Kỹ thuật nhuộm chàm của Người Dao đỏ
Thứ hai, 00:00, 03/07/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình
VOV4.VN - Người Ai Cập cổ đại chiết xuất màu nhuộm từ ốc biển, người cổ đại Peru tạo ra thuốc nhuộm từ cây chàm. Tại Việt Việt Nam, người Dao đỏ ở Sa Pa cũng dùng cây chàm để nhuộm vải làm trang phục.


Cao chàm muốn sạch phải nhờ tro bếp


Cứ tháng 2 – tháng 3, tiết trời mát mẻ, sương muối tan dần, người Dao đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, lại xới đất gieo chàm. Đây là lúc thời tiết thuận lợi để chàm sinh trưởng. Trên đồi, hay mảnh vườn sau nhà, cứ chỗ đất ẩm, người Dao đỏ dành một khoảnh để trồng chàm. 
Có 2 cách trồng chàm: gieo hạt hoặc giâm cành, trồng gốc. Tuy nhiên, việc trồng cành thường được bà con lựa chọn vì cây sẽ nhanh lớn, cho lá to, thân lớn. Nhưng trồng cành cũng phải biết cách. Đoạn cành dài khoảng 30cm từ đầu rễ lên phía trên là tốt nhất để đem trồng. Đất xới tơi xốp, đánh luống xong xuôi sẽ là lúc đem cành đi giâm.

 


Bà Lý Mẩy Chạn với sản phẩm thổ cẩm nhuộm chàm của người Dao đỏ. Ảnh: thuonghieucongluan.com.vn


Chàm sinh trưởng nhanh, tháng 6, tháng 7 đã có thể thu hoạch. Họ chặt cả cây chàm thành những đốt nhỏ, bỏ vại lớn ngâm nước. 4 – 5 hôm sau, cây chàm ngấu nước, người ta bỏ bã, giữ lại nước chàm. Cho vôi vào và tiếp tục ủ khoảng 2 – 3 hôm, nước trong nổi lên, bột chàm lắng xuống dưới, đặc dẻo như bùn non.
“Mình ủ 4 – 5 ngày hoặc 5 – 6 ngày. Nó thối đi, mình lấy bã bỏ đi. Mình lấy bột vôi nhào cho thật kỹ, cho vào đánh bột chàm của nó chìm xuống đáy. Đổ nước, đọng lại chàm, mình cho vào bao tải để lắng khô đi” - Bà Lý Mẩy Chạn, Chủ nhiệm HTX Giấc Mơ Đỏ - HTX chuyên sản xuất sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, tiết lộ.
Chị Lý Mẩy Pham, ở Tả Phìn, bảo, muốn có cao chàm sạch để nhuộm vải, phải nhờ đến tro bếp: “Lấy tro bếp mình đun củi ấy, hòa với nước sạch rồi lọc qua lớp vải 4-5 lần. Đem nước ấy đổ vào thùng chàm càng khiến chàm sạch. Rồi mình mua vải trắng về nhuộm”. 

Làm chín chàm bằng… ớt

Bà Lý Mẩy Chạn còn nói muốn chàm chín nhanh, ăn vải, người Dao đỏ dùng rất nhiều loại lá rừng để ủ chàm. Và nguyên liệu đặc biệt thúc chàm chín nhanh vẫn được truyền đời trong mỗi gia đình người Dao đỏ đến ngày nay là ớt. 
Không một chút giấu nghề, bà Lý Mẩy Chạn chia sẻ: “Mình cho ớt, cho các loại lá cây tiếng Dao gọi là nhàm chùa mia, có loại đìa tầm thạ mia, đìa xiêu, đìa phàn xạ.. mới chín chàm. Lúc nào mình vắt nước thấy màu vàng, nhúng tay vào xanh thì mới ăn vải”. 
Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, Sa Pa là một trong những nơi có băng tuyết xuất hiện nhiều nhất ở Việt Nam. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp 1 – 2 độ C. Làm chàm mùa này sẽ không lấy được cao chàm tốt. Vì thế, bà con thường để đến tháng 8 ủ chàm. 
Cũng có khi cuối tháng 9, tháng 10, bà con cũng nhuộm. Khi ấy, thời tiết se se lạnh, để có mẻ chàm đảm bảo chất lượng cũng phải có bí quyết. 
“Rét quá thì mình phải cho vào nồi, đun lên. Làm nước nóng nó chín sớm hơn, có thể 7 – 8 ngày hoặc 9 – 10 ngày thôi” - bà Lý Mẩy Chạn nói.
Khi nhuộm, người ta hòa keo chàm trong nước ngâm tro bếp với các loại cây rừng. Sau đó, cho vải vào 15 - 20 phút, rồi đem phơi. Cứ nhuộm như vậy 5 - 6 lần là được. Quá trình nhuộm từ vải mộc đến lúc thành vải chàm phải kéo dài hàng tháng. Khi chàm đã ăn vải, lên màu xanh tím, người ta sẽ đem tấm vải ấy nhuộm tiếp với củ nâu, vải mới lên màu chàm đen.

Không thò đầu quá sâu vào thùng chàm

Người Dao đỏ có khá nhiều kiêng kỵ khi làm một mẻ chàm. Phụ nữ sinh con đang trong tháng ở cữ không đến gần thùng chàm. Ngay như việc cúi đầu quá sâu vào thùng chàm khi nhuộm, cũng là điều người Dao đỏ tránh làm. 
“Nhuộm chàm mình không nên thò đầu mình vào sâu quá, có ánh sáng của mình nó bị hỏng. Những người khác không làm chàm cho mình cũng không nên nhúng tay vào đấy, hỏng hết. Người nào làm chàm thì chỉ có người đó làm từ đầu đến cuối thôi. Nếu khách du lịch muốn thử thì phải làm một cái nồi khác cho người ta thử” - bà Lý Mẩy Chạn khẳng định.
Thậm chí, việc cho cây ớt vào thùng chàm, ngoài lý do để cho chàm chín nhanh, ăn vải, thì cũng có một nguyên nhân là không muốn hỏng một mẻ chàm.
“Từ xưa đến nay truyền lại đời này sang đời khác. Nếu trường hợp mình không để ớt, có thể người khác người ta có con mắt nhìn không được tốt, thì bị hỏng. Mình cho ớt vào sẽ phòng việc đấy".
Tới đây, bạn đã biết, để có một mẻ chàm ưng ý, người Dao đỏ đã phải công phu, tỷ mẩn thế nào trong việc nhuộm chàm.



Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC