(VOV4) - Với đồng bào Tày ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên), một ngôi nhà sàn được cất lên không chỉ là công sức của chủ nhà mà còn có sự chung tay giúp đỡ của cả bản cùng anh em thân tộc. Vì vậy, dựng nhà xong, người Tày tổ chức lễ lên nhà mới trang trọng, vừa để báo với tổ tiên, vừa để cảm ơn bà con xóm giềng.
Với người Tày ở Định Hóa, bất cứ gia đình nào làm lễ lên nhà mới cũng đều mời thầy Then, thầy Tào thực hiện nghi thức trấn trạch với mong muốn cuộc sống yên ấm, may mắn về sau.
Mời Ngọc hoàng xuống đuổi ma!
Gia đình ông Mông Văn Hoàng ở xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa, Thái Nguyên làm lễ lên nhà mới. Giờ lành đến, chủ nhà và bà con, khách khứa ngồi quây trước ban thờ. Thầy then cất lời mời các quan tướng đường âm theo mình phù trợ việc làm lễ. Thầy ngậm một ngụm nước lá bưởi phun ra xung quanh để tẩy uế cho ngôi nhà, rồi mời gia tiên của chủ nhà về chứng giám con cháu lên nhà mới.
Sau khi xin quẻ âm dương và nhận được sự chấp thuận, thầy then tiếp tục mời ông bà tổ tiên nhận lễ vật của con cháu. Xong, thầy bắt đầu nghi thức trấn trạch, nghi thức quan trọng nhất trong lễ lên nhà mới của người Tày.
Nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai, cũng là một thầy then uy tín ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, cho biết: “Mình chặt những cây này trên rừng thì đương nhiên cây to là có tinh mộc. Tinh mộc đem về làm nhà là mình phải cấm cách, mời Ngọc hoàng xuống đánh dấu. Đưa những tinh mộc ra khỏi nhà của ban họ dân tộc Tày này, là mình phải gọi Ngọc hoàng xuống chứng kiến. Ngọc hoàng là to nhất, muốn đuổi ai là đuổi được. Con cháu ai ai cũng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt”.
Thầy then miệng khấn niệm, tay cầm một chiếc lệnh bài gỗ cùng một con dao to lần lượt đi qua 4 cái cột chính trong nhà. Đến mỗi cột, thầy lại quát lớn một tràng, dùng lệnh bài và dao gõ lên thân cột rồi dán lên đó những tấm bùa cấm ma tà.
Thầy cúng dán bùa lên cột nhà để cấm ma. Ảnh: KT
Ông Lai giải thích: “Cấm cách đuổi ma tà tức là đóng quyết định của Ngọc hoàng bắt buộc là phải đuổi ra ngoài. Lệnh này là lệnh của Ngọc hoàng không cho ở trong phạm vi của ngôi nhà này. Con dao nặng 3 cân thép, 9 cân gang, cho nên chém vào thì các ông phải đi, nếu không đi là các ông chết, đấy là thủ tục của đường âm”.
Để thực hiện các nghi thức theo đúng phong tục, từ sáng sớm gia đình ông Hoàng đã phải cử người đi đón thầy then về, rồi bày biện bàn thờ, trang trang trí nhà cửa. Mâm cúng được chuẩn bị theo thứ tự dưới cùng là bàn thờ thánh của thầy then hành lễ. Cao hơn là bàn thờ gia tiên của chủ nhà. Trên cùng là bàn thờ tổ then nếu trong dòng họ chủ nhà có người từng làm then. Lễ vật trên mâm có con gà sống, có con vịt đã được mổ moi, luộc chín, thủ lợn cùng xôi ngũ sắc, trầu cau, hoa quả, bánh trái. Đặc biệt, toàn bộ việc biện lễ, xem hướng bàn thờ, chủ nhà phải theo lời thầy then chứ không được tự quyết định.
Bàn thờ của người Tày phải nhìn theo hướng nhà. Ví dụ nhà theo hướng Bắc thì phải để bàn thờ đi về hướng Bắc. Nếu nhìn sang hướng nam thì gia đình này sẽ lục đục.
