Kỹ thuật làm trống của người Dao đỏ
Thứ tư, 00:00, 24/05/2017 Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh

VOV4.VN - Trong mỗi gia đình người Dao đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, đều có một chiếc trống. Không chỉ là một nhạc cụ phục vụ các lễ nghi cộng đồng, trống còn là vật thiêng. Ở Tả Phìn hiện nay, duy nhất nghệ nhân người Dao đỏ Lý Phù Quyện biết làm trống.


Cách thuộc da cầu kỳ


Xưởng làm trống của gia đình ông Lý Phù Quyện nằm ở trung tâm xã Tả Phìn. Trong gian nhà thưng ván, trên tường treo la liệt những trống, dưới sàn ngổn ngang gỗ, khúc thì đang khoét tang trống dang dở, khúc chặt nhỏ làm nêm. 


Sâu bên trong là căn bếp rộng chừng 30m2. Bốn mảnh da bò được căng tròn, đặt lên gác bếp. Phía dưới, 2 bếp lò đượm lửa từ từ thốc khói. 

 


Da bò được căng các góc đem phơi nắng


Ông Lý Phù Quyện lúi húi chêm thêm thanh củi cho ngọn lửa liu riu. Ông đang sấy da bò vừa mới mua ở Lai Châu để chuẩn bị cho mẻ trống tiếp theo.


“Trước mới vào nghề phải đi mua da. Nó khó. Giờ ai cũng biết mình làm nghề rồi thì ngày mai mổ bò hôm nay thông báo qua điện thoại. Gửi đến đếm tiền xong là xong mà” – ông nói.


Da bò lấy về, lau sạch sẽ. Sau đó, người ta sẽ dùng những thanh mai chẻ khoảng 1m, căng tròn các góc, rồi đặt lên gác bếp sấy dần. Ở công đoạn này, không được để lửa quá to hoặc quá nhỏ.


“Sấy cho nó khô dần, khô dần mới tốt. Sấy một phát lửa to là không được. Nó giòn, gẫy hết, trống không kêu. Phải sấy lửa đều một tháng đấy. Nó mới đảm bảo an toàn” - lời ông Quyên.


Sấy da cho khô xong, không phải dùng được ngay. Người ta còn phải cắt thành từng miếng khoảng 20 – 30 phân hoặc lớn hơn tùy vào kích thước trống nhỏ hay lớn, rồi mang đi phơi cho thật khô, ngâm mềm, mới đem làm trống.


Ngày trước, mặt trống thường được làm bằng da hổ, báo, vừa bền lại vừa đẹp. Ngày nay người ta chỉ dùng da dê, da bò, da trâu để làm. Họ cũng lựa những loại da con vật có độ mỏng cần thiết để dễ dàng hơn khi làm trống. Hoặc nếu dày, phải bào mỏng.

 

Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, ở Sa Pa không chỉ có người Dao Đỏ có trống, nhánh Dao Họ (Dao Quần trắng) làm trống tang sành. Vì vậy, cách lựa chọn da cho trống cũng khác nhau.


“Mặt trống nhỏ tang sành làm bằng da hươu. Mặt trống da thì thường da trâu, da bò. Trống đánh cúng thì người ta bọc bằng da trâu. Lúc đó, trống đấy trở thành trống thiêng” – TS Sơn cho hay.

 


Nghệ nhân Lý Phù Quyện bên cạnh những tác phẩm của mình


Căng tang trống bằng dây mây và nêm gỗ


Sau khi thuộc da, phải chuẩn bị gỗ để làm tang và nêm trống. Và gỗ để làm hai bộ phận này cũng phải lựa chọn kỹ càng.


Trống của người Dao đỏ ở Sa Pa có hình dạng dẹt, tròn. Tang trống là một thân gỗ rỗng hoặc khoét thủng ruột cao khoảng 20cm. Sau đó vót tròn, bóng xung quanh khiến tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn chắc. 


“Tang thì chủ yếu lấy cây mít. Gỗ mít chắc, không bị sâu mọt. Gỗ phải dài, tang dài nó mới kêu. Ngắn quá nó không được kêu” – ông Lý Phù Quyện cho hay.


Nêm trống để giữ căng mặt trống lại được làm bằng gỗ xoan. Họ chặt khúc hình chữ nhật rộng tầm 3 – 4 phân, chiều dài 4 – 5 phân rồi bào nhẵn bóng. Và họ cần phải làm hằng trăm chiếc nêm mới có thể giữ chặt tang trống.


Sau khi đục lỗ xung quanh hai miếng da thú đã cắt tròn, người ta áp chúng vào hai đầu tang trống. Sau đó, dùng dây mây dẻo nối hai mặt trống với nhau. 


Tiếp theo, người thợ sẽ lấy những chiếc nêm gỗ, đóng xung quanh để căng mặt trống. Nêm đến đâu, họ lấy búa đóng chắc đến đó. Khi nào đủ 3 hàng nêm gỗ, mặt trống căng ra, tạo thành âm thanh trầm bổng, ấy là lúc hoàn thành công đoạn làm trống.


“Buộc dây mây, buộc trước đóng sau. Xong là mang ra chợ bán thôi. Đổi tiền uống rượu thôi. Càng nhỏ càng khó làm. 200 – 300 ngàn đồng/chiếc, to như thế này thì 500.000 đồng. To hơn phải 5 – 10 triệu. Hôm nọ đội Đà Lạt lên mua 28 triệu một quả mà. Đường kính đến 1,5m. Hai con bò mới được một quả trống. Nêm độ 900 cái. Có tháng bán được vài chục triệu, có tháng cũng được 4 – 5 triệu” – ông Quyện cười lớn.


Để làm được một chiếc trống như vậy, thợ giỏi phải mất một ngày. Đặc biệt, không phải ngày nào người Dao đỏ cũng có thể mua trống, làm trống. Họ phải chọn ngày tốt. Và không phải nơi nào cũng có thể làm loại trống này.


“Làm trống kiêng làm ở nhà, vì nhà là nơi cúng bái. Chỉ đi vào lán làm thôi. Trong nhà có “ma”, không làm được đâu. Ma tổ tiên đấy".


Việc chọn ngày làm trống và mua trống thể hiện sự quan trọng của loại nhạc cụ này trong đời sống của người Dao Đỏ. Tập tục ấy cho đến nay người Dao đỏ vẫn giữ.


Theo phong tục, họ thường sử dụng trống cho các hoạt động mang tính chất nghi lễ như cấp sắc, làm nhà mới, đám cưới… Trống vừa làm nhiệm vụ kết nối con người với thần linh, vừa là nhạc cụ mua vui cho cộng đồng.


 


Lâm Thanh/VOV4



Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC