Lễ đặt cơm vắt của người Kh’mer
Thứ ba, 00:00, 25/10/2016

(VOV4) - Lễ đặt cơm vắt của dân tộc Kh’mer là lễ thuộc tín ngưỡng Phật giáo. Lễ kéo dài tới nửa tháng.







 Lễ đặt cơm vắt được bà con Kh’mer tổ chức từ ngày rằm đến 30/8 âm lịch. Trong lễ này, bên cạnh mâm cơm cúng tổ tiên tại nhà, bà con chuẩn bị các nắm cơm vắt nhỏ đưa đến chùa cúng dường, hồi hướng công đức đến ông bà, cha mẹ đã qua đời. Vì vậy mà được gọi là lễ cơm vắt.

 


Lễ tổ chức từ ngày 16 đến cuối tháng 8 âm lịch hàng năm. Ảnh: baomoi.com

 

Theo truyền thống của người Kh’mer, vào mùa lễ cơm vắt, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày nhất định, nhờ một vị À cha (là những người lớn tuổi làm công quả trong chùa, thông hiểu giáo lý) thỉnh các sư về nhà làm lễ cúng tại nhà.

 

Nghi thức rước nhà sư về nhà được bà con thực hiện rất trang trọng. Đi đầu là vị À cha, theo sau có người mang bình hoa, người đánh trống, chũm chọe. Kế tiếp là các nhà sư, có người rước lọng che nắng. 

 

Sư Kim Tuệ,  trụ trì chùa Kh’mer tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, kể: “Có sự tích là xa xưa có đức vua Bình Sa Vương có thân bằng quyến thuộc thọ sinh ngạ quỷ, do kiếp trước dùng đồ mà người ta dâng cúng đến các chư tăng. Thân bằng quyến thuộc của đức vua mới khóc lóc. Vua nghe xong, đi thỉnh Đức Phật làm cách nào cứu độ họ. Đức Phật bảo lễ trai tăng, thỉnh chư tăng. Làm lễ trai tăng xong rồi, ngạ quỷ đó có tâm hoan hỉ, thọ lãnh được phước. Lễ cơm vắt từ đó đó có đến giờ”.

 

Lễ đặt cơm vắt nhằm dâng cơm đến các vị sư và cúng ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã quá cố. Ảnh: baomoi.com

 

Tới nhà, các sư ngồi xếp bằng bên bàn thờ tổ tiên, trước mặt bày mâm bàn, bình bát, kinh kệ. À cha cùng các thành viên trong gia đình ngồi phía đối diện. Vị A cha hướng dẫn chủ nhà niệm kinh dâng cúng lễ vật đến chư tăng. 

 

Sau thủ tục dâng cúng lễ vật là lúc chư tăng bắt đầu đọc kinh cầu siêu, hồi hướng phước báu tới linh hồn ông bà, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của chủ nhà. Đây là nghi lễ linh thiêng, đem lại sự an lành, yên vui đến không chỉ người đã khuất mà cả người đang sống. 

 

Chư tăng tụng kinh xong, chủ nhà cùng con cháu dọn mâm mời chư tăng dùng cơm rồi tiếp tục tụng kinh cầu siêu theo sự hướng dẫn của À cha.

 

Sau khi cúng tại nhà riêng, đến tối, bà con trong phum sóc tập trung tại chùa nghe các sư tụng kinh, thuyết pháp. Đến gần sáng, bà con vắt cơm thành từng nắm tròn, bày lên mâm cùng hoa quả, bánh trái. Một phần đặt vào bát dâng cho các sư, phần còn lại đem đặt quanh chánh điện. 

 

Theo ông Sơn Del, người Khmer ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nắm cơm vắt tiếng Khmer gọi là “bơn” hay “ben” bắt nguồn từ tiếng Phạn, dùng để cúng cho những người đã chết mà thiếu phước, chưa được siêu sinh: “Sợ hồi xưa ông bà cha mẹ có người làm ác kiếp trước mà mình không biết, thì mình làm mâm cơm dâng ông lục, rồi trái cây, mình để xung quanh chánh điện. Ma ở ngoài, đâu dám vô chùa. Mình để vòng quanh chánh điện mới được ăn. Trời hừng đông là ra ngoài đặt cơm. Còn tối tối, ma mới dám ở đó, còn sáng thì đâu dám ở”. 

 

Tại một số địa phương miền Tây Nam bộ, lễ vật trong lễ cơm vắt ngoài cơm, hoa quả và các loại bánh thì bắt buộc phải có bún để cúng cho những cô hồn, bởi bà con tin có người kiếp trước làm ác, miệng nhỏ tới độ không ăn được cơm, chỉ mút được một sợi bún. Những người ấy có thể do bủn xỉn, tạo nghiệp ác, lâu lắm không thể ăn, nên há miệng là bốc lửa ra.

 

Trước kia, từ ngày rằm đến ngày 30/8, đêm nào các Phật tử Kh’mer cũng phải làm đủ ngần ấy nghi thức. Đến nay, tại một số địa phương, số ngày làm lễ cơm vắt đã giảm nhiều, nhưng các thủ tục vẫn được giữ nguyên vẹn.   

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC