Lễ cầu mưa của người Lô Lô
Thứ sáu, 00:00, 09/09/2016 Hải Huyền bt bài 3 ảnh Hải Huyền bt bài 3 ảnh

(VOV4) - Không chỉ giàu tính nhân văn, lễ hội cầu mưa còn mang tính giáo dục “uống nước nhớ nguồn” mà bao đời nay người Lô Lô vẫn răn dạy con cháu.

 

Lễ hội cầu mưa do đồng bào dân tộc Lô Lô Hoa ở xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

 

 


Thầy cúng Lò Sỉ Páo cúng bốn phương trời. Người phụ lễ vuốt đuôi rồng cầu mưa


Những cô gái chưa chồng, đẹp nết sẽ được lựa theo con mắt của làng để tham gia phụ lễ


Phần hội, cả làng vui vẻ múa theo làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua...

 

Cầu mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi

 

Trên khu đất rộng, thầy cúng Lò Sỉ Páo mặc áo đen, đầu quấn khăn với nhiều quả bông nhỏ sặc sỡ sắc màu, ngồi nghiêm trang trước mâm lễ, khấn mà như hát bằng tiếng Lô Lô.

Sau ông, 4 chàng trai và 9 cô gái trong bộ trang phục truyền thống, đứng thành hàng ngang phụ lễ. Một cô cầm nhị to gấp 3 lần chiếc nhị thông thường. Kế bên là một người đàn ông ngồi ngay ngắn, trên tay cầm một bông lau. Ông Hồ Việt Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Triển lãm, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, nói rằng: đây chính là phần mở đầu cho lễ cầu mưa.

 

Không phải ai cũng được tham gia phụ lễ, mà phải là người xuất sắc, có ngoại hình, có đạo đức. Và những cô gái chưa chồng đẹp nết sẽ được lựa theo con mắt của làng. 

Mâm cúng ngoài trời được bày biện khá đơn giản: 1 con gà trống đặt trên đĩa xôi trắng khá to. Một con chó thui sẵn, 4 chén rượu, một thanh kiếm sắt. Tại 4 ống hương nơi 4 góc mâm cúng có đặt giấy tiền vàng. Sau một hồi khấn vái, thầy cúng đứng dậy, cầm chai rượu rót vào 4 chiếc chén, rồi châm lửa đốt tiền vàng tại 4 ống hương, trượng trưng cho 4 phương trời. Đốt tại ống nào xong, ông đều ngửa mặt lên trời chắp tay khấn vái, cầu trời ban mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi. 

Trong khi đó, người đàn ông ngồi cạnh từng nhịp nhẹ nhàng luân phiên hai tay, vuốt từ gốc đến ngọn bông lau mà ông Lò Sỉ Páo giải thích đó là tuốt đuôi rồng:

“Cái này để cho nó kêu lên thôi mà. Kêu lên tận trời cho mưa xuống, cho mưa thuận gió hòa. Cầu mưa này là tất cả dân tộc đóng góp mà làm, cả huyện tham gia cũng được. Nhưng mà làm lễ cầu mua chỉ được phép làm ngoài đồng thôi. Không làm trong nhà. Mình cầu 4 phương sao lại làm trong nhà được. 15/3 không có mưa là phải làm, phải cầu, nếu có mưa rồi thì thôi không cầu nữa”.

Hoàn tất các công đoạn lễ, ông lấy từng chén rượu đưa cho 4 chàng trai phụ lễ uống. Sau đó, thầy cúng mời dân bản nhảy múa theo tiếng nhị réo rắt. Những chàng trai, cô gái Lô Lô sẽ uyển chuyển theo làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua… và hát những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc lứa đôi. Những động tác mô phỏng hoạt động sản xuất thường ngày như phát nương, phát cỏ và tra ngô khỏe khoắn khiến cho lễ hội càng thêm vui nhộn. Và theo ông Lò Sỉ Páo, đó vừa là vui chơi, vừa là cung tiễn các vị thần linh về trời. 

 

Cầu mưa không thể thiếu thịt chó

 

Theo ông Lò Giàng Páo, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc, thực ra, người Lô Lô làm lễ cầu mưa không phải trực tiếp cúng trời mà cúng một vị ân nhân. 

Tích chuyện của người Lô Lô kể lại, xa xưa, khi làng người Lô Lô xảy ra hạn hán, có một người đàn ông đã đứng ra làm giả những rãnh nước, kêu gọi mọi người đánh trống, nhảy múa, bụi mù thấu tận trời xanh nên trời đã ban mưa xuống. Nhưng chẳng may mưa ngập trắng đồng, khiến gia súc, gia cầm chết hết, và ông cũng không giữ được mạng sống. Lúc này, chỉ còn lại một con chó, thương ông, mọi người đã làm thịt chó để cúng tiễn đưa linh hồn ông về trời. Chính vì thế mà trong mâm lễ cầu mưa của người Lô Lô không bao giờ thiếu thịt chó.

 

Ngoài ra, trống đồng và nhị cũng là vật tế lễ bắt buộc phải có. Người Lô Lô cho rằng từ thuở khai thiên lập địa đã có trống đồng. Đó là biểu tượng của vũ trụ, cho nên khi cầu mưa phải giong trống, kéo nhị để vang thấu đến trời. Tuy nhiên, chiếc trống đồng dùng trong lễ cầu mưa của bà con ở Sàng Pả A hiện nay đã được đưa vào bảo tàng, nên chỉ còn cây nhị.

 

“Bây giờ giản lược chỉ có nhị múa thôi. Ngày xưa chỉ có giấy bản, giờ có tiền, vàng mã, tiện cái nào cúng cái đó. Đây là tín ngưỡng nông nghiệp hầu như tộc người nào cũng có, nhưng mỗi tộc người có quan niệm khác. Ngày xưa dân Lô Lô làm ruộng, quá trình lịch sử không có nước, nhiều vùng chỉ còn ngô. Phải cầu mưa”.

 

Ngày trước, việc cầu mưa không thể làm tùy tiện, không phải năm nào cũng làm lễ, chỉ những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, vào tháng 3 âm lịch người dân Lô Lô mới tập trung lại để cầu mưa. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng ngày càng xanh tốt, dân bản được mùa, đời đời no ấm. 

Nay, lễ hội cầu mưa không chỉ là hoạt động mang tính tín ngưỡng mà còn là dịp mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn. Với đám thanh niên, đây là dịp các chàng trai tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo đôi, sáo cờ lé.

 

 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

Hải Huyền bt bài 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC