(VOV4) - Có một điều khá đặc biệt ở người Khơ Mú tỉnh Điện Biên, đó là bà con dùng tên loài vật để đặt họ của mình. Họ Quàng, hay họ Lò đều có một câu chuyện riêng về việc tôn thờ vật tổ.
"Tôi họ Quàng, là họ con Hổ. Chúng tôi kiêng thịt hổ, cao hổ. Ăn là bị rụng răng, đường ruột. Nếu răng rụng là còn đỡ chứ bị đường ruột là chết luôn đấy".
"Họ Lò không được bắt chim đâu. Mình mà bắt chim rồi cầm cốc nước uống thì hoặc là mình đau bụng, hoặc là bị rụng răng".
Họ Quàng của thầy cúng Quàng Văn Cá (ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) là họ con hổ. Còn họ Lò nhà chị Trinh là họ con chim. Vậy nên, ai đã là người của dòng họ thì phải nhất nhất tuân thủ việc kiêng kỵ khi tiếp xúc với vật tổ của mình. Trong các cộng đồng người Khơ Mú ở tỉnh Điện Biên, lớp trước lại truyền lại cho lớp sau những câu chuyện đượm màu huyền bí liên quan đến con vật tổ.
Lễ cúng của người Khơ mú. Ảnh:baomoi.com
Ông Quàng Văn Cá thì khẳng định rằng không phải chuyện đùa đâu: "Tôi đã chứng kiến một ông họ Lò ăn con chim đen đuôi dài. Vợ con ngăn cản, bảo là đừng ăn. Thế nhưng ông ấy bảo: tôi ăn, chết thì mặc kệ tôi. Ông ấy ăn lúc tối thì đến 3 giờ sáng thì lăn ra, đi cấp cứu bệnh viện không kịp!".
Khi gặp con vật tổ của mình, người Khơ Mú kính trọng lùi xa. Với người họ Lò, chẳng may nhìn thấy con chim chết trên ruộng nương, hay dọc đường, họ đều tìm chỗ chôn cất cẩn thận. Việc thờ cúng vật tổ, chỉ những người trong gia đình, trong dòng họ mới được biết. Người ngoài, nếu may mắn, chỉ có thể nhìn thấy tư thế, động tác bắt chước động tác con vật tổ khi người Khơ Mú thực hiện nghi thức cúng mà thôi.
Dân tộc Khơ Mú hiện có khoảng 73 nghìn người, sống tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc là: Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái.
Tiếng Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me, ngữ hệ Nam Á. Theo các nhà dân tộc học, người Khơ Mú là một nhóm sắc tộc lớn, sinh sống ở khu vực miền Bắc Lào, di cư đến nước ta khoảng 200 năm nay. Cái tên dân tộc Khơ Mú mới có cách đây vài chục năm. Tộc danh Khơ Mú chính thức xuất hiện trong bảng Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979.
Thanh Tâm/VOV4
Viết bình luận