Đồ cúng không thể thiếu thủ lợn ngậm chiếc đuôi, ngụ ý chuyện gì cũng có đầu đuôi. Ảnh:datviet.vn
Khi các nghi thức xong xuôi, chủ nhà mới tiến hành thắp lửa vào nhà mới. Theo ông chủ nhà Mông Văn Hoàng, nay người Tày không còn đặt nặng quan niệm tâm linh vào việc thắp lửa. Có thể thắp ngay bằng chiếc bật lửa gas trong tay. Tuy nhiên, nếu đúng thủ tục thì lửa để thắp vào nhà mới phải được lấy từ những nơi có thể đem lại may mắn cho gia đình. Thông thường, nếu chặt chẽ thì phải về nhà gốc, về nhà bố mình, nhà trưởng họ để lấy lửa - lấy may mắn của dòng tộc, dòng họ. Người Tày cũng có đình, miếu, thì người ta cũng có thể lấy lửa ở nơi đó.
Sau khi kết thúc các nghi thức cúng lễ, chủ nhà dọn lên nhà đồ ăn thức uống thết đãi bạn bè, bà con. Với quan niệm dương sao âm vậy, chủ và khách cùng nhau hát lên những điệu si, lượn, điệu then vui tươi để tổ tiên cũng phấn khởi, từ đó phù hộ, che chở con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
Những món nợ ân tình
Trước kia, để làm được một ngôi nhà sàn, cần chuẩn bị rất nhiều vật liệu. Tìm những cây gỗ lớn làm cột, kèo hay lá cọ để lợp mái, một gia đình khó có thể tự lo liệu. Vậy nên khi một gia đình làm nhà thì cộng đồng phải có trách nhiệm san sẻ khó khăn. Người giúp cây gỗ, người góp vài trăm tàu lá cọ, mấy bó củi…v..v.
Kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Tày. Ảnh: baomoi.com
Cho đến khi làm lễ lên nhà mới, theo phong tục, bà con đến dự sẽ mang theo 1 con gà, 3 ống bơ gạo, 1 chai rượu, vừa để mừng lễ tân gia, vừa để góp cỗ với chủ nhà. Khách và chủ cùng tập trung làm cỗ, rồi cùng vui hưởng. Trường hợp dự tính vật phẩm chuẩn bị cỗ bàn không đủ, chủ nhà cũng có thể vay thêm.
Người Tày ở Định Hóa còn có nguyên tắc là: chủ nhà làm lễ lên nhà mới sẽ không đứng ra thông báo hay vay mượn bà con mà sẽ giao việc đó cho gia đình đã lên nhà mới ngay trước mình.
Ông Mông Văn Hoàng cho biết người Tày có một luật tục thú vị nữa là vay lễ nào phải trả cho lễ nấy. Ngày thường, nếu không có sự vụ gì, kể cả người vay muốn trả lễ cũng không được. Đặc biệt, vay vào đám hiếu thì không được trả vào đám hỉ hoặc ngược lại: “Ví dụ mừng vào nhà mới mà đến giúp bằng gà hoặc rượu thì dứt khoát là trong nhà người làm tiếp theo, người ta cần thì làm nhà người ta mới lấy. Còn nếu làm đám ma, có ý định trả người ta cũng không trả. Vì người ta quan niệm là tạo ra cái xúi quẩy cho người mình đã có tâm giúp đỡ trước đây và người ta không bao giờ nhận. Hoặc bây giờ hộ nhau là hộ hết lòng. Thế thì bây giờ tính bằng tiền mà không có việc gì cụ thể cả thì người ta sẽ không nhận vật chất tính ra bằng tiền đó. Thậm chí là không bao giờ giả được nhưng anh em vẫn vui vẻ, mặc dù lúc đó đang ăn sắn, ăn khoai”.
Ông Hoàng chia sẻ vì luật tục này mà anh trai ruột của ông lập gia đình từ năm 1957 đến nay vẫn còn mang món nợ hơn 100 lít rượu, 2 đôi gà với con ngỗng. Không chỉ gia đình ông, trong bản làng Tày, còn rất nhiều món nợ ân tình tồn lại từ xa xưa. Những món nợ ấy được mỗi gia đình lưu lại trong một cuốn sổ qua các thế hệ, để đời bố mẹ không trả được thì đời con hay đời cháu trả thay.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận