VOV4.VN - Sau khi làm lễ trưởng thành bằng nghi thức cà răng căng tai, các chàng trai, cô gái người B’râu có thể tự do tìm hiểu để rồi tiến tới hôn nhân. Người B’râu dạm hỏi bằng nghi lễ trao vòng cầu hôn.
Người B'râu trao vòng cầu hôn
Việc chọn bạn đời của người B’râu không có gì đặc biệt. Họ thấy thích là có thể tìm hiểu và không có sự ràng buộc gì, không có chuyện so sánh, phân biệt giàu nghèo hoặc môn đăng hộ đối. Khi đã tìm được người yêu phù hợp, thì chàng trai hoặc cô gái sẽ về thông báo với gia đình và xin phép được tiến hành nghi thức trao vòng cầu hôn.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, chia sẻ: Không như các dân tộc khác là bố mẹ đứng ra lo liệu, người B’râu có một người chủ lễ đứng ra đảm trách việc này.
Chiếc vòng cầu hôn của người B’râu có thể bằng vàng, bạc hoặc đồng, tùy theo điều kiện của gia đình. Nếu cầu kỳ thì chạm khắc, còn không chỉ là vật mang tính tượng trưng cho một sự ràng buộc. Nó giống như lễ đính hôn ở một số dân tộc khác. Và vòng này không nhất thiết phải đeo ở tay, có thể đeo ở cổ, ở chân.
Cùng với chiếc vòng cầu hôn thì không thể thiếu gà và một ghè rượu. Người B’râu quan niệm khi đã thực hiện lễ trao vòng cầu hôn xong, coi như đã thành vợ thành chồng mà không phải chờ đến đám cưới.
Lễ trao vòng cầu hôn của người DTTS ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa: KT
Những kiêng kỵ trong đám cưới của người B'râu
Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang giải thích rằng: Nếu như đôi trai gái gặp những điềm gở như chim chết, quạ kêu, núi lở hay con vật nào đó chạy qua thì họ cho rằng họ không có duyên thành vợ thành chồng của nhau. Khi đó, họ sẽ lặng lẽ chia tay mà không buồn rầu hay suy nghĩ nhiều về mối quan hệ đó nữa. Họ lại đi tìm cho mình một người khác và không quan tâm đến mối tình đã qua.
Người B’râu rất tin tưởng vào thiên nhiên, vào những thế lực siêu nhiên, họ cho rằng nếu có những chuyện không hay xảy ra là do Giàng không đồng ý và họ sẽ lại phải làm một thủ tục nữa là trả vòng cầu hôn. Khi trả vòng, họ nói rõ lý do và chia tay. Hoặc trong quá trình tìm hiểu, không còn thích nhau nữa họ cũng chia tay và trả lại vòng cầu hôn. Họ lại mời ông mối đến làm lễ trao vòng rồi cùng ăn thịt gà uống rượu, rồi ra về trong vui vẻ.
Đám cưới truyền thống của người Brâu
Người B’râu không chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới mà ngay sau khi nhờ ông mối (gia vư) làm lễ trao vòng cầu hôn tại nhà gái xong, thì đôi trai gái có thể tiến hành lễ thành hôn.
Đám cưới truyền thống của người B’râu có tính cộng đồng rất cao. Việc chuẩn bị vật phẩm và thực phẩm được phân công rõ ràng. Trai thì làm rượu ghè, gái thì hái rau lấy củi gùi nước. Ai cũng vui vẻ với công việc mình được giao.
Thời gian tổ chức đám cưới thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu, hầu như là để chuẩn bị đồ lễ dâng lên Giàng, mang tính chất thông báo với thần linh về đám cưới của đôi trẻ. Đồ lễ không thể thiếu gà hoặc lợn, nếu có điều kiện thì có thể là bò hoặc trâu, và rượu.
Đám cưới cũng là ngày hội chung của làng, do vậy, việc vui chơi, nhảy múa, uống rượu là chủ yếu. Ngày thứ hai của đám cưới dành toàn bộ thời gian cho hoạt động đó. Lúc này nam nữ có thể tâm sự, thậm chí tìm hiểu nhau để có những đám cưới tiếp theo.
Ngày thứ ba là ngày kết thúc hôn lễ. Lúc này, gia vư sẽ tiến hành nghi lễ hôn phối cho cặp vợ chồng mới cưới dưới hình thức đắp chung chăn.
Sau đám cưới, người B’râu tổ chức lễ lại mặt. Họ tổ chức ăn uống để hai bên gia đình gần gũi nhau hơn, cùng vun vén cho hạnh phúc của đôi bạn trẻ.
Thời gian ở rể của chàng trai thường là từ 1- 3 năm. Nhưng ngày nay, họ có thể ở luân phiên hoặc do sự thỏa thuận giữa hai bên, sống chung trong một ngôi nhà, ăn uống, sinh hoạt chung, nhưng bếp thì riêng. Khi đến với các buôn làng của người B’râu, chỉ cần nhìn vào số bếp lửa thì biết rằng gia đình đó có mấy hộ cùng sinh sống.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận