẽ làm Bon xo ruk và trâu sẽ là vật để làm lễ, chúng tôi sẽ mời Giàng xuống để chứng kiến và cầu mong Giàng sẽ mang lại điều tốt đẹp, xua đi những điều xui xẻo cho dân làng.

 

Mọi người dự lễ dùng ngón trỏ nhúng vào chậu tiết và bôi lên mặt, đầu và vai mình, hy vọng nhận được sức mạnh, tránh các vía ác có hại. Rồi họ mổ trâu và chia thịt cho tất cả các nhà.

 

Nếu như nghi thức đâm trâu là một nghi thức quan trọng nhất trong ngày thứ nhất, thì trong ngày thứ 2 là nghi thức làm lửa mới. Đây là hành động trung tâm, thiêng liêng nhất của lễ hội. Già làng chọn một gốc tre đực, một gốc tre cái già tự chết ở giữa búi tre, chặt giữa cái gốc tre đực và tre cái. Bà con cho rằng gốc tre đực đặc nhưng nhỏ hơn, tre cái to hơn nhưng rỗng ruột.

 

Nắm bùi nhùi được đặt giữa hai gốc tre. Một người đàn ông và một người đàn bà được chọn, quay mặt vào nhau, cùng cọ xát bùi nhùi vào hai gốc tre đến khi bùng lên thành ngọn lửa. Lúc này cồng chiêng nổi lên, dân làng hát múa reo hò. Người ta châm lửa ấy nhóm lên ngọn lửa thiêng ở nhà rông và dùng ngọn lửa ấy nấu thức ăn cho cả làng.

 

Khi lửa mới bùng lên, có nghĩa là lửa cũ với bao điều bất ổn đã được rũ bỏ hoàn toàn. Mọi người đều hân hoan. Và cứ như thế suốt đêm, họ cùng nhau ăn uống, chung vui, nhạy múa.

 

Nếu như hai ngày đầu là việc tiến hành các nghi lễ mang tính thiêng thì ngày thứ 3 là ngày của sự sum vầy. Đó là ngày ăn đầu trâu. Đến chiều, người đàn bà lấy ngọn lửa thiêng từ bếp của nhà rông, người đàn ông thì mang thịt và các phần được chia về bếp nhà mình, nhóm lửa và nấu ăn, bữa ăn đầu tiên của gia đình bằng ngọn lửa thiêng, bằng thịt thiêng. Sau đó, tất cả mọi người ra dòng suối sau làng tắm rửa sạch sẽ, về nhà ăn bữa cơm đầu tiên. Lúc này, cổng làng bắt đầu được mở ra để đón những điều tốt đẹp mới vào và xua điều xấu đi.

 

Bon xơ ruk bây giờ chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trong tài liệu của các nhà nghiên cứu.

 

 

Việt Phú/VOV4

Phú CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC