Làm nhà cho người chết
Thứ tư, 00:00, 06/04/2016 Tâm - CT Tâm - CT

(VOV4) - Người Tày ở Văn Quan quan niệm sống sao, chết vậy, nên trước khi đưa người quá cố ra nghĩa địa, một thủ tục quan trọng phải tiến hành là làm nhà cho người chết.


Ông Hoàng Tuấn Cư, người Tày ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) kể rằng: Trước đây, đám tang thường làm 7 ngày, thì người ta mua vật liệu làm nhà táng vào ngày thứ tư, hoặc thứ năm. Nhưng bây giờ, thời gian làm đám rút ngắn lại, thường chỉ có 3 ngày, nên việc làm nhà cho người chết sẽ được thực hiện trước khi đưa đám 1 ngày.


Nhìn nhà táng đoán tuổi người chết


Trước khi làm nhà cho người quá cố, đồng bào Tày ở Văn Quan (Lạng Sơn) phân công nhau làm ram, tức là hệ thống đòn khiêng, để đặt nhà táng lên trên.


Người trong làng phân công nhau, gia đình nào phụ trách ăn uống, nhóm nào thì đi làm nhà táng, nhưng chỉ có đàn ông thôi. Còn các nhà khác thì đóng góp cây để làm ram. Mỗi nhà thường 2 cây. Ngày xưa bà con lấy những cây nứa tép, tiếng Tày gọi là mạy peo, ở tít tận núi đá. Tùy theo làng ấy, nếu ít người thì có thể là 3 cây. Nếu người chết già thì người ta làm 7 tầng ram, từng ô, từng ô một. Các cây gác lên nhau thành từng ô, để người khiêng có thể chui đầu vào cái ô đấy. Còn khoảng giữa dùng để đặt quan tài và nhà táng lên - ông Cư nói.

 

Chỉ cần đếm các tầng ram là có thể đoán được tuổi của người vừa chết. Những người nào chết từ 50 tuổi đến gần 70 tuổi thì 5 tầng. Người nào chết từ 70 tuổi trở lên thì 7 hoặc 9 tầng. Mỗi người khiêng chịu trách nhiệm 1 ô.Thường thường có khoảng 30 ô.



kienthuc-kho116-nhatang1.jpg

Nhà táng của người Tày gồm nhiều tầng. Ảnh:baomoi.com


Dây buộc nứa kết ram phải là dây rừng, to bằng chiếc đũa. Loại dây này có tên là “khau cần”, đặc biệt bền chắc, thường được bà con dùng để buộc néo cày bừa. Quan tài được đặt lọt vào giữa khung ram, bên trên là nhà táng. Ngôi nhà này cũng được kết bằng nứa tép. Nhà táng có chiều dài khoảng 2m, chiều rộng 50cm, chiều cao từ 1,3-1,4m. Nhà có 4 mái lợp bằng giấy đỏ, vẽ vôi trên mái hình ngói âm dương.


Để khỏi bị gió lật nhà táng khi khiêng quan tài đi qua chỗ trống gió, người Tày ở Văn Quan lấy dây rừng chằng 4 bên lại cho chắc. Khi rước tới mộ thì thầy tào phải nhảy xuống, dán vào 4 góc huyệt những tờ giấy đã yểm bùa để yên tâm không có ma quỷ nào vào quấy nhiễu nữa. Yểm xong thì những hàng phe, hàng phường cởi nhà táng ra, cởi các dây buộc ở ram ra. Không được dùng dao chặt dây mà phải dùng tay tháo, để dây và các cây ấy lại được dùng để làm nhà mồ 2 mái. Gianh của các gia đình được đem lợp lên ngôi nhà mồ.

 

Ngôi nhà táng làm bằng giấy đỏ khi đó được châm lửa đốt. Con cháu người quá cố cởi hết khăn tang, áo tang, hơ nhiều lần trên lửa. Những chiếc khăn, chiếc áo tang đó được cất đi, đợi 40 ngày sau lại được dùng trong ngày lễ “bớt tang”. Sau thủ tục làm nhà táng cho người quá cố, buổi tối trước ngày đưa tang, người Tày ở Văn Quan (Lạng Sơn) nhất thiết phải làm lễ vàng thuyền, tức là lễ để trục hồn người chết. Trước kia, vàng thuyền được làm ở ngoài ruộng. Có thể là ruộng của chính gia đình có người chết. hoặc của bất cứ gia đình nào cũng được. Nhưng gần đây, bà con làm ở sân trước cửa nhà.

 

Trục hồn để xóa tội cho người chết


Người ta không phải hoàn toàn không có tội, giết một con kiến cũng là đã có tội, cho nên phải làm thủ tục trục hồn - quan niệm của người Tày như thế, cho nên lễ vàng thuyền rất quan trọng. Bà con làm khung hình chữ nhật có chiều dài khoảng 2m, chiều rộng chừng gần 1m, lấy vải trắng quây lại. Tất cả con cháu, anh em ruột thịt của người quá cố xếp hàng, chuẩn bị đi quanh, gọi là xiên tang.


Con cháu đi sau thầy tào, vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, có các đạo tràng đi theo gõ trống chiêng. Thầy cầm một cây tre to bằng ngón tay út, có cả lá và ngọn, gốc cây tre có buộc mảnh giấy ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của người quá cố. Thầy tào vác cây tre trên vai, tay phải cầm quyển sách chữ nho, đi vòng theo chiều kim đồng hồ. Thầy đọc, rồi lấy cây trượng gí thật mạnh vào ngọn đèn. Ngày xưa. cây đèn làm bằng mấu của các cây tre, cho dầu, cho bấc đèn, rồi đốt lên. Còn bây giờ, bà con dùng nến cắm vào khúc cây chuối con.

 

20130612-la-ky-dung-nha-lau-...-tang-nguoi-chet-o-vn-1.jpg

Nghi lễ trong tang ma của người Tày. Ảnh:baomoi.com


Nếu người chết là phụ nữ, thì để thực hiện nghi thức vàng thuyền cần  9 ngọn đèn, còn nam giới thì cần 7 ngọn. Mỗi lần thầy tào gí mạnh và làm tắt đèn, thì coi như một số loại tội của người quá cố đã được trục từ dưới địa ngục lên. Thủ tục vàng thuyền diễn ra trong khoảng 2 tiếng, là đến nghi lễ thán tâng. Thán là than, tâng là đèn, thán tâng có nghĩa là than trước đèn. Có khoảng 25 bài thán của con trai, con dâu, con gái, con rể, cháu, bên họ nội, bên họ ngoại, cháu rể, con nuôi, thán mùa, thán về hoa.v.v…


Ví dụ, có một bài như thế này:

 

Rướn thầy mư nấy chút du bương

Chút đen siêu độ vong hồn

Tân quan minh vương khay tang hứ

Vong hồn giải thoát khiến thiên đường.


Kết thúc một đoạn 4 câu như thế thì các đạo tràng gõ trống và thanh la, rồi tiếp:


Rướn thầy chút đèn khứn phong quan

Chút đèn khai lộ cứu vong hồn

Địa tạng minh vương khai tang úc

Vong hồn giải thoát khứn tiến quàng minh

 

Trống chiêng lại nổi lên.  Đó là thầy than về nhiệm vụ của thầy. Tiếp theo là thầy than đến con cháu:


Lúc rườn mư nấy chút đen ngân

Chút đen khai lộ rung mừa bân  

Thiên phú minh vương khai tang hứ

Vong linh giải thoát khứn xiền xuân

(Con cái hôm nay chút đèn gần

chút đèn mở đường sáng về trời

Thiên phù minh vương mở đường cho

Vong linh giải thoát lên nghìn xuân)

 

Lục lừa mư nấy chút đen tang

Chút đen bái hiếu nghĩa công sinh

Chứ công oăn cón po dao sếnh

Chút đen báo hiếu pie công sinh

(Dâu con hôm nay chút đèn sáng

Chút đèn báo hiếu nghĩa công sinh

Nhớ ơn ngày trước mẹ nuôi nấng

Thắp đèn báo hiếu trả công sinh)



Thanh Tâm/VOV4

 

Tâm - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC